Tổng kết trị liệu nhóm số 39: 5 ngôn ngữ yêu thương

Trong chương trình trị liệu nhóm số 39 với chủ đề “5 ngôn ngữ yêu thương”, chuyên gia tâm lý, Master Coach Cao Kim Thắm đã giúp các thành viên hiểu về 5 ngôn ngữ yêu thương của con người, vì sao chúng ta cần hiểu ngôn ngữ yêu thương của nhau và làm thế nào để nhận biết được ngôn ngữ yêu thương của mình một cách đơn giản nhất.

Trong cuộc sống, có khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi, đau khổ về những mối quan hệ không như ý. Bạn thực lòng quan tâm đến người khác nhưng càng quan tâm, bạn càng thấy mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn, sự quan tâm của bạn làm đối phương khó chịu và không được trân trọng. Tại sao vậy? Bạn đã dốc lòng cho mối quan hệ đó nhưng không nhận được sự phản hồi như mình mong muốn.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Điều gì đang cản trở yêu thương đến với bạn? Có lẽ là bạn chưa thấu hiểu ngôn ngữ yêu thương của chính mình và đối phương, chưa hiểu được bản thân cần gì và người khác cần gì nên bạn có những rắc rối trong mối quan hệ. Nhưng tất cả chúng ta đến với thế giới này đều xứng đáng được yêu thương người khác và xứng đáng được yêu thương, chỉ cần bạn quay vào bên trong và thấu hiểu chính mình mà thôi.

Giống như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Khi ta trồng cây, mà cây không lớn tốt, ta không đổ lỗi cho cái cây, mà đi xem xét các lý do vì sao lại như vậy: “Thiếu nước, thiếu phân bón, hay thiếu ánh nắng mặt trời .v.v.” Vậy nhưng khi ta có vấn đề với gia đình, người thân của ta, ta lại đổ lỗi và oán trách họ. Nếu ta biết cách quan tâm họ, nếu ta yêu thương họ đúng cách, họ cũng sẽ “tươi tốt” như cái cây vậy. Nếu ta hiểu vấn đề, ta sẽ luôn có thể yêu thương, và vấn đề đó sẽ được giải quyết”.

Giống như cái cây, khi ta thấy mối quan hệ của mình với người khác có vấn đề, bạn đừng cố gắng tìm hiểu vấn đề ở nơi họ, đừng mất thời gian vào việc oán trách họ, hãy quay về với chính mình và tìm hiểu vấn đề ở mình.

Bài học từ câu chuyện ngụ ngôn con Thỏ đi câu Cá

Câu chuyện ngụ ngôn con Thỏ đi câu Cá bằng món ngon nhất của mình là củ cà rốt đã khiến chúng ta lắng lại để suy nghĩ. Con Thỏ thích cà rốt, đối với nó, cà rốt là món ăn ngon nhất trên đời và nó nghĩ tất cả mọi người cũng sẽ như nó. Trong khi món ăn yêu thích của con Cá là con giun thì con Thỏ lại mang củ cà rốt đi câu. Câu chuyện có vẻ nực cười nhưng nếu chúng ta lắng lại để suy ngẫm, chúng ta sẽ nhận ra được rất nhiều bài học từ câu chuyện ngụ ngôn này.

Bao nhiêu lần trong cuộc đời chúng ta từng giống chú Thỏ này và bao nhiêu lần trong cuộc đời mình từng là chú Cá này.

Các bậc phụ huynh thường cho con mình ăn cái món ăn mà mình nghĩ là tốt, bắt con học ngành mà mình nghĩ là tốt. Nhưng có bao giờ chúng ta hỏi con rằng con thích ăn gì, con thích nghề gì, tại sao con lại thích nó không?

Đã bao giờ, bạn đem những điều mà mình yêu thích cho người khác nhưng người ta lại không trân trọng nó. Và mình cảm thấy rất tổn thương, rất buồn vì người đó không trân trọng tình cảm của mình, không trân trọng điều mình làm cho họ. Giống như chú Thỏ này, đem món ăn yêu thích nhất của mình để đi câu cá mà chú cá không ăn. Nhưng thực sự chủ Thỏ đang đem cho con cá điều mà nó không thích, không khao khát vì con cá thích giun cơ.

Trong cuộc sống chúng ta thường yêu thương người khác theo cách mà mình mong muốn chứ không phải cách mà người khác mong muốn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Có hiểu mới có thương”. Tức là ta thương người mà không có sự thấu hiểu, không có sự tỉnh thức thì tình thương đó lại làm khổ chính mình và người mình thương yêu. Khi chúng ta không được hạnh phúc, đau khổ, áp lực, khó chịu thì chúng ta lại oán trách đối phương. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho mối quan hệ không được như mong muốn.

Người mình thương thực sự cần gì thì hãy trao cho họ cái đó. Khi ta yêu thương với sự thấu hiểu và sự tỉnh thức thì tình yêu thương trao cho người kia mới giúp họ có được hạnh phúc. Khi sự hạnh phúc của họ lan tỏa ra thì mình cũng được hưởng hạnh phúc.

Đó chính là một trong những bí quyết để chúng ta có mối quan hệ hoàn hảo: Yêu thương người khác theo cách mà họ muốn chứ không phải theo cách mà mình muốn.

5 ngôn ngữ yêu thương là gì?

Ngôn ngữ yêu thương là cách thức mà bạn hoặc người khác muốn mình được đối xử như thế nào. Khi người ta thực hiện “cách thức ấy” với bạn thì bạn cảm thấy rất là vui, có thể gọi là hạnh phúc. Giống như khi mình đi câu cá bằng giun thì mình sẽ câu được rất nhiều cá vì mình đang cho cái thứ mà người ta khao khát, người ta mong muốn.

Tiến sĩ Gary Chapman, tác giả của cuốn sách 5 Ngôn ngữ yêu thương là một nhà tham vấn hôn nhân trứ danh và là người hướng dẫn các cuộc hội thảo về hôn nhân, đã chia 5 ngôn ngữ yêu thương của con người như sau:

  1. Sự quan tâm tận tụy: Phụ nữ thường có ngôn ngữ yêu thương này. Ví dụ như thích nấu ăn, chăm chút gia đình, ủi đồ, giặt quần áo, làm những món ăn ngon… Họ rất thích chăm sóc người khác. Ai có ngôn ngữ yêu thương nào thì thường sẽ mong muốn người khác đối xử với mình như vậy. Cô gái có ngôn ngữ sự quan tâm tận tụy thích người đàn ông của mình quan tâm đến mình như vậy. Nếu người đàn ông hiểu được điều đó thì chỉ cần một hành động nhỏ như đội nón bảo hiểm, mở cửa xe, gắp thức ăn, phụ nấu bếp… cũng làm cho người phụ nữ của mình cảm động, hạnh phúc và ấm áp rồi.
  2. Thời gian chia sẻ chất lượng: Đôi khi mình có thể bên cạnh người đó 3-4 tiếng đồng hồ nhưng mình không hiện hữu. Người ta thường nói là người ở đây nhưng tâm trí để đi đâu. Vậy thời gian chia sẻ chất lượng là gì? Ví dụ như trong 24 giờ, mình dành 23 giờ để làm việc, sinh hoạt cá nhân và mình chỉ dành 1 giờ để quan tâm chăm sóc cho con thôi. Nhưng trong 1 giờ đồng hồ đó, mình thực sự tập trung vào con, hỏi han, quan tâm, chơi cùng con, kể chuyện cho con nghe chứ không phải là mình ngồi cạnh con nhưng mắt dán vào màn hình điện thoại. Tức là mình dành 100% sự hiện hữu của mình cho con.
  3. Khen ngợi, công nhận: Nhu cầu được công nhận, được khen ngợi của con người rất là thiết yếu. Nhiều người giỏi nhưng thiếu sự tự tin vì từ nhỏ tới lớn luôn nghe những lời chê bai. Ba mẹ ít khen và thường tạo áp lực cho con: “Tại sao người ta được 10 điểm mà con không được 10 điểm”. Việc con làm giỏi, học giỏi, mình xem đó là điều đương nhiên, mình không có công nhận, mình không có khen. Đặc biệt, có 80% nam giới có ngôn ngữ yêu thương là khen ngợi và công nhận từ vợ, con của mình. Khi vợ con không công nhận, không ngưỡng mộ họ, người đàn ông thường đi tìm sự công nhận, sự khen ngợi từ bên ngoài vì họ không cảm nhận được giá trị của họ ở trong gia đình. Tuy nhiên, việc khen ngợi và công nhận phải được xuất phát từ sự chân thật.
  4. Quà tặng: Có lẽ ai cũng thích được tặng quà nhưng có một số người có ngôn ngữ yêu thương quà tặng nổi trội. Họ thích tặng quà mọi người và thích được tặng quà.
  5. Cử chỉ âu yếm: Có những người thích được ôm ấp, vuốt ve, nắm tay. Phân loại về tính cách: V-A-K-Ad: V – Thị giác (Visual), A – Thính giác (Auditory), K – Cảm xúc (Kinesthetic) và Ad – Nội tâm (Auditory digital). Người cảm xúc là người thích được ôm ấp, vuốt ve (sự chạm), tức là có cử chỉ âu yếm. Đứa trẻ lúc mới sinh ra thường được ba mẹ yêu thương ôm ấp và đủ đầy tình yêu thương ba mẹ thì lớn lên cuộc sống của trẻ rất hạnh phúc và có những mối quan hệ tốt đẹp.
Chuyên gia tâm lý, Master Coach Cao Kim Thắm hiện đang là Giám đốc chi nhánh Hồ Chí Minh – Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.

Theo kinh nghiệm thực hiện tâm lý trị liệu của chuyên gia Cao Kim Thắm, con người thường có đủ nhu cầu 5 ngôn ngữ yêu thương này nhưng tùy từng người mà sẽ có 1-2 ngôn ngữ yêu thương nổi trội hơn cả. Hầu hết phụ nữ (80%) có ngôn ngữ yêu thương nổi trội là sự quan tâm tận tụy, thời gian chia sẻ chất lượng. Và đàn ông (80%) thường có ngôn ngữ thứ 3 và thứ 5 đó là khen ngợi, công nhận và cử chỉ âu yếm.

Vậy làm thế nào để mình biết được ngôn ngữ yêu thương của mình là gì?

Tác giả Gary Chapman cũng chỉ ra 3 câu hỏi giúp bạn khám phá ngôn ngữ tình yêu của mình:

  • Bạn thường thể hiện tình yêu bằng cách nào?
  • Bạn thường phàn nàn về điều gì trong mối quan hệ?
  • Bạn hay yêu cầu đối phương làm gì cho mình?

Hãy quan sát cách bạn thể hiện tình cảm, đánh giá và mong muốn ở người khác. Đồng thời liệt kê những điều khiến bạn không vui là cách để xác định ngôn ngữ tình yêu của bạn. Bạn cũng có thể tìm hiểu đối phương với phương pháp tương tự.

Trong chương trình trị liệu nhóm số 40, chuyên gia tâm lý, Master Coach Cao Kim Thắm có bài test để giúp quý vị xác định chính xác ngôn ngữ yêu thương của mình. Nếu bạn quan tâm, hãy đăng ký tham gia chương trình trị liệu nhóm số 40 để tìm hiểu ngôn ngữ yêu thương của chính mình và có giải pháp phù hợp trong cuộc sống nhé.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

5 ngôn ngữ tình yêu có thể là công cụ hỗ trợ bạn và người ấy giao tiếp tốt hơn, mọi người đến gần nhau hơn. Đây chỉ là 1 công cụ, 1 phương pháp, có thể phù hợp với bạn và cũng có thể không. Nhưng, nhiều người đã hạnh phúc hơn khi áp dụng. Bạn hãy thử xem!

Có thể bạn quan tâm:

Tâm lý trị liệu – giải pháp “vàng” trong việc điều hòa các mối quan hệ trong cuộc sống

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *