Tổng kết Trị liệu nhóm trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh số 02: Chìa khóa vượt qua nỗi sợ hãi

Buổi trị liệu nhóm trực tiếp tại Thành phố Hồ Chí Minh số 02 với chủ đề “Chìa khóa vượt qua nỗi sợ hãi” được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý, Master Coach Phạm Thị Ngọc Trâm đã giúp các khách hàng hiểu được nguồn gốc của nỗi sợ, và tạo động lực giúp mỗi người vượt qua những niềm tin giới hạn của chính mình.

Chuyên gia tâm lý chia sẻ, bản chất của nỗi sợ là bản năng từ thời nguyên thủy, giúp con người phòng vệ và đối diện với nguy hiểm bên ngoài. Khi con người có tổ chức xã hội và các mối nguy từ môi trường giảm dần, những nỗi sợ này hướng về những sự kiện tạo ra cảm xúc tiêu cực cho chúng ta: những mất mát, thiếu đi sự kiểm soát, không có những chuẩn bị,… 

Dù đã hàng thế kỷ sau thời kỳ xã hội săn bắn – hái lượm, các kiến thức được di truyền cũng như các hình tượng trong văn hóa, dân gian,… đã lập trình nhiều nỗi sợ vào tâm trí chúng ta, ảnh hưởng tới cách cơ thể chúng ta phản ứng – chẳng hạn như việc rùng mình trước hình ảnh những con động vật to lớn và nguy hiểm, dù chúng ta hầu như chỉ biết chúng qua sách vở, báo đài,…

Nỗi sợ tác động tới chúng ta ra sao

Dựa trên những kiến thức từ những buổi trị liệu nhóm trước đó, chuyên gia tâm lý, Master Coach Phạm Thị Ngọc Trâm đã chia sẻ cách mà nỗi sợ ảnh hưởng tới tâm trí chúng ta.

Mỗi người có ba tâm trí:

  • Ý thức: nhận biết tình huống và đưa ra quyết định, đồng thời giao tiếp với vô thức.
  • Vô thức: đáp ứng lại những giao tiếp từ ý thức.
  • Trường năng lượng: những sự kiện được thu hút bởi hành vi chúng ta –  những hành vi được quyết định thông qua giao tiếp giữa ý thức và vô thức.

Vô thức được ví như một đứa trẻ nhỏ, không phân biệt thật hay tưởng, quá khứ hay tương lai. Chính vì vậy, nếu ý thức giao tiếp với vô thức qua những suy nghĩ về nỗi sợ trong quá khứ hay lo lắng về tương lai, vô thức sẽ hiểu những nỗi sợ ấy là thực tại. Nó sẽ đáp ứng lại với những hành vi giới hạn, ngăn cản mỗi người đạt được kết quả mình mong muốn, và tệ hơn, sẽ đặt chúng ta vào một vòng lặp của thất bại và sợ hãi.

Do vậy, mỗi cá nhân cần phải hiểu cách giao tiếp giữa ý thức và vô thức để có thể làm chủ vô thức của mình. Chuyên gia tâm lý cho biết, có bốn cách giao tiếp: suy nghĩ, lời nói (nội tâm, hoặc bên ngoài), hành động / hành vi, và cảm nghĩ / cảm nhận. Dựa vào bốn cách giao tiếp đó, nỗi sợ có thể ngăn cản chúng ta khỏi những kết luận tích cực. Nếu như phản ứng với nỗi sợ và thất bại luôn là những kết luận tiêu cực, chúng ta sẽ mất động lực để tiếp tục phấn đấu, và sẽ không thể nào đạt được những nguyện vọng, mong muốn của bản thân. Chuyên gia khuyên rằng, để vượt qua, chúng ta cần điều chỉnh hành vi của mình, và hãy cố gắng để mọi hành vi của mình có chủ đích tích cực.

Đưa ra những quyết định khác, thực hiện những hành vi mới không phải là việc đơn giản. Đó là do những quyết định chúng ta đưa ra ở thời điểm bây giờ chịu ảnh hưởng từ những trải nghiệm, sự kiện từ khi chúng ta sinh ra tới giờ. Trong đó, giai đoạn từ 0-7 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất – đó là giai đoạn có những trải nghiệm có dấu ấn, đặc biệt là từ gia đình. Khi não bộ đang ở giai đoạn phát triển nhanh nhất, mọi trải nghiệm và sự kiện sẽ được lưu lại và trữ trong vô thức chúng ta suốt cuộc đời. Sau này khi lớn lên, đi học và đi làm, những trải nghiệm, biến cố trở thành những sự kiện củng cố các cảm xúc đã lưu lại trong vô thức của ta. Những thái độ, hành vi của người xung quanh, văn hóa ở trường học, nơi làm và xã hội đều đem lại những ảnh hưởng tốt và không tốt tới con người chúng ta. Và những sự kiện nào có liên hệ cảm xúc sẽ có nhiều ý nghĩa, được lưu lại mạnh mẽ trong tâm trí chúng ta.

Master Coach nói thêm, các sự vật, con người, sự kiện, hiện tượng lưu lại trong tâm trí chúng ta bởi những “cái neo”. Đó là những ấn tượng về thị giác, về âm thanh, về mùi vị, và hiệu quả nhất, về cảm giác và cảm xúc. Những “cái neo” này có thể gặp ở trong bất kể môi trường nào, và lưu lại trong tâm trí ta ở cả ý thức và vô thức. Nếu mỗi người không có sự chọn lọc, thiếu đi sự tỉnh thức, tất cả sẽ bị lọt vào tâm trí chúng ta, không chỉ những ý niệm tích cực mà cả những nỗi sợ, nỗi lo lắng. Vì vậy, chúng ta cần phải luyện cho tâm trí chúng ta tích trữ những tích cực, hóa giải những tiêu cực hàng ngày. Việc ấy có thể phần nào khó khăn, nhưng nếu được thực hiện đều đặn, thành thói quen, nó sẽ trở thành một phần của vô thức.

Những chìa khóa vượt qua nỗi sợ

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Phạm Thị Ngọc Trâm đã đưa ra nhiều chìa khóa giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ của chính mình.

Đầu tiên, mỗi người cần luôn luôn quan sát giao tiếp giữa ý thức và vô thức của bản thân. Việc quan sát này sẽ giúp chúng ta đạt được sự thức tỉnh – chúng ta sẽ hiểu được tại sao mình có những hành động, suy nghĩ, lời nói nhất định, sẽ nhận ra mình đang thực hiện sai ở đâu, và từ đó, sẽ điều chỉnh được cách giao tiếp. Đó là bước đầu để làm chủ vô thức của chính mình.

Từ đó, mỗi người nên tập trung vào kết quả mình mong muốn. Mỗi người cần phải tự hỏi bản thân mình muốn gì. Chuyên gia tâm lý hướng dẫn, chúng ta có thể đi qua từng câu hỏi để mường tượng được chính xác hơn. Ta muốn chính xác điều gì, làm thế nào để đạt được nó, khi nào ta muốn có kết quả, ai sẽ giúp mình, và cuối cùng, tại sao nguyện vọng này lại quan trọng. Bình thường, ta muốn quá nhiều thứ, nên thiếu đi sự cụ thể trong nguyện vọng của mình. Những câu hỏi ấy sẽ giúp mỗi người định hình tốt hơn mong muốn bản thân.

Đó là tiền đề để chúng ta có chìa khóa tiếp theo – hình dung, tưởng tượng kết quả mong muốn. Vì vô thức không phân biệt thật giả, quá khứ hay tương lai, những hình dung cụ thể sẽ là cách giao tiếp hiệu quả để thực thi những mong muốn của mình.

Thêm nữa, hãy can đảm để đưa ra quyết định. Hãy cứ làm, rồi rút kinh nghiệm, vì với mỗi kết quả, đó là cơ hội để ta hoàn thiện bản thân và tiếp tục phát triển. Với mọi kết quả, ta cần luôn đưa ra kết luận, bài học tích cực. Thực hiện chìa khóa này là một điều cần thiết để có tư duy tốt, giúp chúng ta tốt hơn mỗi ngày. Qua đó, ta học được cách trân trọng, biết ơn bản thân và những người xung quanh, tránh coi những thuận lợi và tình thương là điều hiển nhiên – một hành vi dễ khiến ta đổ lỗi cho người khác và chối bỏ trách nhiệm khi gặp thất bại, và khiến nỗi sợ lại thêm mạnh hơn.

Một chìa khóa nữa mà Master Coach cung cấp là sự kiên trì đổi mới cho tâm trí. Mỗi người cần duy trì thói quen đúng – đủ – đều cho đến khi hành vi được lưu vào vô thức. Kiên trì đổi mới cho phép bản thân thêm sự quyết đoán để bứt ra khỏi vùng an toàn. Khi bỏ được những rào cản ta đang tự tạo ra, ta sẽ có thể tự tìm giải pháp cho những vấn đề của mình.

Mỗi người cũng cần có sự kết nối với những người có trường năng lượng tích cực để phát triển bản thân, cũng như sự khiêm nhường để giúp đỡ những ai chưa tốt. Nói cách khác, khi ta cảm thấy sự tiến bộ của bản thân, ta không nên phán xét những người khác, mà phải giúp đỡ họ, hoặc tìm sự hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là người thân của mình vì họ có vấn đề của họ. Thói quen này sẽ đem lại sự bao dung tha thứ – cho bản thân mình, và cho những người xung quanh.

Từ ấy, ta cần chủ động làm tác nhân thu hút qua việc thực hành trân trọng biết ơn, tạo sự tích cực, rèn luyện sức khỏe cơ thể và tâm trí. Luôn chủ động tìm hiểu học hỏi và phát triển sẽ mở cơ hội loại bỏ niềm tin giới hạn cho bản thân mình.

Cuối cùng, ta nên luôn ghi nhận và chúc mừng sự nỗ lực của bản thân. Đấy là một cách để lưu lại những cảm xúc tích cực “neo” lại trong tâm trí mỗi người. Sự công nhận, cổ vũ ấy sẽ trở thành những giao tiếp tích cực, giúp vô thức có thêm nguồn năng lượng tích cực để cho chúng ta mỗi lần gặp những nỗi sợ mới.

Qua buổi trị liệu nhóm trực tiếp tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/7/2022, các khách hàng đã có thêm những kỹ năng, cũng như được truyền cảm hứng và động lực lớn để vượt qua những nỗi sợ của mình. Họ được hiểu thêm rằng lo sợ không chỉ là một rào cản, mà nó cũng là một báo hiệu cho thấy việc mình làm là quan trọng. Nỗi sợ chỉ là một cảnh báo từ vô thức, và khi hiểu điều đó, ta có thể tập trung vào điều mong muốn, để dần thoát khỏi vùng an toàn của bản thân và phát triển. Những sợ hãi ban đầu nếu vượt qua được sẽ giúp mỗi người có tư duy học tập, trưởng thành hơn, và có thêm động lực sống.

Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam mong rằng, với những buổi trị liệu nhóm đầy năng lượng cùng các chuyên gia tâm lý, các khách hàng sẽ có thêm hành trang để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, thêm chìa khóa để vượt qua nỗi sợ hãi, lo lắng thường ngày của mình.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *