Tổng kết trị liệu nhóm Zoom Meeting số 4: Buông bỏ sự chỉ trích bản thân

Buổi trị liệu nhóm Zoom Meeting số 4 vào ngày 11/8/2022 với chủ đề “Buông bỏ sự chỉ trích bản thân” được thực hiện bởi Chuyên gia tâm lý, Master Coach Trần Thị Kiều đã giúp khách hàng hiểu hơn tầm quan trọng của nỗi đau và cách chữa lành tổn thương.

Mở đầu buổi trị liệu nhóm Zoom Meeting, Chuyên gia tâm lý, Master Coach Trần Thị Kiều cùng các khách hàng thực hiện một bài thiền 10 phút nhằm thư giãn và giúp tâm trí thoải mái, buông bỏ những muộn phiền để nhận được nhiều giá trị hơn.

Nỗi đau khiến bản thân không thể tha thứ cho chính mình

Trong quá khứ, bạn đã từng làm điều gì với chính mình hay người khác gây ra tổn thương hữu hình hay vô hình nào đó mà đến ngày hôm nay bạn chưa thể tha thứ cho chính mình? Nỗi đau khiến con người cảm thấy khó chịu, không thể tha thứ cho bản thân và bám chặt vào tâm trí của mình.

Chuyên gia so sánh tâm trí như một viên ngọc quý luôn luôn lấp lánh, rực rỡ, nhưng đối diện giông bão lớn, nó không thể phát sáng và xuất hiện nhiều bụi bẩn bám chặt vào. Tương tự như con người, khi đối diện điều không như ý trong quá khứ thì con người thường cảm thấy bất an, lo lắng, tội lỗi, mặc cảm. Nó trở thành điều kìm hãm bản thân, giới hạn trải nghiệm. Những sai lầm trong quá khứ đôi khi có thể khiến con người luôn dằn vặt chính mình và không tha thứ cho bản thân. Từ đó, họ rơi vào tuyệt vọng và trượt dài với những lỗi lầm trong quá khứ.

Học cách chữa lành nỗi đau, buông bỏ sự chỉ trích bản thân

Những tổn thương trong quá khứ có thể xuất phát từ những hành động vô ý hay hữu ý mà họ nghĩ rằng (hoặc thực tế) đã làm sai hoặc làm tổn thương một ai đó. Họ cần học cách chữa lành và vượt qua vết thương đã khắc sâu vào tâm trí. Chuyên gia đã chỉ ra bốn cách đối mặt và vượt qua tổn thương.

Chịu trách nhiệm

Bước đầu tiên vượt qua nỗi đau chính là chịu trách nhiệm với bản thân và sau đó là chịu trách nhiệm người thân, người xung quanh. Chịu trách nhiệm nghĩa là bạn phải tập trung làm những công việc tốt, suy nghĩ phước lành đến với người mà mình đã gây tổn thương hay người làm tổn thương bạn. Hãy gửi đến họ những suy nghĩ, hành động, lời nói tốt đẹp, bởi vì khi bạn làm được những việc đó, tâm trí cảm thấy nhẹ nhàng và bình thản.

Thần chú chữa lành Hoʻoponopono

Bốn câu Thần chú chữa lành Hoʻoponopono – “Tôi xin lỗi, Xin hãy tha thứ cho tôi, Tôi yêu bạn, Tôi cảm ơn bạn” – là một giải pháp đơn giản và cực kỳ hữu hiệu, có thể áp dụng trong mọi trường hợp để chữa lành nỗi đau, buông bỏ những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực để trở về trạng thái bình an hơn.

Nếu bạn cần chữa lành tổn thương với một ai đó, hãy nghĩ đến họ khi bạn đọc 4 câu thần chú này. Nó sẽ truyền đi tần sóng năng lượng chữa lành tác động trực tiếp người bạn muốn nghĩ đến. Chuyên gia nhấn mạnh hãy thực hành thần chú chữa lành thường xuyên để tâm được an nhiên.

Tìm một ai đó để giúp đỡ

Chuyên gia đã đặt câu hỏi đến khách hàng “Mình đã từng giúp đỡ ai không vì điều gì chưa?”. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta giúp đỡ người khác vì một lợi ích nào đó cho chính mình chứ không phải giúp đỡ vì mình thực sự mong muốn họ giải quyết được vấn đề và có cuộc sống tốt hơn.

Nếu chúng ta giúp đỡ người khác xuất phát từ sự chân thành mà không mong cầu mình nhận lại được lợi ích gì đó thì chúng ta sẽ không bị vướng vào đau khổ và cảm thấy bình an, hạnh phúc, thấy cuộc sống này đáng trân trọng nhường nào. Đó là cách đúng đắn để bạn cho đi, gieo những hạt hạnh phúc để nó nảy mầm trong tương lai. Trong khoa học, giúp đỡ người khác cũng giúp cơ thể sản sinh ra hormone hạnh phúc.

Bằng giao tiếp, hãy nói với chính mình bằng những câu khẳng định, tích cực như: “Tôi sẵn sàng buông bỏ những khó chịu của cuộc sống, tôi sẵn sàng buông bỏ những nỗi đau trong quá khứ. Tôi sẵn sàng sống một cuộc sống yêu thương giúp đỡ người khác. Tôi sẵn sàng làm chỗ dựa cho những người yêu thương. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về cuộc sống của tôi. Tôi sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh tôi”. Nó sẽ giúp bạn cảm thấy bình an và có nhiều năng lượng tích cực hơn.

Yêu thương chính mình

Giải pháp cuối cùng là yêu thương bản thân. Chuyên gia tâm lý Trần Thị Kiều đặt câu hỏi “Thế nào là yêu thương chính mình?” và một vị khách hàng đã chia sẻ “Theo em yêu thương bản thân là trân trọng, tận hưởng từng phút giây còn đang sống khỏe mạnh, cảm ơn từng tế bào trong cơ thể đã giúp mình sống vui khỏe. Chăm sóc tốt cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Biết cách trò chuyện tích cực với bản thân mình vì mọi thứ bắt nguồn từ mình và chỉ mình mới giúp mình được.”.

Những chia sẻ của khách hàng đã nhận được sự đồng tình của chuyên gia và nhiều thành viên khác tham dự buổi Zoom Meeting.

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Phạm Thị Bình chia sẻ thêm: “Hãy nâng cấp cuộc sống của bản thân mình để chỉ số hạnh phúc tăng dần. Bạn thích cuộc sống của bạn như thế nào? Bạn thích gặp gỡ những ai? Vậy thì hãy làm cho nó xảy ra, làm cho cuộc sống của bạn trở nên rực rỡ hơn mỗi ngày. Đó chính là cách làm mới chính mình trên cơ thể cũ”.

Qua lời chia sẻ hai chuyên gia tâm lý và các khách hàng, buổi trị liệu nhóm trực tuyến diễn ra thành công và đón nhận sự hưởng ứng nồng nhiệt của các thành viên.

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Trần Thị Kiều đã mang đến những câu chuyện của mình để chia sẻ đến khách hàng và phân tích rõ ràng về sự chỉ trích bản thân và học cách để buông bỏ sự chỉ trích bản thân đó.

Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam hy vọng đã mang những kiến thức, thông tin bổ ích giúp cho khách hàng có được cuộc sống bình an hơn mỗi ngày.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *