Tổng kết Trị liệu nhóm tại Hà Nội số 08: Tuổi Teen cần gì ở cha mẹ?

Đến với buổi Trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 08, ngày 27/08/2022, với chủ đề “Tuổi Teen cần gì ở cha mẹ?” được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý, Master Coach Trần Thị Hương, khách hàng đã hiểu hơn về kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu con cái, kỹ năng giao tiếp đúng trong môi trường gia đình và kỹ năng đồng hành cùng con.

1. Lắng nghe, cảm thông, cho lời khuyên khi thực sự cần thiết

Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là chấp nhận bản thân con, sau đó ngồi lại để nói chuyện, trao đổi với con. Cha mẹ cần đối thoại, đặt câu hỏi để lắng nghe con, tại sao con lại làm thế, con suy nghĩ điều gì, con có mong muốn như thế nào? Làm thế nào để mẹ có thể tin tưởng được con?

Điều ba mẹ cần làm là ở bên, lắng nghe và cảm thông, cho lời khuyên nếu con cần. Chỉ cần ở bên, đồng hành cùng con là con sẽ cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của ba mẹ chứ không cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong khoảng thời gian nhạy cảm này.

2. Luôn sẵn sàng khi con có nhu cầu nói chuyện

Luôn sẵn sàng khi con có nhu cầu nói chuyện cũng là điều vô cùng cần thiết. Giao tiếp, trò chuyện là yếu tố quan trọng để hình thành và củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Không ai hoàn hảo nhưng cha mẹ vẫn cần tôn trọng sở thích, tính cách, sự lựa chọn của con. Rồi sau đó mới tìm cách điều chỉnh, lắng nghe và nói chuyện với con một cách chủ động, không phán xét, lắng nghe như những người bạn để con thật sự được cảm thông.

3. Thể hiện sự tin tưởng và trao quyền

Hãy nói với con là cha mẹ tin tưởng con, như vậy con sẽ cố gắng làm mọi thứ để không phụ lòng tin của bố mẹ. Cũng có những trường hợp ngược lại nhưng xu hướng đó rất ít. Và việc trấn áp lại càng không nên vì nó để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Các bậc phụ huynh hãy trao cho con “chìa khoá” để giải quyết vấn đề chứ không phải làm thay cho con tất cả mọi thứ. Đây là cách “trao quyền” để cho con được phép lựa chọn những thứ phù hợp với con. Cha mẹ đóng vai trò định hướng, quan sát và đồng hành với con để con phát huy được năng lực và sự sáng tạo.

Khi con cái đã nhận được sự “trao quyền” này, được bố mẹ tin tưởng thì các con sẽ cố gắng phát huy khả năng của mình. Con sẽ biết cách tự sắp xếp và tìm cách đạt được mục tiêu của con chứ ba mẹ không nên kỳ vọng. Mình trao quyền và giám sát từ xa, chỉ “kiểm soát những điều mất kiểm soát” và như vậy, việc nuôi dạy con cái sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

4. Luôn ghi nhận, khích lệ và đồng hành cùng con

Khi con đạt được những thành tích nào đó, con đem đến cho mình niềm vui thì các bậc phụ huynh hãy ghi nhận và khen ngợi con. Ví dụ như con giúp mình làm việc nhà, hãy ghi nhận để lần sau con cố gắng làm tiếp, muốn cố gắng nhiều hơn, từ đó hình thành nên thói quen tốt.

Hãy ghi nhận sự tiến bộ của con, khích lệ con mỗi ngày để con thay đổi theo hướng tích cực hơn. Đây là điều kỳ diệu của yêu thương đúng cách. Việc tôn trọng con, yêu thương con đúng cách để con biết cách bảo vệ chính mình, xây dựng lòng tự tôn, nâng cao giá trị của bản thân.

5. Cha mẹ làm gương, làm một người đồng đội tương hỗ

Nếu mong muốn con có suy nghĩ đúng đắn, trở thành một người tích cực, cha mẹ đừng chỉ tập trung vào con, áp đặt con mà hãy nhìn lại chính mình. Hãy trở thành phiên bản tốt hơn, con sẽ lấy đó làm gương để con nhìn vào đó để phấn đấu tốt hơn mỗi ngày.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hương:

“Ba mẹ hãy sẵn sàng nhận sai, hạ cái tôi của mình xuống để làm gương cho con, giúp con hiểu thế nào là trách nhiệm. Đây cũng là cách đơn giản nhất để đồng hành cùng con, giúp con tìm ra mục tiêu, hướng đi và nhiệm vụ của mình cần thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đó.

Khi chúng ta thay đổi, cả thế giới sẽ thay đổi. Vì vậy, hãy trút bỏ “cái tôi” của mình xuống, thành thật với chính mình. Dù bên ngoài có gai góc như thế nào thì sâu bên trong vẫn là “đứa trẻ” khao khát được yêu thương, được chữa lành.

Chia sẻ với buổi trị liệu nhóm, khách hàng trải nghiệm đã có một số cảm nghĩ:

Thay vì tập trung vào những thứ hiện tại, tôi đã biết cách nhìn vào mục tiêu trong tương lai. Tôi biết cách tin tưởng, giữ vững niềm tin, tập trung vào những điều tốt đẹp mà mình hướng đến.

Qua chia sẻ của chuyên gia, mình nhận thấy cách yêu thương con của mình chưa đúng và cần phải điều chỉnh lại. Hy vọng thời gian tới mình sẽ đồng hành giúp con vững tin trên con đường trưởng thành đầy thử thách.

Chương trình trị liệu nhóm trực tiếp tại Hà Nội số 08 đã giúp các thành viên có thêm kiến thức về kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu con cái, kỹ năng giao tiếp đúng trong môi trường gia đình và kỹ năng đồng hành cùng con. Hy vọng các bậc phụ huynh sẽ biết cách yêu thương con theo cách mà con muốn chứ không phải cách mà bản thân mình muốn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *