Rối loạn suy nghĩ: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Rối loạn suy nghĩ mô tả tình trạng một người có những suy nghĩ lộn xộn, hỗn loạn, hoang tưởng được biểu thị qua lời nói. Tình trạng này gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tinh thần nên cần có hướng can thiệp từ sớm.

Rối loạn suy nghĩ là gì?

Bất cứ ai ngay từ khi sinh ra đã bắt đầu có những suy nghĩ, đây chính là biểu hiện rõ rệt nhất của việc não bộ hoạt động ổn định bình thường. Các suy nghĩ này có thể được biểu hiện qua lời nói hoặc hành vi dựa trên nền tảng là suy nghĩ ban đầu. Khi các suy nghĩ này trở nên lộn xộn, thiếu logic, lệch lạc thường sẽ kéo theo các hành vi, cảm xúc, lời nói cũng trở nên bất thường, kỳ quặc theo.

Rối loạn suy nghĩ
Rối loạn suy nghĩ được đặc trưng bởi những suy nghĩ rối loạn biểu hiện qua những lời nói lộn xộn, thiếu logic

Rối loạn suy nghĩ (Thought Disorder) mô tả những suy nghĩ lộn xộn, thiếu tổ chức, mất trật tự và thường được biểu hiện thông qua lời nói nghèo nàn, tối nghĩa khiến những người xung quanh không hiểu gì. Vấn đề này bắt đầu được đề cập trong các tài liệu nghiên cứu tâm thần đầu tiên vào những năm 1980 và được coi như một dạng rối loạn tâm thần.

Mặc dù hầu hết  tất cả chúng ta đều từng cảm thấy bản thân đang có những suy nghĩ bị rối loạn, không biết bản thân nghĩ gì, làm gì trong một số tình huống tuy nhiên nếu nó không ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp, không tác động đến hành vi thì thường không quá nguy hiểm. Tuy nhiên Thought Disorder không chỉ đơn thuần là những rối rắm trong chuỗi suy nghĩ mà là bệnh một bệnh lý rất khó chẩn đoán.

Rối loạn suy nghĩ được cho là có liên quan đến nhiều bệnh lý tâm lý, tâm thần khác chẳng hạn như tâm thần phân liệt hay một phần của hưng cảm. Tuy nhiên cũng có những người rơi vào trạng thái này khi họ mệt mỏi, căng thẳng, stress kéo dài. Nhưng dù là liên quan đến bất cứ nguyên nhân nào, sự gián đoạn trong suy nghĩ cũng tác động lớn đến cảm xúc, nhận thức, hành vi, lời nói, các mối quan hệ hay các hoạt động thường ngày nên cần sớm được điều trị.

Mặt khác các nhà tâm thần học cũng xem xét các đặc trưng giữa rối loạn suy nghĩ và rối loạn hoang tưởng để phân biệt chính xác 2 dạng rối loạn suy nghĩ hơn. Theo đó, các khía cạnh được đánh giá sẽ bao gồm “nội dung” và “hình thức”, tức là thể hiện cái bên trong và bên ngoài. Các đánh giá này cũng cho “rối loạn suy nghĩ” đề cập chủ yếu đến mặt “hình thức” ( có nghĩa là được thể hiện và nhìn thấy bên ngoài). Các chuyên gia cũng gọi dạng này là rối loạn suy nghĩ chính thức.

Các dạng của rối loạn suy nghĩ

Theo nhà thần kinh học Nancy C. Andreasen, rối loạn suy nghĩ thường được đánh giá là thể đơn nhất, tuy nhiên, thực tế nó có đến hơn 20 dạng khác nhau được biểu hiện qua lời nói, hành vi ngôn ngữ khác nhau. Việc xác định từng dạng của Thought Disorder cũng không hề dễ dàng và đôi lúc cũng có thể gây nhầm lẫn giữa từng dạng

Rối loạn suy nghĩ
Nói kém, dùng ngôn ngữ không phù hợp, diễn đạt lung tung đều là đặc điểm của các dạng rối loạn suy nghĩ

Cụ thể, một số dạng rối loạn suy nghĩ phổ biến nhất bao gồm

  • Alogia: hay chứng mất khả năng nói, nói kém, lời nói nghèo nàn, không rõ nội dung, thường không đưa ra được câu hỏi hoặc câu nói cũng cực kỳ ngắn gọn.
  • Blocking: có xu hướng ngừng lời nói một cách đột ngột trong vài giây hoặc vài phút, sau đó họ có xu hướng thay đổi chủ đề của cuộc trò chuyện.
  • Circumstantiality: Trong một cuộc trò chuyện, ban đầu những người này có thể nói chuyện mạch lạc. Tuy nhiên do rối loạn suy nghĩ khiến họ liên tục cung cấp thêm các thông tin, tình tiết không cần thiết hay không phù hợp với tình huống, nội dung sau đó lại quay trở lại chủ đề chính.
  • Clanging or clang association: “Clanging” có nghĩa là tiếng vang và những người thuộc nhóm rối loạn suy nghĩ này thường có xu hướng lựa chọn, sử dụng âm thanh, hiệu ứng từ ngữ hơn là nghĩa của từ đó. Có nghĩa là trong cuộc trò chuyện hay để diễn đạt suy nghĩ của mình, thay vì sử dụng các từ có nghĩa phù hợp thì họ lại có xu hướng dùng từ có vần điệu hoặc chơi chữ khiến cho câu nói đó trở nên vô nghĩa, khó hiểu.
  • Derailment: có nghĩa là “trật đường ray” bởi nội dung diễn đạt của họ sẽ ngày càng lệch quỹ đạo nội dung ban đầu, xa rời với đích đến. Chẳng hạn đang nói về chiếc áo bỗng nhiên họ lại nói về mái tóc của bạn.
  • Distractible speech: những người mắc dạng rối loạn suy nghĩ này hầu như cũng rất khó tập trung vào 1 nội dung trò chuyện duy nhất mà liên tục đổi chủ đề dựa trên các vấn đề, chủ thể kích thích, tác động đến họ bên ngoài môi trường.
  • Echolalia: hay chứng nhại lời được biểu hiện bằng việc họ thường có xu hướng lặp lại những âm thanh, lời nói mà họ nghe thấy thay vì nói ra suy nghĩ của mình. Chẳng hạn khi được ai đó đặt ra câu hỏi họ sẽ lặp lại câu hỏi đó nhiều lần một cách không có chủ đích.
  • Paraphasic error: luôn phát âm sai từ hoặc một số lỗi khác trong diễn đạt
  • Stilted speech: lời nói có xu hướng quá cứng nhắc, quá trang trọng so với ngữ cảnh, tình huống
  • Perseveration: thường lặp lại từ và nội dung, ý tưởng cho dù không phù hợp
  • Loss of goal: gặp khó khăn trong việc duy trì chủ đề trong cuộc trò chuyện, hầu như không đạt được đến mục tiêu trò chuyện như mong muốn
  • Neologism: ở dạng rối loạn suy nghĩ này người bệnh có xu hướng tạo ra các từ mới nhưng thường vô nghĩa
  • Incoherence: còn được gọi là “từ salad” bởi họ thường  xuyên nói ra các từ ngẫu nhiên, lẫn lộn, nhiều loại giống như một tô salad

Biểu hiện của rối loạn suy nghĩ

Thực tế thì rối loạn suy nghĩ hiện tại chưa được coi là một dạng rối loạn độc lập và cũng chưa được liệt kê trong các phiên bản chính thức của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần DSM-V  hoặc ICD-10. Mặt khác các biểu hiện của nó dễ gây nhầm lẫn với các triệu chứng của tâm thần phân liệt, giai đoạn hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực và được cho là ít xuất hiện hơn ở trầm cảm.

biểu hiện của rối loạn suy nghĩ
Những suy nghĩ trở nên lộn xộn khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp

Một số biểu hiện đặc trưng cụ thể của rối loạn suy nghĩ như

  • Có xu hướng nói nhanh và to quá mức so với bình thường hoặc nói ít, mơ hồ khiến người khác không thể hiểu hết nội dung
  • Lời nói lộn xộn, rối nghĩa, thường không tập trung hay xa rời với chủ đề câu chuyện
  • Khó khăn trong việc tìm kiếm các từ ngữ phù hợp với nội dung, hoàn cảnh
  • Cảm thấy mệt mỏi, đau đầu mỗi khi cần phải suy nghĩ hay diễn đạt một điều gì đó
  • Những suy nghĩ rối loạn được biểu hiện rõ rệt qua cả lời nói, hành vi hay cả cách viết
  • Suy nghĩ thường bị xáo trộn và lệch lạc, họ đột nhiên quên mất những gì muốn diễn đạt. Điều này cũng khiến cho một số người có hoang tưởng rằng bản thân đang bị một thế lực nào đó “đánh cắp” suy nghĩ
  • Rối loạn suy nghĩ cũng khiến người bệnh thường không hiểu hết những người xung quanh muốn nói gì vì không bắt kịp tốc độ những câu chuyện
  • Lo âu, căng thẳng vì không thể diễn đạt được hết suy nghĩ đang diễn ra đồng thời có những ảo giác, hoang tưởng phi lý bất thường
  • Có thể sử dụng các từ ngữ không hợp với hoàn cảnh, tình huống, chẳng hạn như quá lỗi thời hay quá trang trọng
  • Có xu hướng bị ám ảnh quá mức về âm thanh, vần điệu thay vì ý nghĩa thực sự mà từ ngữ đó truyền tải
  • Dòng suy nghĩ luôn không thể dừng lại khiến bản thân họ cũng cảm thấy cực kỳ bức bối, khó chịu
  • Có thể gặp thêm các vấn đề khác như mất ngủ, khó ngủ, ăn uống không ngon, suy giảm sức khỏe, mệt mỏi, chán nản, tính tình dễ cáu gắt nếu tình trạng này kéo dài
  • Thiếu cảm xúc với các vấn đề trong cuộc sống, thiếu các biểu cảm, có những hành vi bất thường
  • Gặp khó khăn trong giao tiếp hay quá trình tương tác, trao đổi hằng ngày

Nguyên nhân rối loạn suy nghĩ

Thực tế rối loạn suy nghĩ vẫn còn đang là một trong những vấn đề đang được nghiên cứu và chưa thể đưa ra những dữ liệu, những đáp án chính xác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân gây ra Thought Disorder là gì. Tuy nhiên các chuyên gia cũng đã chỉ ra vài yếu tố được cho là có liên quan trực tiếp đến tác nhân gây bệnh.

nguyên nhân gây rối loạn suy nghĩ
Rối loạn suy nghĩ có thể liên quan đến một số tổn thương ở não bộ

Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn suy nghĩ bao gồm

  • Yếu tố thể chất: người lớn tuổi, người từng bị chấn thương tại não bộ, người bị suy nhược cơ thể kéo dài, người gặp các vấn đề thể chất khác như thiếu oxy lên não, nhiễm trùng, ung thư hay các bệnh cần phải điều trị kéo khiến cơ thể, tinh thần mệt mỏi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Môi trường sống: người có tuổi thơ bị lạm dụng về tinh thần hay thể chất; người bị cô lập hay bắt nạt; môi trường sống tiêu cực sẽ dễ bị ảnh hưởng những điều này đến tâm lý, tinh thần hơn những người bình thường.
  • Các vấn đề về hóa chất: rối loạn suy nghĩ cũng có nguy cơ cao gặp ở các bệnh nhân nghiện rượu, bia, ma túy, thuốc lá hay các chất kích thích khác trong thời gian dài.
  • Tiền sử bệnh lý ở não: chấn thương não do va đập hay các bệnh lý như Parkinson, u não cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ, hành vi, lời nói của mỗi người.
  • Các vấn đề tâm lý – tâm thần: như đã nói, sự rối loạn bất thường trong suy nghĩ và lối diễn đạt, hành vi, ngôn ngữ của một người chính là các biểu hiện đặc trưng với một số vấn đề tâm lý, tâm thần như hoang tưởng, hưng cảm, tâm thần phân liệt…

Xác định chính xác nguyên nhân gây rối loạn suy nghĩ cũng là tiền đề quan trọng để xác định dạng và hướng điều trị cho từng bệnh nhân.

Hệ lụy rối loạn suy nghĩ gây ra

Rối loạn suy nghĩ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp, diễn đạt của mỗi người. Những lời nói lộn xộn, vô nghĩa, không tập trung được vào một chủ đề nhất định khiến những người xung quanh không thể hiểu họ muốn gì. Giao tiếp là một khía cạnh không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, đây là một nhu cầu cá nhân tất yếu cực kỳ quan trọng.

hệ lụy của rối loạn suy nghĩ
Khó khăn trong diễn đạt suy nghĩ khiến người bệnh có xu hướng bị tách biệt với xung quanh

Chẳng hạn, bạn cần phải giao tiếp, diễn đạt để trao đổi công việc hay học tập, hay các nhu cầu mua – bán cần thiết để phục vụ cho đời sống. Cho dù bạn là người thích hay không thích trò chuyện, hướng nội hay hướng ngoại thì vẫn cần phải giao tiếp, bằng lời hoặc bằng hành vi. Rối loạn suy nghĩ làm cản trở nghiêm trọng đến vấn đề này khiến người bệnh có xu hướng bị tách biệt hoàn toàn mới môi trường sống bình thường.

Rối loạn suy nghĩ khiến người bệnh khó tham gia vào các hoạt động bình thường, kể cả đi học hay đi làm, có cảm giác bị lạc lõng, cô lập, không có sự kết nối về cảm xúc. Bản thân người bệnh cũng cảm thấy bức bối, khó chịu bởi những suy nghĩ kỳ lạ của mình. Một số có xu hướng tìm đến bia rượu hay các chất kích thích khác để giải tỏa cảm xúc nhưng thường càng làm tình trạng trầm trọng hơn.

Nói chung, rối loạn suy nghĩ có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực trong giao tiếp, các mối quan hệ, công việc, các hoạt động giải trí là chất lượng đời sống người bệnh giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên hầu như vấn đề này cũng ít được phát hiện sớm dẫn đến những diễn biến trong cảm xúc của người bệnh càng thêm tồi tệ.

Chẩn đoán rối loạn suy nghĩ

Nếu một người có xuất hiện những suy nghĩ rối loạn không định hình được, không kiểm soát được kèm những hoang tưởng, ảo giác, suy nghĩ lệch lạc, lời nói ngôn ngữ bất thường, mất cảm xúc và có xu hướng xa cách xã hội sẽ thường được khuyến khích đi khám bác sĩ. Dù có liên quan đến rối loạn suy nghĩ hay không thì đây cũng đều là các đặc điểm bất thường về khía cạnh tâm lý, tinh thần nên cần có hướng thăm khám và phát hiện sớm.

chẩn đoán rối loạn suy nghĩ
Bài kiểm tra Rorschach inkblot cho bệnh nhân rối loạn suy nghĩ

Việc chẩn đoán rối loạn suy nghĩ phân biệt với các vấn đề tâm lý, tâm thần khác hiện cũng khá khó khăn và phức tạp, đôi lúc vẫn có thể gây ra nhầm lẫn do các triệu chứng khá tương đồng. Hiện tại một số phương pháp chẩn đoán đang được áp dụng bao gồm

  • Rorschach inkblot test: hay bài kiểm tra tâm lý xạ ảnh dựa trên hình ảnh các ô mực được cung cấp do nhà khoa học  Hermann Rorschach phát minh. Theo đó bệnh nhân sẽ được cung cấp 10 hình ảnh về các ô mực với màu sắc, hình dáng, kiểu loang khác nhau và yêu cầu họ giải thích về từng hình ảnh theo suy nghĩ của mình. Thông qua các lý giải này, nhà trị liệu sẽ xem xét và chỉ ra các vấn đề rối loạn trong suy nghĩ của bệnh nhân.
  • Thought Disorder Index: hay còn gọi là  Chỉ số Delta dùng để đo lường chỉ số suy nghĩ của một người thông qua 23 lĩnh vực, từ đó xác định chính xác tình trạng, vấn đề của bệnh nhân.

Bác sĩ hay chuyên gia sẽ trò chuyện trực tiếp với người bệnh về thời điểm xuất hiện các dấu hiệu, tần suất, tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình hay mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống. Các bài test chẩn đoán hay các biện pháp xét nghiệm chuyên môn cũng được chỉ định để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Hướng điều trị rối loạn suy nghĩ

Thuốc, trị liệu tâm lý kết hợp với điều chỉnh lối sống khoa học là các biện pháp thường được đề cập để giảm thiểu tối đa các triệu chứng của rối loạn suy nghĩ. Người bệnh cần phải trao đổi trực tiếp với bác sĩ, các chuyên gia để có hướng can thiệp điều trị thích hợp, dựa trên nguyên tắc khoa học để cải thiện tình trạng này hiệu quả nhất.

Trị liệu tâm lý

Thông qua việc trò chuyện, nhà trị liệu có thể tìm hướng điều chỉnh suy nghĩ, giúp người bệnh diễn đạt thành công những ý nghĩ, cảm xúc trong đầu một cách trật tự, có logic. Đây cũng là biện pháp được hướng tới chính hiện nay cho các bệnh nhân rối loạn suy nghĩ để loại bỏ các ảo giác, hoang tưởng, loại bỏ các suy nghĩ lệch lạc tiêu cực để thay thế bằng những nhận thức đúng đắn, tích cực hơn.

Rối loạn suy nghĩ
Trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân học được cách diễn đạt và điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức có logic, trật tự hơn

Một số biện pháp trị liệu tâm lý đang được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn suy nghĩ hiện nay như

  • Liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT)
  • Liệu pháp gia đình
  • Liệu pháp nhóm
  • Các liệu pháp thư giãn

Bản thân người bệnh khi đã học được cách kiểm soát dòng suy nghĩ của bản thân sẽ dần dần diễn đạt, biểu hiện nó một cách hợp lý. Rối loạn suy nghĩ không khiến người bệnh mất nhận thức nên khi đã định hình được suy nghĩ thì quá trình giao tiếp, hành vi, ngôn ngữ của họ cũng dần trở về bình thường.

Ngoài ra tùy các vấn đề tâm lý, tâm thần khác có liên quan, chẳng hạn như trầm cảm, hưng cảm hay tâm thần phân liệt, nhà trị liệu cũng đưa ra các liệu pháp phù hợp để điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ của người bệnh tích cực, đúng đắn hơn. Các biện pháp hòa nhập cũng được chỉ định để tăng kỹ năng giao tiếp, giúp người bệnh mau chóng trở về với trạng thái cuộc sống bình thường.

Điều trị y tế

Thực tế các biện pháp điều trị y tế như là thuốc chỉ là biện pháp hỗ trợ tạm thời, không phải biện pháp chính. Bởi rõ ràng không có bất cứ loại thuốc nào có thể điều chỉnh, làm thay đổi suy nghĩ của một người. Các biện pháp phẫu thuật hay kích thích não bộ khác cũng không thể làm thay đổi dòng suy nghĩ và càng không thể thực hiện một cách tùy tiện.

Dù vậy hầu như bác sĩ vẫn sẽ kê đơn một số loại thuốc cho các bệnh nhân rối loạn suy nghĩ nhằm xoa dịu cảm xúc, hạn chế các hành vi bốc đồng do các cảm xúc không định hình được gây ra. Chủ yếu là thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều chỉnh cảm xúc hay các loại thuốc an thần khác.

Dù vậy hầu như các nhóm thuốc này đều kèm theo rất nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi hơn, buồn ngủ hơn, ăn uống không ngon hay các vấn đề tiêu hóa. Do đó người bệnh nên đảm bảo tuân thủ theo liều lượng thuốc được chỉ định. Không được tự ý thay đổi đơn thuốc, tăng/ giảm liều hay ngưng uống thuốc nếu chưa trao đổi với bác sĩ chủ trị.

Chăm sóc tâm lý tại nhà

Rối loạn suy nghĩ không nguy hiểm đến mức cần phải điều trị nội trú nên hầu hết người bệnh có thể theo dõi tại nhà, trừ các trường hợp tâm lý và hành vi quá bất ổn. Lối sống cũng có liên quan mật thiết đến quá trình điều hướng suy nghĩ, cảm xúc hay hành vi nên người bệnh cũng cần điều chỉnh lại hoàn toàn để sớm vượt qua trạng thái này.

điều trị rối loạn suy nghĩ
Thiền nguyện giúp tinh thần nhẹ nhàng, bình tĩnh và có những nhìn nhận tích cực hơn

Bên cạnh hợp tác, tuân thủ với hướng điều trị của bác sĩ, nhà trị liệu, người bệnh cũng cần chú ý các vấn đề sau

  • Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, ăn ngủ đúng giấc, tránh xa căng thẳng hay các cảm xúc tiêu cực
  • Thực hành các biện pháp xoa dịu và chăm sóc cảm xúc thông qua thiền nguyện, yoga..
  • Học cách hít thở sâu để giữ bình tĩnh trong trạng thái suy nghĩ đang rối loạn, kích động, nói nhanh không kiểm soát được
  • Tránh xa bia rượu, thuốc lá, chất kích thích hay bất cứ những thứ có thể gây kích thích cho hệ thần kinh
  • Để cơ thể và tâm trí thư giãn thông qua các hoạt động nhẹ nhàng như bơi lội, đọc sách, xông tinh dầu hoặc làm bất cứ điều gì khác mà bạn yêu thích
  •  Chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ với những người xung quanh ngay khi cần thiết

Rối loạn suy nghĩ gây ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp hay các khía cạnh sinh hoạt hằng ngày của mỗi người nên cần phải tìm hướng điều trị càng sớm. Ngay khi thấy những người xung quanh có những bất thường nghiêm trọng trong quá trình thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của bản thân qua lời nói, ngôn ngữ hãy hành vi hay khuyến khích họ đi thăm khám bác sĩ, chuyên gia để phát hiện và can thiệp đúng cách từ giai đoạn sớm.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *