Tổng kết trị liệu nhóm số 48: Vượt qua khủng hoảng tâm lý

Chương trình trị liệu nhóm số 48 với chủ đề “Vượt qua khủng hoảng tâm lý” được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà đã mang đến những kiến thức, giải pháp giúp mỗi người nhìn ra gốc rễ của những khủng hoảng trong cuộc đời mình ở bất kỳ lứa tuổi nào, và quan trọng hơn, là những cách vượt qua những khủng hoảng đó.

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cơ sở Trần Duy Hưng (Hà Nội)

 

Những khủng hoảng tâm lý hay gặp trong cuộc sống

Theo chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà, khủng hoảng tâm lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt tầng lớp và giới tính.

Từ tuổi lên 3, trẻ con đã có những khủng hoảng phát triển tâm lý nhất định khi vào mẫu giáo, thay đổi môi trường và nhận ra bản thân là một phần trong xã hội, khi mà con trẻ dần dần trở thành một cá thể riêng rẽ. Lúc này con có thể những hành vi như nói không với tất cả mọi thứ, quấy phá hơn.

Khi tới ngưỡng tuổi dậy thì, những thay đổi về hormone hay tâm sinh lý khiến con trẻ sẽ bị lạ lẫm với sự phát triển của cơ thể mình nếu không nắm rõ kiến thức; đồng thời, những thay đổi trong suy nghĩ khiến con có nhu cầu được quan tâm, chia sẻ – những chia sẻ cần thiết mà các vị phụ huynh có thể bỏ qua do tâm lý ngại hay bận bịu. Đến cuối cấp ba, những khủng hoảng tâm sinh lý trên có thể bị dồn nén thêm bởi áp lực và định hướng nghề nghiệp. 

Ngược lại, khi tới ngưỡng trung niên, ở cái tuổi mà con người có thể có đủ đầy về vật chất, gia đình, thành công thì những vấn đề sức khỏe bắt đầu xuất hiện, đây cũng là những khủng hoảng khó tránh khỏi. Cộng thêm, khi về hưu, tâm trí đang quen với xử lý nhiều việc, nay lại được thư giãn, sự thảnh thơi đột ngột này tạo ra sự dư thừa năng lượng, có thể dẫn tới những khủng hoảng về tâm lý do không biết phải làm gì, hoặc khủng hoảng về sức khỏe nếu không tiếp tục hoạt động rèn luyện tâm trí và thể chất. Do đó, việc hiểu rõ tâm lý lứa tuổi rất quan trọng trong một gia đình để tránh những xung đột bắt nguồn từ thiếu cảm thông cho nhau.

Ngoài những khủng hoảng xuất phát từ những thay đổi ở bản thân theo lứa tuổi, chuyên gia chia sẻ rằng những yếu tố ngoại vi cũng đóng những vai trò không nhỏ trong việc tạo ra những khủng hoảng tâm lý. Thường đó là những sự kiện gây sang chấn, như mất mát của người thân, hay tai nạn,… Những khủng hoảng về đức tin cũng là một trường hợp thường gặp ở những người dân tìm hiểu hay theo các tôn giáo. Và thường xuyên hơn cả, khủng hoảng bắt nguồn từ sự thiếu hài hòa giữa những bận tâm trong cuộc sống – con cái, gia đình, mối quan hệ, công việc – và nhu cầu phát triển bản thân.

Nguyên nhân của những khủng hoảng tâm lý

Vậy những khủng hoảng ấy xuất phát từ đâu? Theo chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà, nguyên nhân của những khủng hoảng có thể xuất hiện từ nhiều phía, nhiều môi trường.

Trong nhà trường, áp lực học hành, xuất phát từ theo đuổi thành tích, hay sự mất cân bằng giữa học và thư giãn, hoặc thiếu định hướng nghề nghiệp. Tương tự, khi có việc làm, những áp lực cũng có thể xuất phát từ thiếu cân bằng trong sinh hoạt, song song với sự nghi ngờ bản thân khi không được thành công như mong đợi dựa trên kết quả học tập trong trường, hoặc thế bị động không biết phải làm gì sau khi đạt được mục tiêu.

Từ xã hội và gia đình, việc so sánh hơn thua giữa bản thân và người khác, hay giữa con mình và con nhà người ta, hay thậm chí giữa các con với nhau, tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý – tự ti, hay hiềm khích. Thêm nữa, đôi lúc phụ huynh sẽ áp đặt những kỳ vọng và định hướng lên con trẻ, mà thiếu đi sự lắng nghe và thấu hiểu, dẫn tới những mâu thuẫn và khủng hoảng giữa cha mẹ và con cái. Và trong khoảng thời gian gần đây, ở lứa trẻ, mạng xã hội phát triển khiến chúng được tiếp xúc với một khối lượng thông tin lớn, đặc biệt ở trẻ vị thành niên nếu thiếu kiến thức sẽ dễ bị lôi kéo, sa đà, cực đoan hóa, để lại ảnh hưởng lâu dài về tâm lý cũng như cuộc sống sau này.

Ở lứa tuổi lớn hơn, áp lực về tài chính là một gánh nặng không thể không nhắc tới. Trong những trường hợp mất việc dẫn tới mất thu nhập, ngoài yếu tố về phải tìm nghề mới đáp ứng nhu cầu sống, sự tự ti và thấy bản thân vô dụng thường khiến nhiều trụ cột gia đình gặp khủng hoảng về tâm lý. 

“Ai cũng có vấn đề về tâm lý,” chuyên gia Dương Thị Thu Hà chia sẻ, “quan trọng là sự kiểm soát của bản thân. Nếu có đủ thì mọi chuyện sẽ dần ổn, nhưng nếu không thì sẽ dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý”.

Làm sao để vượt qua khủng hoảng tâm lý

Cuối buổi trị liệu nhóm, chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà đưa ra một số phương pháp để vượt qua những khủng hoảng tâm lý, những cách mà bản thân chuyên gia đang áp dụng trực tiếp với khách hàng của mình ở Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.

Đầu tiên, là cách để bản thân đương đầu với những sự kiện gây tổn thương hay những lời nói gây mất lòng – những trường hợp mà thường chúng ta sẽ phản ứng với sự bột phát, có thể lây lan sự tổn thương cho người khác, mà bản thân mình không thấy khá hơn. Chuyên gia hướng dẫn, những lúc đó cần phải hít thở thật sâu để kiểm soát cơn tức giận, rồi khi bình tĩnh mới tìm cách giải quyết trực tiếp. Master Coach Dương Thị Thu Hà tin rằng, thay vì đổ lỗi cho một cá nhân, dù là bản thân hay người khác, ta nên tìm cách chấp nhận sự việc đã xảy ra. Khi ấy, chúng ta mới có thể suy xét toàn cảnh mọi việc, và tìm được những cơ hội, những giải pháp mới.

Thêm nữa, chuyên gia cũng khuyên rằng thay vì cố gắng thay đổi người khác, mỗi cá nhân chúng ta nên tìm cách thay đổi bản thân. Ta nên tìm cách phát triển bản thân, về thể chất – qua những hoạt động thể dục thể thao tăng cường sức khỏe, về kiến thức, hay về tâm trí – bằng cách mường tượng bản thân gột bỏ được những điều tiêu cực.

Hãy đúc kết cho bản thân mình những bài học mang chủ đích tích cực qua những sự kiện tiêu cực. Bằng cách tập trung vào những suy nghĩ tích cực ấy, mỗi cá nhân có thể đẩy lùi được sự tiêu cực. Không nên đắm chìm trong quá khứ, mà hãy tập trung vào phát triển bản thân mình của hiện tại, về những mối quan hệ tốt đẹp quanh ta.

Chương trình trị liệu nhóm số 48 đã giúp nhiều người nhận ra nhiều điều trong cuộc sống của mình, đặc biệt là gốc rễ và cách đối phó với khủng hoảng tâm lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tìm ra giải pháp để hành động và thay đổi.

Có thể bạn quan tâm:

Tổng kết trị liệu nhóm số 47: Cha mẹ thông thái

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *