Rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ và những điều cần biết

Rối loạn ngôn ngữ sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng giao tiếp ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó nó còn cản trở quá trình học tập, ảnh hưởng đến việc đọc viết, tiếp thu kiến thức từ trường học và đời sống bình thường. Các rối loạn có thể hiện phát hiện khi so sánh sự phát triển ngôn ngữ đối với những trẻ cùng lứa tuổi. 

rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ
Rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ và những điều cần biết

Tình trạng rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ

Các chuyên gia cho biết, để trẻ có thể sử dụng lời nói một cách hiệu quả và tốt nhất, trước hết trẻ cần phải hiểu được tiếng nói. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 3 đến 5% các trẻ em gặp phải tình trạng rối loạn về tiếp thu ngôn ngữ hoặc bày tỏ ngôn ngữ, một số trường hợp mắc phải cả hai.

Thông thường trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn để hiểu được ngôn ngữ khi bước vào tuổi thứ 4. Rối loạn ngôn ngữ mang tính chất kéo dài và dai dẳng, chủ yếu đó chính là rối loạn cấu trúc ngôn ngữ, rối loạn về khả năng giao tiếp, lắng nghe nhưng sẽ không bị tổn thương về thần kinh chi phối các lời nói.

Theo sự phát triển bình thường ở trẻ nhỏ thì khoảng từ 2 đến 3 tháng trẻ sẽ bắt đầu phát âm họng, biết nói bập bẹ các từ như “ma ma”, “ba ba”,…vào khoảng tháng thứ 7 đến thứ 9. Khi trẻ được hơn 1 tuổi sẽ nói được vài từ đơn đơn giản và bắt đầu nói được những câu ngắn khi khoảng 2 tuổi. Bước sang tuổi thứ 3 trẻ sẽ nói được câu dài. Tuy nhiên, những trẻ bị rối loạn ngôn ngữ giao tiếp sẽ không phát triển tự nhiên được như những trẻ bình thường.

Có 2 loại rối loạn ngôn ngữ ở trẻ như:

  • Rối loạn về phát âm: Đây là tình trạng khiến trẻ khó nói những từ hoặc những câu thông thường. Trẻ chậm nói, nói lắp, nói ngọng, sử dụng sai ngữ pháp hoặc có cách nói bất thường,…Nếu hiện tượng này kéo dài và không được khắc phục kịp thời sẽ làm trẻ dễ rơi vào trạng thái thụ động, khép mình, kém tự tin và mất dần khả năng hòa nhập xã hội. Vì thế, các bậc phụ huynh ngoài việc chỉnh sửa cách nói, phát âm cho trẻ cũng cần động viên và khuyến khích trẻ giao tiếp, tiếp xúc với mọi người.
  • Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ: Những trẻ mắc phải loại rối loạn này thường sẽ chậm hiểu những lời người khác nói. Trẻ sẽ thường nói chuyện một mình, nhại lại lời nói của người khác, nói năng một cách lộn xộn hoặc phát âm những từ vô nghĩa. Vấn đề này thường do rối loạn tâm lý hoặc khuyết tật về phát triển gây ra. Cha mẹ cần chú ý để phát hiện sớm và đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên môn kịp thời.

Nhìn chung, các biểu hiện của trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường không rõ ràng. Để sớm phát hiện, các bậc phụ huynh nên chú ý đến những biểu hiện như: trẻ không lắng nghe người khác nói chuyện, kể cả khi người đó nói chuyện trực tiếp với trẻ, trẻ cũng không quan tâm khi nghe người khác đọc sách và không thể hiểu được những câu nói phức tạp.

Ngoài ra, trẻ cũng sẽ không làm theo hướng dẫn hay lời dạy của cha mẹ. Hầu hết những khả năng nghe và nói của trẻ đều bị hạn chế hơn so với các bạn cùng trang lứa. Hiện nay, các chuyên gia cũng chưa thể tìm ra được nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng rối loạn này.

Thế nhưng một số yếu tố đã được giả định như di truyền, mức độ phát triển chung của nhóm trẻ trong cộng đồng dân cư, mức độ khi trẻ được làm quen với ngôn ngữ,….Thông thường, rối loạn tiếp thu ngôn ngữ sẽ đi kèm cùng các khuyết tật phát triển, điển hình như bệnh tự kỷ. Chủ yếu là do tổn thương ở bộ não như khối u, chấn thương, gặp một số bệnh lý có liên quan.

Cách khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ

Chứng rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ nếu không được phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả sẽ dần khiến trẻ thu mình lại, tự ti hơn và dần xa cách với xã hội. Vì thế, ngay khi nhận thấy những bất thường trong lời nói hoặc khả năng ngôn ngữ bị hạn chế ở trẻ, các bậc phụ huynh nên áp dụng ngay các cách khắc phục sau:

rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ
Thường xuyên cùng trẻ đọc sách cũng là một cách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ giao tiếp tốt hơn

1. Khắc phục chứng chậm nói ở trẻ

1.1 Thường xuyên diễn tả bằng lời nói

Cách này đòi hỏi cha mẹ cần có sự kiên nhẫn và duy trì trong khoảng thời gian dài. Mỗi việc mà bạn đang làm, bạn cần diễn tả và giải thích với con bằng lời nói cụ thể. Điều này sẽ giúp con dần mở rộng được vốn từ, đồng thời gắn kết hơn với những sự vật, đồ vật xung quanh.

1.2 Cùng con đọc sách

Phương pháp này được rất nhiều chuyên gia khuyến khích cha mẹ áp dụng cho con chậm nói. Việc đọc sách cho con nghe, nói cho con những vần thơ, câu từ ngộ nghĩnh sẽ giúp cho trẻ dần tiếp thu và học hỏi được thêm các từ ngữ mới, biết được những vần điệu thú vị. Từ đó trẻ cũng sẽ hiểu hơn về những lời nói và cách diễn tả của mọi người xung quanh. Các bậc phụ huynh nên duy trì thói quen đọc sách cho con nghe hàng ngày, những thời gian rảnh rỗi nên cùng con khám phá những mẫu truyện vui nhộn và hấp dẫn.

1.3 Cùng trẻ dạo chơi để học hỏi từ mới

Những buổi dạo chơi, thám hiểm quanh khu nhà hoặc những địa điểm mới lạ chính là phương tiện tốt nhất để trẻ học thêm các từ mới. Những cuộc thám hiểm này sẽ tạo cho trẻ cảm giác vừa quen vừa lạ, trẻ cũng không bị hoảng sợ quá mức nhưng lại có thể học được nhiều từ mới, biết được cách gọi tên các sự vật, hiện tượng xung quanh. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ quan sát cách các đứa trẻ khác chơi đùa hoặc ngắm nhìn những chú chim bay lượn và diễn tả cho trẻ biết được tất cả các sự việc đang xảy ra.

1.4 Hát cho trẻ nghe

Hát cho trẻ nghe hoặc cho trẻ nghe những bài nhạc thiếu nhi cũng là cách giúp trẻ dần tiếp thu được nhiều từ mới hơn. Cha mẹ cũng có thể tập cho trẻ hát theo hoặc phát âm những từ đơn giản có trong lời bài hát. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên thường xuyên dạy cho trẻ cách phát âm đúng, hướng dẫn trẻ phân biệt và gọi tên màu sắc, con vật, các khái niệm đơn giản. Mỗi ngày chỉ cần cho trẻ học thêm vài từ mới, đừng cố nhồi nhét quá nhiều khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt.

1.5 Trải nghiệm với những hoạt động mới

Những trò chơi, chuyến du lịch xa, các hoạt động mới lạ đều sẽ trở thành các cơ hội trải nghiệm thú vị đối với trẻ. Khi thấy những điều mới lạ, cha mẹ cần giải thích và diễn tả cụ thể cho trẻ nghe, đây cũng là cách nhanh nhất giúp trẻ dần tiếp thu tốt hơn với từ ngữ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tạo điều kiện cho con nói ra những cảm nhận hay các sự việc mà trẻ nhìn thấy, tập cho trẻ cách giao tiếp qua lại mỗi ngày.

2. Khắc phục chứng nói lắp ở trẻ

Nói lắp là một trong các rối loạn lời nói, trong đó dòng chảy bình thường của ngôn ngữ sẽ bị tác động và phá hủy do các âm thanh hoặc từ ngữ kéo dài hoặc bị lắp lại. Thông thường sẽ sẽ gặp khó khăn trong việc bắt đầu nói một câu gì đó. Tuy nhiên, hầu hết các trẻ sẽ dần thoát khỏi tình trạng này khi lớn dần lên.

Để cải thiện tình trạng này, cha mẹ có thể áp dụng một số cách sau đây:

  • Nói với con một cách nhẹ nhàng, chậm chạp, từ tốn và rõ ràng.
  • Các thành viên trong gia đình không nên tranh nhau nói, không cắt ngang lời nói của người khác, đặc biệt là trẻ.
  • Giảm bớt tốc độ trò chuyện trong gia đình.
  • Khi nói chuyện với trẻ, nên tiếp xúc trực tiếp mắt với trẻ, điều này sẽ giúp trẻ có thể dễ dàng hành động và bắt chước theo những gì bạn thực hiện.
  • Nên kiên nhẫn và nở nụ cười khi giao tiếp với trẻ, điều này sẽ giúp trẻ thoải mái hơn trong quá trình trò chuyện.
  • Thỉnh thoảng nên nói cho trẻ nghe về chứng nói lắp của trẻ và cùng trẻ cố gắng để khắc phục. Tuy nhiên, cha mẹ không nên thúc giục hoặc bắt ép trẻ, tốt nhất là nên để trẻ thay đổi tự nhiên, dần dần giảm bớt các từ nói lắp hơn.

3. Hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ từ sớm

Để giúp trẻ sớm phát triển ngôn ngữ, cha mẹ nên:

  • Ngay từ khi bé vừa mới sinh ra, cha mẹ nên nói chuyện nhiều với bé. Các chuyên gia cho biết rằng, trẻ sơ sinh vẫn có thể nghe được lời nói của người lớn.
  • Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường sống. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy chú ý lựa chọn môi trường sống lành mạnh, tạo nhiều cơ hội cho trẻ giao tiếp hoặc tham gia vào các hoạt động cộng động.
  • Chơi với trẻ những trò chơi đơn giản, phù hợp với từng lứa tuổi.
  • Khi trẻ phát ra âm thanh hoặc bắt đầu tập nói bi bô thì cha mẹ nên đáp lại những lời đó.
  • Khuyến khích trẻ trò chuyện hoặc giao tiếp với những bạn bè khác, tuy nhiên không nên cố gắng ép trẻ phải nói.
  • Lắng nghe trẻ, nên chú ý khi trẻ đang nói chuyện. Đừng bắt ép trẻ phải trả lời câu hỏi của bạn ngay lập tức, hãy để cho trẻ thời gian cố định, bạn có thể đếm từ 1 đến 10 trước khi phá vỡ sự im lặng.
  • Đọc sách hoặc kể chuyện cho trẻ nghe. Cha mẹ nên lựa những mẫu truyện phù hợp với lứa tuổi của trẻ, nếu trẻ không thích nghe lời thoại thì nên giải thích chi tiết từng hình ảnh cho trẻ.
  • Mở rộng dần các câu nói của trẻ. Ví dụ như “máy bay” thì bạn có thể nói thêm “máy bay trên bầu trời”.
  • Hát cho bé nghe, cha mẹ nên hát trên nền nhạc để kích thích trẻ nhiều hơn. Các bài hát thiếu nhi với những từ ngữ đơn giản sẽ giúp trẻ học thêm được những từ vựng mới và gia tăng khả năng ghi nhớ.
  • Nói chuyện với trẻ thật nhiều, bạn có thể nói cho trẻ nghe về những công việc và hành động bạn đang thực hiện.
  • Có thể cho con xem những bức ảnh gia đình và chỉ cho bé cách gọi tên những người có trong ảnh.
  • Đặt cho con thật nhiều câu hỏi và giải đáp những thắc mắc của trẻ. Đồng thời, những người trong gia đình nên trả lời mỗi khi trẻ nói, không nên im lặng sẽ khiến trẻ dần thụ động.
  • Khi nói bạn nên kèm theo các cử chỉ, hành động tay chân.
  • Đừng chỉnh sửa những lỗi về ngữ pháp của con. Tốt nhất, cha mẹ nên sử dụng các câu với ngữ pháp đúng để con học theo.
  • Cho trẻ chơi và giao tiếp nhiều với những trẻ có khả năng ngôn ngữ tốt hơn một chút.

Phòng tránh rối loạn ngôn ngữ giao tiếp cho trẻ em

Trong rất nhiều nghiên cứu đã cho biết rằng, cách tốt nhất để phòng tránh và hạn chế chứng rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ em đó chính là cha mẹ và các thành viên trong gia đình nên tránh cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, tivi, máy chơi game,…Các chuyên gia cho biết, 3 năm đầu đời chính là giai đoạn quan trọng hàng đầu để trẻ bắt đầu xây dựng các cơ sở về khả năng ngôn ngữ, lời nói.

Ngược lại, để gia tăng khả năng giao tiếp trực tiếp của trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên cho trẻ dần làm quen với những hành động, đồ vật, cử chỉ liên quan đến ước muốn và yêu cầu của trẻ. Trong giai đoạn này, cha mẹ hoặc những người trực tiếp giáo dục trẻ nên cùng tham gia vào các trò chơi, bài học để giúp trẻ sử dụng từ ngữ đúng, phát âm và nói chuẩn lời nói. Từ đó trẻ cũng sẽ mạnh dạn hơn trong quá trình giao tiếp và biết cách sử dụng đúng từ ngữ, biểu cảm với những gì mình mong muốn.

Hơn thế, cha mẹ và những người thân trong gia đình nên khuyến khích trẻ nói, ca hát, kể chuyện nhiều hơn, cùng trẻ tham gia các hoạt động mà trẻ thích, nói chuyện nhiều hơn với trẻ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên cố gắng ép con mình phải tiến bộ thật nhanh, cần phải kiên trì vì khả năng ngôn ngữ của mỗi trẻ là khác nhau.

Bài viết trên đây đã đã giúp bạn hiểu thêm về chứng rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ em và đưa ra một số biện pháp khắc phục, phòng tránh hiệu quả. Hi vọng qua những thông tin này bạn đọc sẽ có thêm kiến thức để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ một cách tốt nhất. Nếu đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng chứng rối loạn ở trẻ không thuyên giảm, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến điều trị tại những trung tâm, cơ sở chuyên khoa.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *