Dạy con ở tuổi dậy thì cần khéo léo để tránh ảnh hưởng tâm lý

Dạy con ở tuổi dậy thì nếu không khéo léo có thể khiến con có những suy nghĩ sai lệch, những cảm xúc tiêu cực khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng thêm xa cách. Trẻ ở tuổi này đang có xu hướng muốn nổi loạn, không thích sự kìm kẹp từ cha mẹ nên cần phải học cách làm bạn với con để hiểu hơn về tâm lý, suy nghĩ, giúp con có những năm tháng trưởng thành vui vẻ và hạnh phúc nhất.

Dạy con ở tuổi dậy thì vì sao quan trọng?

Tuổi dậy thì ở bé gái là  10 – 16 tuổi, ở bé trai là 10 – 18 tuổi, đây là một trong những giai đoạn vô cùng quan trọng đánh dấu nhiều sự thay đổi cả về thể chất và tâm sinh lý của trẻ. Lúc này, các con có xu hướng chăm chút cho ngoại hình nhiều hơn, có ý thức về bản thân hơn, biết xấu hổ, dễ xúc động và có những cảm xúc bùng nổ hơn. Do đó hầu hết cha mẹ khi có con bước vào độ tuổi dậy thì thường rất đau đầu vì không biết là thế nào để dạy con.

Dạy con ở tuổi dậy thì
Hầu như phụ huynh nào cũng từng đâu đầu trong suốt hành trình dạy con ở tuổi dậy thì

Tâm lý trẻ tuổi dậy thì nửa là người lớn, nửa vẫn là trẻ con. Con bắt đầu có hứng thú khám phá những điều mà người trưởng thành hay làm, từ cách ăn mặc, cách nói chuyện, thậm chí cả việc tình cảm. Tuy nhiên do những cảm xúc còn non nớt và con cũng chưa tiếp cận với khía cạnh trực tiếp ngoài xã hội mà chỉ thông qua phim ảnh, sách truyện nên khả năng ứng biến của con còn rất kém.

Dạy con ở tuổi dậy thì luôn là một bài toán khó với cha mẹ bởi những xung đột giữa hai luồng suy nghĩ. Con thì muốn làm người lớn, luôn được tự quyết định nhưng cha mẹ lúc nào cũng coi con là trẻ con, cần được bảo vệ, không tin tưởng con. Đặc biệt tâm lý của đa phần các phụ huynh Châu Á luôn không để con tự lập, luôn coi con trẻ bé bỏng, dễ bị lừa và luôn có xu hướng kìm kẹp, kiểm soát con theo ý cha mẹ.

Như đã nói, tâm lý trẻ dậy thì nhìn chung vẫn còn vô cùng non nớt, nhạy cảm, dễ bị tác động, dễ bị tổn thương. Nhiều trẻ vì không được cha mẹ quan tâm đúng cách, lại tiếp xúc nhiều với các nội dung độc hại trên mạng dẫn đến thay đổi tính cách hoàn toàn, trở nên nổi loạn hơn, không nhận thức được các hành vi đúng đắn hay sai lệch. Phụ huynh càng la mắng, càng ngăn cản con lại càng có xu hướng chống đối hơn, muốn làm ngược lại.

Sự thay đổi tâm sinh lý khiến trẻ có thể có xu hướng “sáng nắng chiều mưa”, không thể kiểm soát cảm xúc, hành vi hay suy nghĩ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhóm trẻ này dễ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Phụ huynh nếu không phát hiện sớm trẻ có các dấu hiệu bất thường trong tâm lý có thể nhầm lẫn cho rằng con hư hỏng, kém cỏi, áp dụng cách dạy sai lầm làm tình trạng con nghiêm trọng hơn.

Một thực tế đáng buồn hiện nay chính là tỷ lệ trẻ trong độ tuổi dậy thì có xu hướng phạm tội hiện nay đang ngày càng tăng lên. Một phần nguyên nhân chính từ việc cha mẹ dạy con ở tuổi dậy thì không đúng cách, chưa đủ sự thấu hiểu, thiếu sự tôn trọng và quan tâm đến cảm xúc của con. Mặt khác việc trẻ hiện nay có xu hướng tiếp xúc quá nhiều với các nội dung trên internet mà không được kiểm soát về độ tuổi cũng ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ.

Nói chung, việc dạy con ở tuổi dậy thì đón vai trò lớn trong sự hình thành và phát triển về nhận thức, tính cách của con. Cha mẹ chính là người tác động trực tiếp vào quá trình này, bởi các yếu tố này cũng có phần liên quan đến tính chất di truyền chứ không chỉ là yếu tố môi trường. Do đó khi có con bước vào giai đoạn “ẩm ương” này chính phụ huynh cũng cần có sự chuẩn bị sẵn về kỹ năng và tinh thần tốt nhất để hỗ trợ con.

Dạy con ở tuổi dậy thì cần tránh điều gì?

Không bậc cha mẹ nào có thể chắc chắn rằng mình đang dạy con đúng cách, cam kết rằng những điều mình làm cho con là tốt nhất, chưa từng khiến con buồn. Dẫu vậy phụ huynh lại hầu như không thể nhận ra việc giáo dục hay chăm sóc con của bản thân cũng chưa thực sự phù hợp, chưa thể mang đến những điều tốt nhất cho con như mình mong đợi. Vậy đâu là những sai lầm trong dạy con ở tuổi dậy thì mà phụ huynh hay gặp phải?

Luôn áp đặt con

Trẻ con thì chưa từng làm người lớn, nhưng bất cứ người lớn nào cũng đã từng bước qua giai đoạn dậy thì. Thế nhưng cha mẹ luôn dùng những suy nghĩ, cách đánh giá của mình để áp đặt lên con. Phụ huynh biện minh rằng vì mình đã trải qua những sự kiện, những vấn đề như thế nên luôn biết cách nào là tốt nhất. Chẳng hạn phụ huynh luôn cho rằng con phải làm bác sĩ, làm công an mới là tốt, việc làm diễn viên là viển vông và không có tương lai.

Dạy con ở tuổi dậy thì
Áp đặt con phải làm theo những thứ mà cha mẹ luôn cho là đúng là cách dạy con sai lầm hầu như phụ huynh nào cũng từng gặp phải

Thậm chí có những bậc cha mẹ áp đặt suy nghĩ của mình lên con trong tất cả mọi việc, từ cách ăn mặc, ăn uống, kiểu tóc, phải học trường nào, học thêm với ai, chơi với bạn nào. Lối dạy con ở tuổi dậy thì  bằng cách áp đặt là sai lầm của rất nhiều phụ huynh hiện nay, đặc biệt trong các thời điểm trẻ luôn mong muốn chứng minh bản thân trưởng thành, có thể tự lập và làm được những điều như người lớn.

Tất nhiên ý của cha mẹ là không sai, tuy nhiên việc chối bỏ cảm xúc, suy nghĩ của trẻ và áp đặt con theo khuôn khổ do mình đề ra là lối dạy con ở tuổi dậy thì hoàn toàn sai lầm. Mỗi người có một cuộc sống, tinh thần, cảm xúc hay năng lực khác nhau và càng không thể bắt con trẻ tiếp bước cho ước mơ hay nhận thức của bản thân. Con cần phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình, bao gồm cả những sai lầm thì mới có thể rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn.

La mắng trẻ mọi lúc

Ở tuổi dậy thì, bản ngã của trẻ cũng rất lớn, con bắt đầu hình thành lòng tự trọng cá nhân và nhạy cảm quá mức với lời quát mắng. Việc cha mẹ dùng ngôn từ hay hành động để phạt bé mỗi khi mắc sai lầm khiến con cảm thấy không được tôn trọng và nảy sinh những cảm xúc xa cách với cha mẹ. Có thể thấy rõ ở giai đoạn này nếu cha mẹ hay quát mắng con sẽ có xu hướng phản ứng lại bằng cách không trả lời, phớt lờ, trốn trong phòng thậm chí là tranh cãi lại nhưng hoàn toàn không nhận ra được sai lầm.

Nhiều phụ huynh còn dạy con ở tuổi dậy thì  bằng cách thường xuyên la mắng con ở những nơi đông người, thường xuyên đi kể với mọi người về những sai phạm hay tật xấu của con. Cha mẹ thường cho rằng làm như vậy con sẽ cảm thấy xấu hổ và không dám tái phạm. Tuy nhiên cha mẹ la mắng, quát hay thậm chí là đánh trẻ nơi đông người, đặc biệt là trước mặt bạn bè con sẽ làm suy giảm lòng tự trọng, tự ti, thậm chí thu mình không dám gặp mọi người.

Nhiều trường hợp cha mẹ la mắng con quá nhiều bằng các từ ngữ không phù hợp khiến con có suy nghĩ cho rằng cha mẹ không thích mình hay ngược lại cũng có thể nảy sinh tư tưởng thù ghét cha mẹ. Khoảng cách giữa cả hai ngày càng xa, trẻ ngày càng từ chối tương tác với cha mẹ và hình thành các hành vi chống đối mạnh mẽ hơn.

Không chịu lắng nghe và luôn bác bỏ con

Rất nhiều phụ huynh khi dạy con ở tuổi dậy thì cũng có xu hướng tin tưởng người ngoài thay vì đặt niềm tin vào con mình. Ngay khi có một sự cố xảy ra, thay vì hỏi con nguyên nhân do đâu, lý do là gì cha mẹ đã vội vã trách cứ con, luôn cho rằng là con sai. Vô tình điều này khiến con tổn thương rất nhiều không chỉ bởi oan ức mà bởi cha mẹ chưa bao giờ đặt niềm tin vào mình cho dù rõ ràng con đã luôn cố gắng rất nhiều để cha mẹ tự hào.

Dạy con ở tuổi dậy thì
Nhiều phụ huynh lúc nào cũng muốn con cái nghe mình nói nhưng lại không chịu nghe con nói

Việc dạy con ở tuổi dậy thì theo cách cực đoan, luôn bác bỏ hay phủ nhận ý kiến, nhu cầu hay năng lực của con là điều không hề hiếm thấy. Chẳng hạn việc như khi trẻ được điểm kém, phụ huynh không hề hỏi vì sao con làm không tốt mà nhanh chóng chỉ trích con lười biếng, không tập trung. Hay khi con được đứng thứ 2 lớp, phụ huynh cũng không công nhận năng lực mà vẫn cho rằng con quá kém.

Một điều thú vị là cha mẹ lúc nào cũng dạy phải lắng nghe mình, phải tin tưởng tuyệt đối vào cha mẹ, cái gì cũng phải lắng nghe, phải hỏi cha mẹ nhưng đối với con, phụ huynh lại không làm như thế. Ngay trong chính những công việc hay hoạt động của con thường ngày, phụ huynh cũng không tôn trọng ý kiến của con, không cho con đưa ra ý kiến mà luôn phải làm theo yêu cầu của cha mẹ.

Cũng chính bởi vì không lắng nghe con nên có rất nhiều trường hợp trẻ bị trầm cảm đã đưa ra tín hiệu, lời cầu cứu đến cha mẹ nhưng không hề được phát hiện. Con đã nói rằng con mệt mỏi, chán nản, không tha thiết làm gì nhưng lúc nào phụ huynh vẫn cho rằng con lười biếng, con kém cỏi. Chỉ đến khi trẻ không còn chống chọi được với những nỗi đau trong về tinh thần, thể chất cũng kiệt quệ và có các hành vi tiêu cực mới phát hiện thì đã quá muộn.

Bạo lực là cách dạy con ở tuổi dậy thì sai lầm

Bạo lực luôn là cách dạy con đáng lên án, dù ở bất cứ độ tuổi nào, dù là trẻ nhỏ hay trẻ dậy thì. Trước đây nhiều người thường có tư tưởng rằng “thương cho roi cho vọt”, phải đánh đau thì con mới nhớ rõ sai lầm để không tái phạm. Tuy nhiên quan điểm này là hoàn toàn sai bởi nó có thể khiến tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần đồng thời khiến mối quan hệ của cả hai ngày càng thêm khoảng cách.

Không ít trường hợp phụ huynh đánh trẻ ngay trước mặt rất nhiều người khiến con cảm thấy xấu hổ và có các hành vi tiêu cực ngay tại chỗ. Trẻ tuổi dậy thì đã có ý thức về lòng tự trọng cá nhân rất lớn và việc bị cha mẹ thường xuyên sử dụng đòn roi để xử phạt khiến con tổn thương nặng nề. Dùng bạo lực dạy con ở tuổi dậy thì hoàn thành có thể trở thành một vết sẹo ghi dấu mãi trong tâm trí mà con không thể nào quên được.

Thực tế tâm lý của trẻ nhỏ trước đây thoải mái hơn, đôi khi việc dùng đòn roi để xử phạt thì trẻ cũng không suy nghĩ quá nhiều. Tuy nhiên ở thời điểm này, hành vi dạy con ở tuổi dậy thì bằng đòn roi hoàn toàn không phù hợp. Trẻ hiện nay có tâm lý nhạy cảm hơn, ý thức về cá nhân cao hơn, suy nghĩ nhiều hơn nên đôi khi chỉ cần cha mẹ đánh trẻ 1 lần cũng khiến con hoàn toàn thay đổi suy nghĩ, cảm xúc về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Quá cứng nhắc, khô khan, nghiêm khắc

Cha mẹ thường nghĩ rằng khi nghiêm khắc sẽ khiến con hình thành tư tưởng và các hành vi đúng theo khuôn khổ, đi đúng hướng hơn, tránh các suy nghĩ hay hành vi lệch lạc. Tuy nhiên bất cứ yếu tố nào cũng tồn tại những ưu/ nhược điểm đặc biệt khi áp dụng không đúng cách. Việc phụ huynh quá nghiêm khắc, khó tính lại trở thành một yếu tố làm kìm hãm sự phát triển của trẻ và tạo thành rào cản khiến cả hai không thể thấu hiểu nhau.

Bởi khi  cách dạy con ở tuổi dậy thì quá cứng nhắc và khắt khe sẽ khiến con lúc nào cũng có suy nghĩ rằng liệu mình làm như thế là đúng hay sai, liệu cha mẹ có la mắng hơn, liệu mình có được làm như thế hay không. Dần dần trẻ hầu như không dám kết nối hay tương tác với cha mẹ mà luôn tìm cách dấu diếm những sai lầm để không bị khiển trách.

Đặt quá nhiều kỳ vọng của bản thân lên con cái

“Cha mẹ đã làm tất cả để con có cuộc sống tốt nhất nên con phải học giỏi để làm bác sĩ, làm công an.. ” Thực tế đây là những câu mà cha mẹ thường xuyên nói với con cái để động viên con, nhưng vô tình lại gây ra rất nhiều áp lực lớn cho trẻ. Thậm chí có nhiều phụ huynh còn định hướng, bắt ép trẻ phải thực hiện, hoàn thành những ước mơ, dự định của bản thân mà trước đó chưa thể thực hiện.

Dạy con ở tuổi dậy thì
Đặt quá nhiều áp lực khiến trẻ dậy thì luôn sống trong căng thẳng và mệt mỏi

Phụ huynh hiện nay luôn có xu hướng đặt quá nhiều áp lực, trọng trách lên vai trẻ. Nhiều trẻ mới chỉ học cấp 1, cấp 2 đã không có thời gian nghỉ ngơi bởi lịch học dày đặc, thậm chí con không biết nghỉ hè, không biết chơi công viên là gì. Cha mẹ cũng không bao giờ hài lòng với kết quả học tập của con, luôn cảm thấy con kém cỏi và cần cố gắng hơn. Cách dạy con ở tuổi dậy thì này cũng hoàn toàn sai lầm và cần thay đổi nhanh chóng.

Tất nhiên việc phụ huynh đặt kỳ vọng, đặt áp lực lên con là điều bình thường bởi ai làm cha mẹ mà không muốn con mình thành công, phát triển, trở thành người được người khác tin tưởng và ngưỡng mộ. Tuy nhiên quan trọng là nên làm thế nào để động viên,  hỗ trợ con một cách khéo léo, tinh tế chứ không phải là luôn đặt lên vai con những áp lực nặng nề vô hình.

Dạy con ở tuổi dậy thì làm thế nào đúng cách?

Tất nhiên ở mỗi độ tuổi có mỗi trải nghiệm khác nhau, suy nghĩ khác nhau, cách hành xử khác nhau, đây chính là lý do giữa các thế hệ luôn có một khoảng cách khó lấp đầy. Phụ huynh thực tế dù có khó khăn, dù có hay la mắng, dù có tạo áp lực nhưng vẫn vì mục đích muốn đem lại những điều tốt nhất cho con. Đôi khi cha mẹ có hay cáu gắt, khó tính cũng chính bởi những áp lực bên ngoài trong suốt hành trình chăm sóc và nuôi dạy con.

Người lớn cũng là “lần đầu” làm cha mẹ nên cũng không thể tránh khỏi những sai lầm trong quá trình chăm sóc hay nuôi dạy con ở tuổi dậy thì. Thế nhưng khi trở thành cha mẹ, bắt buộc người lớn phải tự học cách làm “cha mẹ tốt”, đây chắc chắn là một hành trình dài, thậm chí là suốt cả đời. Sự trưởng thành, hạnh phúc của các con là phần thưởng lớn nhất cho cha mẹ mà bất cứ ai cũng mong muốn đạt được.

Dạy con ở tuổi dậy thì cần sự khéo léo và tinh tế hơn cha mẹ trong lời nói, hành động hằng ngày. Chẳng hạn

Luôn tôn trọng con

Cách một đứa trẻ ứng xử phụ sẽ phản ánh trực tiếp cách cha mẹ đối xử với chúng như thế nào. Trong quá trình dạy con ở tuổi dậy thì hay dù ở bất cứ độ tuổi nào, sự tôn trọng trẻ luôn là yếu tố cần đặt lên hàng đầu. Trong bất cứ các quyết định nào có liên quan, phụ huynh cũng nên trực tiếp trao đổi để hiểu rõ ý kiến, mong muốn của trẻ, từ đó điều chỉnh các kế hoạch một cách phù hợp.

Dạy con ở tuổi dậy thì
Tôn trọng, thẳng thắn, cho con quyền tự quyết trong các vấn đề liên quan đến mình là điều phụ huynh luôn cần làm

Sự tôn trọng con ở đây còn nằm ở cách giải quyết các vấn đề, bao gồm cả sai lầm của con. Trong mọi tình huống mà phụ huynh chưa hiểu rõ, hãy bình tĩnh hỏi trẻ để hiểu rõ nguyên nhân ngọn ngành thay vì chỉ luôn nhìn nhận vấn đề theo góc nhìn của bản thân. Chẳng hạn như trẻ bị điểm kém không phải do con lười biếng, không học bài ở nhà mà có thể do hôm đó con đột ngột đau bụng nên không thể hoàn tốt bài kiểm tra.

Khi phụ huynh tôn trọng con sẽ hình thành cho trẻ tư duy tôn trọng cha mẹ hay những người xung quanh. Phụ huynh cũng tuyệt đối không được tự tiện xâm nhập vào các đồ dùng riêng tư cá nhân, nhật ký hay tài khoản cá nhân của con trẻ. Bất cứ vấn đề nào có liên quan tới trẻ phụ huynh cũng cần hỏi ý kiến con, cho con quyền tự quyết và đây cũng chính là cách dạy con ở tuổi dậy thì rèn cho con cách để chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân.

Coi con như những người bạn

Học cách làm bạn với con cái chưa bao giờ là đơn giản và cũng không phải phụ huynh nào cũng có thể thực hiện. Tâm lý trẻ dậy thì vẫn còn rất đơn giản, ngây thơ trong khi người lớn có biết bao lo toan và gánh nặng trên vai. Tuy nhiên chỉ cần phụ huynh chú ý một chút, dừng lại lắng nghe con một chút, suy nghĩ đơn giản hơn một chút sẽ thấy vấn đề này vốn không hề khó khăn như vẫn tưởng.

Để dạy con ở tuổi dậy thì có hiệu quả thì phụ huynh cần phải hiểu con thích gì, muốn gì, có suy nghĩ như thế nào. Tâm sinh lý trẻ trong giai đoạn này thường thay đổi rất thất thường nên nếu không hiểu con nghĩ gì sẽ rất khó để giúp trẻ có định hướng đúng đắn. Mỗi phụ huynh nên tạo dựng thói quen trò chuyện với con hằng ngày, hoặc nếu quá bận rộn hoàn toàn có thể trao đổi qua tin nhắn để tạo cho con cảm giác luôn có cha mẹ đồng hành.

Như đã nói, tâm lý trẻ dậy thì rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài nên nếu không trò chuyện với với trẻ sẽ rất khó phát hiện những suy nghĩ lệch lạc của con. Chẳng hạn nhiều trẻ sau khi xem các nội dung về việc không đi học vẫn có thể thành công, vẫn làm giàu được liền coi thường và bỏ bê việc học. Phụ huynh phải nói chuyện mới có thể hiểu vì sao  con có suy nghĩ đó và kịp thời chấn chỉnh lại.

Tất nhiên không phải lúc nào trẻ cũng có thể sẵn sàng hay chủ động trò chuyện, tâm sự cùng cha mẹ bởi con luôn muốn thể hiện sự “người lớn” bằng cách giải quyết vấn đề một mình. Do đó phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động chia sẻ cho con nghe những khó khăn hay rắc rối của mình và muốn hỏi ý kiến con cách giải quyết. Trẻ sẽ rất hào hứng nếu được cha mẹ tin tưởng nên cũng sẵn sàng hơn khi chia sẻ vấn đề của mình.

Hay để dạy con ở tuổi dậy thì tốt hơn, phụ huynh cũng có thể trực tiếp “thâm nhập” vào đời sống để gần gũi hơn với con, chẳng hạn như sử dụng mạng xã hội, nghe các bản nhạc mà con yêu thích, tìm hiểu về các “thần tượng” của con.. Điều này sẽ tạo thành các nội dung, chủ đề chung khi cả hai cùng trò chuyện khiến con cảm thấy bố mẹ mình cũng rất ” xì tin”, không quá nghiêm túc hay khó tính như con vẫn tưởng nên cũng mở lòng thoải mái hơn.

Tạo động lực, đừng tạo áp lực!

Động lực và áp lực là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng hầu như ai cũng nhầm lẫn. Động lực kích thích con đi lên, cố gắng một cách tích cực trọng khi áp lực hoàn toàn có thể làm trẻ thụt lùi hoặc có tiến triển nhưng theo cách tiêu cực hơn. Phụ huynh cần luôn là một điểm tựa vững chắc cổ vũ, động viên trẻ cố gắng, tiến lên từng ngày, tạo cho con động lực để dám thực hiện những điều bản thân yêu thích.

Dạy con ở tuổi dậy thì
Luôn cổ vũ, động viên con trẻ hằng ngày, từng nên tạo ra những áp lực không mong muốn

Đừng bao giờ phủ bỏ ước mơ hay động lực của con, nói rằng nó là viển vông hay cho rằng ” con thì làm được cái gì”. Không có ước mơ hay sở thích nào là vô nghĩa hay viển vông, chỉ cần chúng ta có quyết tâm hay cố gắng. Dạy con ở tuổi dậy thì là chỉ áp đặt suy nghĩ của người lớn sẽ làm điều hoàn toàn sai lầm. Phụ huynh cũng nên tạo điều kiện để con thực hiện ước mơ của bản thân.

Những câu nói có thể tạo động lực cho con chính là “hãy cứ làm những gì mà con muốn, bố mẹ luôn ở đây và ủng hộ”; “thất bại cũng không sao, vẫn có bố mẹ luôn tin con”, “nếu con muốn khóc, hãy cứ khóc, mẹ luôn ở đây để lắng nghe con”..

Dạy con ở tuổi dậy thì cha mẹ nên hạn chế những câu nói như ” bố mẹ không có thời gian nghỉ để kiếm tiền lo cho con”; ” từ lúc có con không biết đi chơi là gì”, ” nhà mình lo cho con hết tiền nên cha mẹ không có quần áo mới”.. Dù là vô tình hay cố ý để tạo động lực cho con thì những câu nói này lại có thể khiến trẻ bị tổn thương, cảm thấy mình là gánh nặng của cha mẹ. Tất nhiên dù trẻ có cố gắng nhưng kèm theo đó vẫn là rất nhiều cảm xúc tiêu cực.

Cảm ơn và xin lỗi

Chúng ta có thể dễ dàng nói lời cảm ơn và xin lỗi với người ngoài nhưng thường rất ngại ngùng khi nói với người trong nhà. Cha mẹ cũng thường dạy con cái phải biết nói lời cảm ơn hay xin lỗi nhưng đôi lúc vẫn quên mất đi việc thực hành những điều này với con, thậm chí cho rằng đây là điều không hề cần thiết. Muốn dạy con ở tuổi dậy thì đúng chuẩn, muốn con trở thành người biết đúng sai là lại quên mất việc cảm ơn và xin lỗi sẽ không thể nào định hình những điều này cho con.

Phụ huynh không thể đảm bảo rằng mình luôn đúng, đặc biệt khi luôn áp đặt những suy nghĩ của mình lên con trẻ. Khi con sai bố mẹ thường có thói quen nhắc đi nhắc lại lỗi sai của con, nhưng khi bản thân sai lại thường phủi bỏ, không cho con nhắc lại và cũng cho rằng đó là điều hiển nhiên mà quên mất việc phải xin lỗi con, thậm chí còn cáu kỉnh hay tức giận nếu con nhắc lại.

Học cách nói lời cảm ơn và xin lỗi với con mỗi ngày cũng chính là cách tạo cho con cảm giác được tôn trọng, yêu thương. Hãy xin lỗi con ngay nếu đã hiểu lầm con và luôn cảm ơn dù là những việc nhỏ nhất. Phụ huynh chính là tấm gương để con noi theo và học hỏi nên hãy luôn ghi nhớ và thực hành những điều này mỗi ngày.

Dạy con ở tuổi dậy thì chưa bao giờ là điều đơn giản, đặc biệt trong thời đại mà trẻ ngày càng có xu hướng lớn nhanh trước tuổi và luôn khao khát sự tự do, độc lập như hiện nay. Thực tế việc dạy con, làm bạn với con, trò chuyện hay tôn trọng con luôn cần thực hiện trong mọi thời điểm chứ không đợi đến khi con ở tuổi dậy thì mới bắt đầu. Gia đình là nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách, cảm xúc, con người của mỗi đứa trẻ nên phụ huynh cần phải chú ý nhiều hơn.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *