[Kênh 14] Giúp con gái đối diện với thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì – Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến chia sẻ

Làm thế nào để giúp con gái đối diện với thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì có lẽ là chuyện “khó” chẳng của riêng ai. Thấu hiểu được điều này, Kênh 14 đã thực hiện chương trình Livestream – Chuyện khó có bác sĩ với sự tham gia của chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến để giúp các bậc phụ huynh gỡ rối.

Tuổi dậy thì là giai đoạn mà bất kỳ ai cũng phải trải qua và thường bắt đầu từ khoảng 10 – 19 tuổi. Đối với các bé gái thì giai đoạn này có thể xuất hiện sớm hơn và có những thay đổi bất thường về tâm sinh lý hơn so với các bé trai.

Các bé gái thường có sự thay đổi bất thường về tâm trạng, đôi khi buồn vui lẫn lộn, dễ tự ái, dễ tổn thương và có cả sự tò mò, mệt mỏi, lo lắng. Tất cả những điều đó xuất phát từ sự thay đổi về thể chất khi bé gái bước vào tuổi dậy thì.

Điều này cũng làm khó không ít các bậc cha mẹ trong việc đồng hành cùng con gái ở độ tuổi dậy thì. Để gỡ rối cho các bậc phụ huynh, Kênh 14 đã mời chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam chia sẻ những thay đổi tâm lý của bé gái khi bước vào độ tuổi dậy thì, cách để cha mẹ làm bạn với con, giúp con bước qua tuổi dậy thì một cách bình an và đầy tận hưởng. Chương trình được livestream trực tiếp trên fanpage Kênh 14 vào ngày 24/5/2022.

Bước vào tuổi dậy thì, các bé gái có sự thay đổi về cả thể chất và tinh thần. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định sự hình thành cơ thể khỏe mạnh và tính cách của trẻ sau này. Những chia sẻ cởi mở và gần gũi của các chuyên gia đã giúp các bậc phụ huynh có thêm hiểu biết về thay đổi tâm sinh lý của bé gái trong độ tuổi dậy thì để đồng hành cùng con đúng cách.

MC: Thưa chuyên gia, bên cạnh những thay đổi về sinh lý, ở độ tuổi dậy thì các bé gái có thay đổi về tâm lý như thế nào?

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến (giữa) hiện đang đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.

Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến: Sự thay đổi về mặt tâm lý ở tuổi dậy thì là một chuyện đương nhiên và có lẽ ai cũng hiểu được điều này vì chúng ta cũng đã trải qua. Đặc biệt, tuổi dậy thì ở các bạn nữ thường đến sớm hơn và có những biểu hiện rõ ràng hơn với các bạn nam.

Nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi về mặt tâm lý xuất phát từ sự thay đổi của thể chất trước. Bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, cơ thể con có nhiều sự thay đổi ở vùng ngực và vùng kín, hóc môn thay đổi, xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên.

Ở độ tuổi dậy thì, các con đã có kiến thức về xã hội nhưng nó mới chỉ “lưng lưng” và chưa đủ so với sự trưởng thành và kinh nghiệm của người lớn. Vì vậy, những thay đổi khác lạ trên cơ thể khiến con rơi vào trạng thái cảm thấy không an toàn, lo lắng, hồi hộp, thậm chí là lo sợ. Đây là trạng thái mà tâm lý học đã nghiên cứu khi con người tiếp cận với những điều mới lạ. Đó là lý do vì sao khi bước vào độ tuổi dậy thì, tâm lý của con chắc chắn sẽ thay đổi và cần sự đồng hành của cha mẹ.

Con gái Hải Yến năm nay 11 tuổi và cũng đang bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Qua các tài liệu đã nghiên cứu và những điều mà Hải Yến đã quan sát được từ chính con gái, Hải Yến thấy rằng có những sự thay đổi ở tuổi dậy thì khiến các con vui vẻ nhưng có những điều thay đổi lại khiến các con không sẵn sàng đón nhận.

Ví dụ như thay đổi về chiều cao là một điều hạnh phúc nhưng thay đổi về cân nặng tăng quá nhanh hay xuất hiện mụn là điều khiến các bạn gái không thích. Đặc biệt là với các bạn ưa hình thức, thích đẹp, thích eo thon.

Đi cùng với sự thay đổi cơ thể là sự tò mò. Các con sẽ có nhu cầu tìm hiểu về giới tính nhiều hơn. Tất cả những điều đó sẽ thách thức trong tâm lý của các bạn nữ và cũng làm mất dần đi sự hồn nhiên, trong sáng của một đứa trẻ “baby” luôn sẵn sàng chia sẻ như trước.

MC: Các bậc làm cha, làm mẹ có thể làm gì để đồng hành cùng con vượt qua tuổi dậy thì một cách dễ dàng nhất ạ?

Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến: Như chúng ta đã biết, các bạn nữ thường bước vào độ tuổi dậy thì sớm hơn các bạn nam nên sẽ cảm thấy mình trưởng thành sớm hơn. Bởi vậy, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý cho các con tốt hơn. Hãy làm thế nào đó để giúp con yêu cơ thể của mình và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi trên cơ thể.

Hay cho con thấy độ cong trên cơ thể người phụ nữ là một niềm tự hào, đáng trân trọng. Trên thực tế, có nhiều bạn gái bước vào độ tuổi dậy thì cảm thấy ái ngại, thiếu tự tin khi vòng một hay vòng ba của mình phát triển. Bởi vậy, ba mẹ cần giúp con hiểu được để trân trọng những đường nét đó bất kể dậy thì sớm hay muộn. Tất nhiên, nếu dậy thì sớm chúng ta cũng cần phải đưa con đi thăm khám nhưng chúng ta vẫn giúp con yêu cơ thể của mình trước.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần giúp con có ý thức nhiều hơn về thẩm mỹ cơ thể và dạy cho con cách để làm cơ thể đẹp hơn mỗi ngày. Cha mẹ có thể truyền cảm hứng cho con bằng việc tập thể dục thể thao đúng cách và có chế độ ăn phù hợp. Khi đó, con sẽ sự sẵn sàng đón nhận giai đoạn tuổi dậy thì trong tâm thế thực sự thoải mái.

Tuy nhiên, để truyền cảm hứng cho con, ba mẹ cần làm gương trước. Nếu ba mẹ cũng là người chưa yêu cơ thể của mình, đang ăn uống thiếu khoa học, chưa thực sự vệ sinh, giữ gìn cơ thể sạch sẽ thì chưa dễ đẻ truyền cảm hứng cho con, chưa dễ để con thực hiện theo những phương án mà mình đưa ra. Đây là điều rất quan trọng khi đồng hành cùng với con trong bất kỳ một vấn đề gì.

Khi con gái bước vào tuổi dậy thì, các con thường để ý đến thẩm mỹ và làm đỏm nhiều hơn. Việc lựa chọn sản phẩm dung dịch vệ sinh có nồng độ PH phù hợp, thương hiệu uy tín, được các chuyên gia khuyên dùng và có giấy chứng nhận chuẩn chỉ là điều nên làm.

Song bên cạnh đó, các bạn nữ cũng rất thích mùi hương. Khi lựa chọn sản phẩm mỹ phẩm hay dung dịch vệ sinh, chúng ta cũng có thể cho con lựa chọn mùi hương mà con thích. Qua mùi hương con chọn, chúng ta có thể phần nào đoán biết được nội tâm bên trong của con.

Các bạn nữ có tuổi thơ êm đềm thường thích mùi hương dịu nhẹ. Những bạn nữ thích mùi hương mạnh thường có cá tính mạnh và bên trong nội tâm mong muốn được mọi người chú ý tới. Mùi hương mạnh là thứ mà dễ thu hút sự chú ý của người xung quanh hơn.

Trong quá trình giúp con chọn dung dịch vệ sinh, cha mẹ cũng có thể giúp con hiểu sức khỏe của vùng kín quan trọng như thế nào, vì sao chúng ta cần bảo vệ, nâng niu vùng kín cũng như cơ thể của mình. Để chăm sóc được vùng kín được khỏe mạnh, chúng ta cần chọn lựa sản phẩm chất lượng như thế nào.

Nhân câu chuyện chọn dung dịch vệ sinh, mẹ có thể trò chuyện luôn với con về son môi, kem chống nắng hay các loại mỹ phẩm phù hợp khác mà con đang quan tâm… Điều quan trọng nhất ba mẹ cần chú ý trong câu chuyện này là hướng dẫn con thực sự yêu thương cơ thể mình.

Cách chúng ta làm một việc sẽ là cách mà chúng ta làm mọi việc. Việc lựa chọn một sản phẩm đạt chuẩn, chất lượng cao có nghĩa là cơ thể con xứng đáng và cuộc đời của con xứng đáng được trân trọng.

Từ những câu chuyện nhỏ đồng hành cùng với con, vô hình chúng ta có thể tạo cho con được hệ tư duy, hệ niềm tin lớn bên trong con. Việc con chọn đồ nội y như thế nào, chọn mỹ phẩm ra sao đều có thể truyền cho con tâm thái yêu cơ thể mình, có tâm lý vững vàng không chỉ là ở hiện tại, hay trong giai đoạn tuổi dậy thì mà còn cho cả một hành trình rất dài trong tương lai.

MC: Giáo dục giới tính cho con có lẽ là vấn đề nhạy cảm với một số bậc làm cha, làm mẹ. Bởi vì, nhiều bậc phụ huynh có quan điểm rằng chúng ta tư vấn, giáo dục giới tính cho con giống như “vẽ đường cho hươu chạy” nên họ thường băn khoăn, đắn đo, né tránh khi con đặt ra câu hỏi liên quan đến vấn đề giới tính. Vậy chuyên gia có thể cho biết việc giáo dục giới tính có vai trò như thế nào với con khi bắt đầu bước vào độ tuổi dậy thì. Chúng ta nên bắt đầu giáo dục giới tính khi nào? Và nhiều bậc phụ huynh thường phó thác việc này cho nhà trường, như vậy có nên không?

Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến: Vâng, chúng ta vừa nói nhắc đến câu là “vẽ đường cho hươu chạy”. Nếu đã vẽ đường thì thà rằng chúng ta chủ động vẽ ra một con đường đúng đắn để các con chinh phục và tận hưởng giai đoạn tuyệt vời này còn hơn là để các con, vì sự tò mò và thiếu kiến thức không cần thiết, tự đi vào con đường không được sáng.

Theo quan điểm của khoa học tâm lý, khoa học phát triển con người, gia đình là nền tảng, nhà trường là bồi đắp và xã hội là bổ sung. Như vậy, dù là vấn đề gì đi chăng nữa, nền tảng vẫn là từ gia đình. Và nền tảng về giáo dục giới tính cũng là từ gia đình đầu tiên chứ không phải là nương hết vào nhà trường hay xã hội.

Giáo dục giới tính cũng có rất nhiều khía cạnh. Vấn đề giới tính, hóc môn, tình dục nên dạy khi con biết nói và có kiến thức, tư duy. Còn vấn đề tâm lý ba mẹ có thể dạy cho con từ khi con còn trong nôi. Mỗi lần mẹ vệ sinh vùng kín cho con có thể nói “chúng ta cần làm sạch khu vực này con nhé”. Chúng ta cứ thì thầm như vậy với con từ khi còn nhỏ, lớn lên nó sẽ trở thành tư duy của con và con cứ thế làm thôi, ba mẹ không cần dạy con nữa.

Trong “Bài hát 5 ngón tay xinh” dạy về cách giao tiếp với mọi người và bảo vệ mình khỏi bị xâm hại của mầm non, tác giả đã sử dụng từ “vùng đồ bơi” để gọi tên bộ phận kín của các bé gái, bé trai. Việc so sánh như vậy vừa đơn giản lại dễ hiểu. Trẻ sẽ liên tưởng đến những bộ đồ bơi của các cô, các chú ở ngoài biển. Và con sẽ hiểu được con trai thì che chắn khu vực nào, con gái cần che chắn những vùng nào. Vì sao phải che, vì chỗ đó là những khu vực nhạy cảm cần bảo vệ.

Trẻ ở tuổi dậy thì, ngoài sự tò mò còn có cả sự ham muốn. Nó là sinh lý bình thường của con người nên hãy cho con biết cảm giác đó là hoàn toàn bình thường, thuận tự nhiên của con người. Tuy nhiên, con người là động vật cấp cao, chúng ta khác con vật ở chỗ con người có tư duy, biết kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. Nên bằng một cách nào đó, chúng ta có thể kích thích phần Người tăng trưởng để kiểm soát được sinh lý của phần Con. Và chúng ta có thể chinh phục cuộc sống để tất cả các giai đoạn của cuộc đời mình đều tuyệt vời. Đó là cách mà Hải Yến thường chia sẻ với con của mình.

Tâm lý con người là càng tò mò càng tìm hiểu. Nếu con tìm hiểu công khai không được thì con sẽ tìm cách tìm hiểu không công khai. Việc này có thể mang lại hệ lụy rất lớn vì chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ hiện đại với vô vàn thông tin chính thống hay không chính thống trên mạng. Bởi vậy, những điều gì khiến con tò mò, chúng ta cần giải thích thẳng thắn, rõ ràng.

Và trước khi đưa cho con những lời khuyên giáo lý, chúng ta cần làm bạn với con trước sau đó mới bàn bạc với con để đạt được mục đích của mình. Thêm nữa, ba mẹ có thể sống dậy tuổi thơ của mình ở độ tuổi dậy thì như con để hiểu được ngày xưa mình như thế nào, chia sẻ với con mình cũng giống con ra sao và khác như thế nào. Như vậy, ba mẹ sẽ làm bạn với con dễ dàng hơn vì con đã nhìn thấy sự tương đồng giữa ba mẹ và mình, cảm thấy mình đang được thấu hiểu.

Có thể nhờ sự chia sẻ như vậy mà ba mẹ cũng trẻ ra vài tuổi. Đặc biệt là giữa mẹ và con gái sẽ dễ dàng vô cùng. Chúng ta hoàn toàn có thể nhận được rất nhiều lợi lộc từ việc chúng ta đồng hành với con trong giai đoạn tuyệt vời này. Với Hải Yến, đây không phải là thử thách mà thực sự là giai đoạn tận hưởng, làm giàu thêm tình cảm, kết nối sâu sắc hơn với con gái mình.

MC: Vậy là chúng ta không nên né tránh vấn đề giáo dục giới tính. Chúng ta cần trao đổi thẳng thắn với con để con có hướng đi đúng đắn nhất trong giai đoạn quan trọng này. Bên cạnh vấn đề giáo dục giới tính, Hà còn muốn trao đổi thêm về sự tự ti của con. Bản thân Hà gặp nhiều bạn nữ rất xinh xắn, dễ nhìn nhưng lúc nào cũng mang trong mình cảm giác tự ti, ngại ngùng khi giao tiếp với bạn bè, cảm thấy mình béo, mình không xinh bằng các bạn. Việc này cũng dẫn đến hệ lụy trong tương lai nghĩa là cơ hội đến với các bạn có sự tự ti thường ít hơn so với các bạn nhan sắc chỉ bình thường nhưng lại tự tin trong giao tiếp. Chuyên gia có thể chia sẻ thêm làm sao để chúng ta có thể giúp con giao tiếp tự tin hơn trong quá trình con đang bước vào tuổi dậy thì không ạ?

Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến: Người ta thường nói: “Bình tĩnh, tự tin và giành chiến thắng”. Bao giờ cũng vậy, một người tự tin trong giao tiếp hay làm việc gì đó cũng dễ dàng thành công hơn. Nó đúng với cả người lớn và trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay rất người lớn không được tự tin kể cả trong giao tiếp hay nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc mình thiếu tự tin ở tuổi dậy thì vì những dấu ấn cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này.

Cơ thể của con ở tuổi dậy thì có nhiều thay đổi, có thể béo lên nhanh chóng, mặt có mụn. Sự phát triển sớm của con tạo ra sự khác biệt với bạn bè và khiến con bị trêu trọc. Nhưng sự khác biệt đó sẽ không phải là điều gì đáng quan ngại nếu nỗi lo đó được giải tỏa.

Song nếu vấn đề không được giải tỏa mà còn được đắp thêm những lời chê, nhận xét làm con thêm xấu hổ thì nó càng làm cho con người mất đi sự tự tin. Chúng ta cứ tưởng tượng mỗi bạn nhỏ có một ly nước chứa đựng những điều tiêu cực. Khi mới sinh ra, cốc nước rỗng. Nhưng nỗi buồn, cảm xúc tiêu cực cứ đổ thêm vào mỗi ngày thì đến một lúc nào đó cốc nước sẽ tràn đầy và tạo thành vấn đề.

Đôi khi người chê con nhiều nhất lại là ba mẹ. Nhất là khi thấy con béo, con có mùi cơ thể, cơ thể con có vài mẩn ngứa, xuất hiện gàu… do những thay đổi trong tuổi dậy thì, mẹ thường buông ra những câu nói: “dạo này con bẩn thế”, “dạo này con béo thế”… Nếu những thành viên khác trong gia đình không hiểu được điều đó cũng có thể sẽ buông thêm vài lời chê nữa. Và nó trở thành một tổn thương tâm lý và trẻ mất dần đi sự tự tin vốn có của mình.

Điều quan trọng ở đây là ba mẹ cần giúp cho con hiểu vì nội tiết tố thay đổi nên cơ thể con có thể có nhiều mồ hôi hơn, có mùi lạ trên cơ thể là chuyện bình thường. Và hướng con tìm giải pháp để đạt được kết quả mà con mong muốn. Khi vấn đề đã được giải quyết, con sẽ lấy lại được sự tự tin của mình.

Thêm một hiện tượng nữa ba mẹ cần lưu ý là có nhiều bạn trẻ thiếu tự tin vì không thực sự trân trọng cơ thể mình, không yêu cơ thể mình. Cơ thể mỗi giới có những điểm đặc trưng riêng cho giới tính đó. Đôi khi có thể vì sự khác biệt khi bước vào tuổi dậy thì so với các bạn cộng thêm những lời khen chê xung quanh khiến các bạn cảm thấy không yêu cơ thể. Khi con không yêu những điểm đặc trưng của giới tính trên cơ thể mình thì các bạn cũng không yêu giới tính của mình. Việc này có thể gây ra những hệ lụy cực kỳ nghiêm trọng.

Bởi vậy, trong giai đoạn đặc biệt này, hãy hướng con đến việc giải quyết vấn đề. Nếu như vùng kín có mùi, ẩm ướt thì hướng dẫn con sử dụng dung dịch vệ sinh. Vùng nách có mùi hôi thì hướng dẫn con tìm cách khắc phục.

Đây cũng là một cơ hội tốt để rèn luyện cho con một chỉ số vượt khó AQ, một chỉ số rất quan trọng của con người. Vượt khó với chính những thử thách mà cơ thể của con đang lên tiếng, cơ thể con đang cần được đồng hành và hỗ trợ. Và cũng rèn luyện cho con luôn chỉ số thông minh cảm xúc EQ, giúp con học cách cân bằng cảm xúc.

Tất cả mọi vấn đề đến, chúng ta đều có thể biến nó thành bài học để các con trưởng thành, yêu cơ thể và yêu cuộc sống của mình hơn. Nếu có được tâm thế tuyệt vời như vậy thì tuổi dậy thì của con sẽ trở thành một giai đoạn tận hưởng. Sự tận hưởng không chỉ là của riêng con mà còn là sự tận hưởng của cả gia đình, của các bậc làm cha, làm mẹ.

MC: Thưa chuyên gia, có một vị khán giả gửi câu hỏi đến chương trình: “Con gái tôi khi bước vào độ tuổi dậy thì dần thay đổi tích cách không còn muốn chia sẻ nhiều như trước kia nữa. Điều này làm tôi cực kỳ cảnh giác và theo sát, giám sát con rất là chặt như đưa đón con đi học, kiểm soát tin nhắn, bạn bè của con. Tôi làm điều đó có đúng không và xin các chuyên gia cho tôi lời khuyên”.

Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến: Khi các con bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, nếu con không nhận thấy có sự thấu hiểu của bố mẹ, không thấy ba mẹ là người bạn của mình thì các con sẽ không cởi mở chia sẻ với bố mẹ nữa. Bố mẹ càng kiểm soát thì con càng cảm thấy bố mẹ là cảnh sát chứ không phải là người bạn của mình. Vậy nên các bạn trẻ sẽ đóng cánh cửa kết nối với bố mẹ lại.

Con đến tuổi dậy thì càng cần tôn trọng con hơn. Đó là điều mà Hải Yến thực sự muốn kiến nghị đến bố mẹ. Ở giai đoạn này, các con có nhu cầu được tôn trọng, được xem trọng, được trân trọng, được bày tỏ ý kiến của mình, được thể hiện cái cá tính, quan điểm cá nhân của mình rất cao.

Thậm chí chúng ta cần phải đặt mình vào vị trí thấp hơn cả người bạn của con để lắng nghe con chia sẻ, để học được những điều hay từ các bạn ấy và hưởng ứng câu chuyện đặc trưng ở độ tuổi của con bằng những từ “ồ à” hay cho con thấy tuổi thơ của mình cũng từng trải qua những cảm xúc, suy nghĩ, hành vi như con đang trải qua.

Quay lại tình huống mà phụ huynh vừa chia sẻ, Hải Yến thấy rằng hành động đó là chưa đúng. Đây cũng là một câu chuyện, một câu hỏi rất hay để nhiều phụ huynh cũng nhìn thấy mình trong đó. Và chúng ta, những bậc làm cha, làm mẹ cần phải kiểm tra mình thường xuyên.

Trong giai đoạn dậy thì, con cần một người đồng hành với vai trò là người bạn chứ không phải là một người tiền bối hay một cảnh sát. Nếu chúng ta thể hiện không đúng vai trò một người bạn, chính chúng ta sẽ là người đóng dần cánh cửa cởi mở với con.

Và nếu các con e ngại với ba mẹ, sợ ba mẹ và không muốn ba mẹ can thiệp vào cuộc sống của các con thì dần dần các con sẽ hình thành một thói quen là tìm người ngoài để chia sẻ. Như vậy, các con sẽ đóng cánh cửa kết nối với ba mẹ.

Lúc đó, ba mẹ sẽ thấy là các con về nhà chỉ quăng một câu chào và đi vào trong phòng đóng cửa lại. Đến bữa cơm, ba mẹ gọi mãi mới thấy con ra, ăn xong lại đi về phòng. Nhiều phụ huynh chia sẻ với Hải Yến rằng, lúc nào con cũng bảo là con bận học nhưng thực ra là con bận chat với bạn bè hoặc chơi game. Nếu con còn chia sẻ được với người ngoài thì còn may nhưng nếu con không chia sẻ được với người ngoài, không tìm được cách giải tỏa, tìm được miền bình an thì con có thể sẽ đắm chìm trong game. Khi đó, con rất dễ bị thế giới ảo nó lôi vào và một lúc nào đó, con bước ra thế giới thực, con sẽ không còn cảm thấy mình phù hợp với thực tế nữa. Khi đó các vấn đề tâm lý sẽ thực sự phát sinh.

Thêm một điều nữa, khi con đến tuổi dậy thì, ba mẹ cảm thấy con đã trưởng thành và gửi gắm quá nhiều kỳ vọng, ước mơ, khát khao của mình vào con. Điều này làm cho con cảm thấy quá ngột ngạt, không được tôn trọng. 

“Mẹ thích làm bác sĩ thì mẹ phải học y. Con thích học làm họa sĩ cơ, cùng là “sĩ” đấy nhưng không thể ép con làm bác sĩ được”. Đó là ước mơ của ba mẹ, ba mẹ phải có trách nhiệm thực hiện, ba mẹ không làm được thì đừng đặt lên vai con.

Vậy nên, ba mẹ kiểm soát con sẽ càng làm cho mối quan hệ này trở nên xa cách hơn. Về lâu dài, việc chúng ta kết nối lại với con sẽ càng là bài toán phức tạp hơn trong tương lai. Vì vậy, hãy làm bạn với con, hãy áp dụng công thức BẠN – BÀN – BAN – BÁN để đồng hành cùng con trong giai đoạn dậy thì. Hãy thực sự tôn trọng con thì chúng ta sẽ kết nối với con tốt hơn.

Những chia sẻ của chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến đã đem tới những thông tin hữu ích và các giải pháp thiết thực, dễ hiểu để phụ huynh có thể đồng hành cùng con gái đối diện với thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì.

Chương trình Livestream Giúp con gái đối diện với thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì – Kênh 14:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *