Quốc tế của phái đẹp – Phụ nữ trên con đường tìm kiếm “bình đẳng giới”

Bình đẳng giới – bản thân nó vốn dĩ đã chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Vì mỗi người đều xứng đáng và có quyền được sống theo sự lựa chọn của bản thân mà không phải chịu những sự tước đoạt vô lý, đó chính là quyền con người cơ bản và giữa mọi người phải có sự bình đẳng, dù là nam hay nữ. 

Bình đẳng giới là vấn đề được quan tâm của toàn xã hội

Nói một cách đơn giản, thì bình đẳng giới vốn chỉ là “vấn đề cũ trong xã hội mới” được đem ra bàn luận nhưng dựa trên tình hình thực tại, bất bình đẳng giới vẫn sẽ tồn tại, dù ít hay nhiều. Ảnh hưởng từ vai trò và vị thế xã hội của phụ nữ trở thành chủ đề mà cộng động luôn cảm thấy khó phân định trong luận điểm bình đẳng giới. Tuy đã được tác động nhiều bởi văn hoá, luật bình đẳng giới, những nghiên cứu khoa học về định kiến giới lên tiếng, song, chuyện phụ nữ có nên là người làm chủ gia đình, tham gia vào chính trị, hoạt động kinh doanh riêng hay theo đuổi đam mê… đôi khi, vẫn chỉ là câu hỏi bỏ ngỏ chưa rõ lời đáp. 

Bình đẳng giới có nghĩa là “xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.   

Vậy trên thực tế, tình hình bình đẳng giới đã được triển khai và phát triển như thế nào? 

Luật bình đẳng giới tại Việt Nam và trên thế giới. 

Sau nhiều năm lịch sử, trải qua các thế hệ và chế độ chuyên chế, phụ hệ, phong kiến… thì “luật bình đẳng giới” được Quốc hội thứ XII thông qua năm 2006 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2007. Với chủ trương của Đảng Việt Nam có nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX rằng: “Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. 

Từ góc nhìn khách quan, phụ nữ cần tiếng nói công bằng, sự công nhận cho những nỗ lực, cống hiến, hy sinh của họ. Luật bình đẳng giới ra đời chính là “tuyên bố” giải phóng cho phụ nữ để họ tự do là chính họ, có quyền quyết định cuộc đời và lựa chọn những điều họ muốn. 

Luật bình đẳng giới tại Việt Nam được ban hành và thực thi từ năm 2007

Theo nhiều báo cáo và nghiên cứu về định kiến giới cho thấy: so với 20 năm trước, phụ nữ ngày nay đã được hưởng những lợi ích chưa từng có về quyền, học tập, sức khoẻ và công việc. Và cũng chưa khi nào như thời điểm hiện tại có nhiều quốc gia trên thế giới bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực: sở hữu tài sản, thừa kế, hôn nhân. Tính đến thời điểm này, trên thế giới có tổng 136 quốc gia đã quy định công khai bảo vệ quyền bình đẳng giữa mọi công dân và chống phân biệt đối xử trong hiến pháp. 

Dẫn chứng cho thấy sự bất bình đẳng giới ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ trong cuộc sống hằng ngày:  

  • Phụ nữ tập trung trong nhiều ngành nghề được coi là “phụ nữ” với mức lương thấp như: thợ may, lao công,… 
  • Phụ nữ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình và thường có thương tích nặng hơn so với nam giới 
  • Phụ nữ thường bị thua kiện khi phải tranh giành quyền nuôi con sau khi ly hôn 
  • Phụ nữ thường phải phụ trách công việc nhà như nội trợ, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa mà không có sự chia sẻ, hỗ trợ từ nam giới. 
  • Phụ nữ ít được tham gia vào công việc cộng đồng 
  • Tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý bộ máy kinh doanh của doanh nghiệp thấp hơn rất nhiều so với nam giới 
  • Nam giới có quyền được định đoạt những quyết định quan trọng 
  • ….

“Bình đẳng giới – bản thân nó vốn dĩ đã chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Vì mỗi người đều xứng đáng và có quyền được sống theo sự lựa chọn của bản thân mà không phải chịu những sự tước đoạt vô lý, đó chính là quyền con người cơ bản và giữa mọi người phải có sự bình đẳng, dù là nam hay nữ. Bình đẳng giới mang ý nghĩa về phương tiện, vì bình đẳng giới càng cao thì hiệu quả phát triển kinh tế càng lớn và đạt được những mục tiêu phát triển quan trọng khác”. 

Bình đẳng giới có ảnh hưởng gì đến phụ nữ không?

Có không ít nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới chỉ ra mối liên hệ tương quan giữa vấn đề bình đẳng giới với các lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là thời điểm phát triển về khoa học công nghệ, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống xã hội như hiện nay. Bình đẳng giới có tác động to lớn đến sự vận hành của các lĩnh vực trong cuộc sống.  

Theo một báo cáo về định kiến giới và bình đẳng giới cho biết cơ hội kinh tế cho nữ giới tham gia vào lực lượng lao động đã tăng nhiều lần so với 30 năm trước nhờ thu hút của thị trường. Chỉ tính đến năm 2008, phụ nữ đã chiếm hơn 40% lực lượng lao động trên toàn cầu. Đây là những minh chứng rõ nhất cho thấy sự khởi sắc của bình đẳng giới đang ngày càng được chú trọng hơn. Cụ thể, trong một báo cáo nghiên cứu về bình đẳng giới đã chỉ ra tỷ lệ này đang có triển vọng rõ rệt đối với các nước mà trước đây, phụ nữ dường như không hề được đi học hay tham gia lao động: 

  • Trung Đông và Bắc Phi là 26% 
  • Nam Phi 35%
  • Đông Á và Thái Bình Dương 64% 
  • Hạ Sahara Châu Phi 61%  
  • ….

Các nghiên cứu về mối tương quan giữa bình đẳng giới và các lĩnh vực khác cho thấy có mối liên hệ mật thiết đến sự phát triển kinh tế và xã hội khi nhận thức về bình đẳng giới tăng. Lợi ích từ sự phát triển kinh tế khi kết hợp giữa thu nhập trong gia đình tăng lên nếu phụ nữ cũng đi làm thì mức sống trung bình được nâng cấp đã thể hiện phần nào kết quả hoàn hảo của việc nhận thức bình đẳng giới được chú trọng, đề cao. 

Phụ nữ phải đi làm, chăm lo gia đình và thường không được quyết định những vấn đề lớn trong nhà

Tại một số quốc chưa phát triển, nếu có sự bất bình đẳng giới, phụ nữ hiển nhiên phải phụ trách các công việc nội chợ, vì từ bé học sinh nữ thường không được đến trường nên hầu như chẳng có kiến thức để đi làm, hạn chế về khả năng suy nghĩ, tư duy dẫn đến thu hẹp thị trường lao động, cơ hội nghề nghiệp giảm… tương đương với đó là thu nhập trong gia đình giảm. Khi nguồn thu chỉ phụ thuộc vào một mình người đàn ông trong nhà thì kinh tế sẽ khó khăn hơn, chi tiêu phải tiết kiệm, mâu thuẫn gia đình xảy ra, tỷ lệ ly hôn tăng lên… 

Khi phụ nữ có quyền lựa chọn và quyết định như một người đàn ông, sự bình đẳng diễn ra, việc cân đối thu nhập trong gia đình dễ dàng giải quyết. Cả hai cùng tạo ra kinh tế, chia sẻ công việc nhà, cho con cái đi học kể cả là những bé gái, cải thiện nhu cầu sống, mỗi người đều có thể tự do theo đuổi đam mê, sở thích riêng và tôn trọng những điều đó của đối phương. Vậy hiển nhiên là mâu thuẫn trong gia đình sẽ giảm, các cuộc tranh cãi, bạo lực vì lý do kinh tế cũng không còn, tỷ lệ ly hôn tại các nước sẽ xuống thấp, nhờ đó nâng cao chỉ số hạnh phúc quốc gia, kinh tế trung bình trên người cao hơn… Hướng đến phát triển và ổn định chung trong nhiều lĩnh vực đời sống. 

Có thể nhận thấy rằng, việc bình đẳng giới giờ đây đã không còn là vấn đề chỉ mang tính “ủng hộ phái nữ” hay thiết lập một luật lệ nhằm giảm giá trị của nam giới. Mà bình đẳng giới về bản chất, nó có ý nghĩa với cả đàn ông. Hơn thế, bình đẳng giới ảnh hưởng rất lớn đến sự vận hành của mọi lĩnh vực trong cuộc sống. 

Bình đẳng giới và mối liên hệ với bệnh trầm cảm ở phụ nữ  

Diễn giả Michael Kimmel trong một bài phát biểu đã chia sẻ rằng: “Bài nghiên cứu bởi Catalyst và những nơi khác cho thấy một cách tổng quát rằng các công ty càng có sự công bằng giới tính, thì càng tốt cho những người lao động, và người lao động càng hạnh phúc. Họ có doanh thu công việc thấp hơn. Họ có mức độ cọ sát thấp hơn. Họ có thời gian tuyển dụng dễ dàng hơn. Họ có tỷ lệ duy trì, hài lòng công việc cao hơn, mức độ sáng tạo cao hơn. Vì vậy tôi thường trả lời các doanh nghiệp khi được hỏi rằng: “Sự bình đẳng giới trong doanh nghiệp rất là đắt đỏ”.

Ông đưa ra giả thuyết rằng: “Khi đàn ông chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái, những đứa trẻ của gia đình sẽ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Ngay cả vợ của họ cũng hạnh phúc, ít bị trầm cảm, họ vui vẻ hưởng thụ cuộc sống thì tất yếu sẽ không phải đến gặp bác sĩ hay chuyên gia tâm lý”. 

Tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao hơn gấp 2 lần so với nam

Trong nhiều báo cáo và nghiên cứu về vấn đề xã hội này cho thấy tỷ lệ bất bình đẳng giới vẫn tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là y tế. Dẫn chứng cho vấn đề này chính là tỷ lệ tử vong của trẻ em gái và phụ nữ tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cao hơn so với các nước có thu nhập vượt trội. Ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia có tập tục văn hoá, thể chế, chuẩn mực xã hội lâu đời thường có mong muốn sinh con trai nhiều hơn con gái. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ nam, nữ tại quốc gia đó. Vì còn tồn tại văn hóa “trọng nam khinh nữ” nên phụ nữ là người chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của bất bình đẳng giới đến đời sống tinh thần.

Áp lực phải thành công, kiếm tiền, đời sống sinh hoạt, gia đình, văn hoá với những định kiến xã hội đều dồn phụ nữ đến một giới hạn nhất định. Đây chính là lý do vì sao phụ nữ thường mắc phải chứng trầm cảm nhiều hơn nam giới. Bởi giai đoạn phụ nữ dễ mắc trầm cảm nhất: dậy thì, mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh và mãn kinh. Các giai đoạn nhạy cảm này đều khiến phụ nữ phải hứng chịu các áp lực lớn: công việc quá tải, stress, sinh con, chăm sóc con, tương lai gia đình, tác động của xã hội, người thân khi sinh con…Tại Việt Nam nữ giới mắc bệnh trầm cảm (5,1%) cao hơn gấp 2 lần so với nam giới (3,1%). 

Điều này cho thấy, bất bình đẳng giới đã, đang và sẽ là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc, đời sống của phụ nữ. Và đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến phụ nữ mắc phải căn bệnh trầm cảm điển hình. 

Quốc tế phụ nữ 8/3 và quan điểm bình đẳng giới đối với phụ nữ 

Phụ nữ ở thời điểm nào cũng là đối tượng có nguy cơ bị quấy rối, lạm dụng, luôn phải chịu sự “ưu tiên” làm các công việc “dành cho phụ nữ”. Tuy luật bình đẳng giới đã được thực thi hơn 10 năm nhưng đến thời điểm này, nhiều quan điểm, định luật vẫn cho thấy phụ nữ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ vấn đề này. 

Phụ nữ ở thời điểm nào cũng xứng đáng được trân trọng và yêu thương

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 trong năm 2021 sắp tới, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC mong rằng, vấn đề bình đẳng giới trên thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng có thể được nhìn nhận, đánh giá và nâng cao nhận thức hơn nữa để hướng đến một quốc gia phát triển, hạnh phúc với sự bình đẳng giới được chú trọng. Mỗi phụ nữ đều không chỉ cần một ngày 8/3 để tôn vinh, ghi nhận những đóng góp, hy sinh mà cần một cuộc sống hiện tại và tương lai bình đẳng, vui vẻ, hạnh phúc, được là chính mình. 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *