Hội nghị nói chuyện cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội về chăm sóc gia đình vượt qua dịch bệnh

Ngày 28/3/2022, Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề “Covid-19 ảnh hưởng đến Tâm – Thân – Trí con người và cách chăm sóc gia đình vượt qua dịch bệnh”. Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam vinh dự là khách mời, diễn giả duy nhất đến chia sẻ tại Hội nghị.

Sự kiện có sự quan tâm và tham gia của:

  • Đại diện Ban Gia đình xã hội Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
  • Thường trực, thường vụ, cán bộ cơ quan Hội LHPN thành phố Hà Nội.
  • Lãnh đạo và cán bộ chuyên trách Hội LHPN các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa;
  • Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Phụ nữ Thủ đô.

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến – Người tiên phong đưa tâm lý trị liệu đến gần với người dân Việt Nam

Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến là người tiên phong đưa tâm lý trị liệu đến gần với người dân Việt Nam một cách chuyên nghiệp, bài bản, khoa học và quy mô lớn. Hiện Chuyên gia Hải Yến đang là Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam. Cùng với các cộng sự của mình, Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến đã giúp nhiều người mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc tìm lại được sức khỏe, hạnh phúc và niềm vui sống của mình.

Bên cạnh vai trò là một người lãnh đạo, Chuyên gia Tâm lý trị liệu, Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến còn là một người vợ, người mẹ. Quá trình mang thai và nuôi con của Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến không dễ dàng như những người phụ nữ khác. Con gái đầu lòng của Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến từng bị các bác sĩ chẩn đoán là có khả năng bị down trong những tháng đầu mang thai. Sau khi sinh ra, con gái của chuyên gia cũng gặp vấn đề u máu. Bằng tình yêu thương vô điều kiện và những kiến thức mà mình đã học được trong khoa học tâm lý trị liệu, chuyên gia đã đồng hành và chăm sóc các con rất khỏe mạnh, thông minh và học giỏi.

Trên hành trình đồng hành cùng khách hàng và chăm sóc gia đình mình, Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến đã đúc rút ra những kinh nghiệm, quy trình, bài học về chăm sóc sức khỏe tâm trí con người, nghệ thuật sống hạnh phúc và hòa hợp với các mối quan hệ để đạt được những mong muốn, ước mơ, khao khát trong cuộc sống của mình.

Tham gia Hội nghị nói chuyện chuyên đề, Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến đã chia sẻ về ảnh hưởng của Covid đến Tâm – Thân – Trí của con người, 4 bước để giải quyết những ảnh hưởng của Covid đến Tâm trí con người, nghệ thuật giao tiếp đúng cách và cách để đồng hành cùng ước mơ, bí kíp để bản thân và gia đình mình được hạnh phúc hơn.

Covid ảnh hưởng thế nào đến Tâm – Thân Trí của con người

Ngay từ những ngày đầu tiên Covid xuất hiện trên trái đất, nó đã tạo ra những ảnh hưởng toàn diện về cả Tâm – Thân – Trí con người nhưng có lẽ chúng ta mới chỉ dễ dàng nhìn thấy được về mặt sức khỏe thân thể. Cho đến khi dịch Covid bùng phát và lan rộng, các tổ chức y tế trên thế giới mới nhìn thấy rõ và ghi nhận sự ảnh hưởng của Covid đến sức khỏe tâm trí (nói theo y khoa là sức khỏe tâm thần) của con người.

Thời gian gần đây, khi Covid bùng phát trên địa bàn Hà Nội thì hậu covid bắt đầu thể hiện rõ những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người cả về thể chất và lẫn tâm trí. Các vấn đề về sức khỏe tâm trí điển hình có thể kể đến như trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý, mất ngủ, khó tập trung. Ngoài ra, các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, buồn chán, hụt hơi cũng có thể xuất phát từ vấn đề tâm trí hoặc/và thân thể.

Những ảnh hưởng về mặt tâm trí không chỉ đến với những người đã mắc Covid mà còn ảnh hưởng cả đến những người chưa từng mắc Covid. Trong khoa học tâm trí, có 6 vấn đề làm cho chúng ta bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm trí là nỗi sợ, cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ tiêu cực, mâu thuẫn nội tâm, thói quen xấu, niềm tin giới hạn. Khi Covid đến tạo ra những xáo trộn trong cuộc sống của con người. Nó khiến cho chúng ta có những lo lắng, sợ hãi, bất an, bực bội, tức giận, căng thẳng, stress, suy nghĩ tiêu cực,.. Những cảm xúc, suy nghĩ này nếu thường xuyên diễn ra sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm trí của con người.

Tuy nhiên, không phải ai cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 bởi sự nhìn nhận của mỗi người với dịch bệnh là khác nhau. Có người cảm thấy mất mát nhưng có người lại nghĩ nó là cơ hội. Có người sợ hãi, luôn luôn hạn chế giao tiếp xã hội để giảm thiểu nguy cơ nhiễm Covid nhưng có người lại chuẩn bị tốt các phương án để ứng phó nếu chẳng may covid gõ cửa nhà mình. Trong thời gian giãn cách, cách ly, rất nhiều gia đình nảy sinh mâu thuẫn, xung đột, bất hòa do thời gian ở nhà với nhau quá nhiều, những gánh nặng về tài chính đè nặng lên vai những người trưởng thành… nhưng cũng có những gia đình tận dụng thời gian này để được nghỉ ngơi và dành thời gian chăm sóc, kết nối, gần gũi với nhau nhiều hơn.

Những tác động của covid đến tâm lý, sức khỏe tâm trí của con người đã tác động không nhỏ đến những người phụ nữ trong gia đình, những người luôn gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho gia đình, nuôi dạy con cái, cân đo tài chính trong gia đình, cân đối các mối quan hệ đối nội, đối ngoại… Năng lượng của người phụ nữ trong gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng lượng, cảm xúc của những người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bởi vậy, phụ nữ cần có kiến thức và sự rèn luyện thường xuyên để chăm sóc sức khỏe tâm trí cho chính mình và những người thân trong gia đình.

4 bước cơ bản để giải quyết ảnh hưởng của Covid đến tâm trí con người

Bước 1: Trị liệu. Trong cuộc sống con người, nỗi sợ, lo lắng, buồn phiền, mệt mỏi, căng thẳng,… là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nếu nó thường trực xuất hiện trong tâm trí con người khiến chúng ta phải để tâm đến nó và ảnh hưởng đến sự an vui, hiệu quả học tập làm việc thì nó đã và đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm trí của con người.

Để giải quyết được vấn đề, chúng ta cần nhận diện ra sự tồn tại của nó trong tâm trí của mình. Không phải ai cũng nhận ra được vấn đề của mình vì sức khỏe tâm trí chưa được phổ cập như sức khỏe thân thể. Nhưng khi chúng ta đã nhận diện được ra vấn đề của mình rồi, chúng ta sẽ có giải pháp cho vấn đề đó. Quá trình này được gọi là quan sát và thấu hiểu bản thân. Nó giúp cho chúng ta yêu thương bản thân mình đúng cách.

Bước 2: Trị liệu tăng cường. Ở bước này, chúng ta có thể đọc sách, xem các video liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm trí để chúng ta có sự hiểu biết và dễ dàng tìm được sự bình an, cân bằng cảm xúc hơn. Bạn cũng có thể chia sẻ với người thân, bạn bè, người mà bạn nghĩ có thể giúp bạn giải quyết tốt các vấn đề này.

Bước 3: Huấn luyện. Trong giai đoạn này, chúng ta sẽ cần có thêm những niềm tin, tư duy tích cực để thay thế những niềm tin tư duy tiêu cực và kích hoạt năng lượng cho chính mình. Để đạt được mục tiêu trong cuộc sống, chúng ta cũng cần cải thiện các mối quan hệ xung quanh, đặc biệt là người thân trong gia đình, bằng cách quan sát, thấu hiểu và yêu thương họ đúng cách.

Bước 4: Đồng hành. Đây là bước để chúng ta đồng hành cùng những ước mơ, khao khát, mong muốn của bản thân, đồng hành cùng các thành viên trong gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe tâm trí, đồng hành cùng con để thúc đẩy ước mơ, khao khát của con.

Nghệ thuật giao tiếp ứng xử cơ bản để tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp

Con người tồn tại trong xã hội sẽ có sự giao tiếp với chính mình và giao tiếp với những người xung quanh. Sự giao tiếp này chính là yếu tố quan trọng tác động đến sức khỏe tâm trí của con người. Nếu chúng ta giao tiếp đúng, chính bạn và những người xung quanh sẽ có sức khỏe tâm trí tốt. Hơn nữa, chúng ta có thể tìm được những nguồn lực hưởng ứng và giúp bạn đạt được những mong muốn, ước mơ, khao khát của chính mình hoặc chúng ta hưởng ứng với ước mơ, khao khát của con để thúc đẩy con thành công trong cuộc sống.

Có 4 con đường chính để con người giao tiếp với nhau. Đó là lời nói, hành động, cảm xúc, suy nghĩ. Suy nghĩ của con người cũng tạo ra tần sóng và truyền đến người khác. Bởi vậy, nó cũng là một cách để con người giao tiếp với nhau. Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy có ai đó đang nhìn mình từ phía sau và nó khiến mình quay lại để xác thực cảm nhận của mình thì cũng bắt gặp ánh mắt đang nhìn mình thật.

4 con đường giao tiếp này sẽ được người khác hưởng ứng càng nhanh, càng nhạy khi mà người đó càng gần gũi và có cảm xúc với mình, đặc biệt là trong giao tiếp bằng cảm xúc và suy nghĩ. Theo đó, bên cạnh những người yêu thương nhau thì còn những người ghét nhau rất nhạy bén với cảm xúc, suy nghĩ của mình. Bởi người mình ghét luôn mang đến cho mình sự bận tâm, cảm xúc lớn khiến cho sự kết nối, cảm nhận dễ dàng hơn.

Bởi vậy, hãy thận trọng trong cách giao tiếp của mình về cả cảm xúc, suy nghĩ, lời nói, hành động với những người xung quanh mình, đặc biệt là người thân trong gia đình.

Hãy nhìn nhận, suy nghĩ hướng tới những điều tốt đẹp, tích cực về những người xung quanh. Khi chúng ta suy nghĩ tích cực thì tự nhiên cảm xúc, lời nói, hành động của bạn cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Những ý nghĩ tốt đẹp sẽ truyền đi năng lượng tích cực với những đối tác xung quanh để chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp với họ.

Giao tiếp rất quan trọng với đời sống con người, đặc biệt là với con cái. Những lời mà ta nói, ý mà ta nghĩ, hành động mà ta làm, cảm xúc mà chúng ta thể hiện đều là hạt giống gieo vào khu vườn tâm trí của con. Nhưng nó là hạt xấu hay hạt tốt, là hạt để phát triển thành cây, ra hoa thơm trái ngọt hay hạt của cây độc, hay là rác quăng vào khu vườn tâm trí của con phụ thuộc rất nhiều vào cách giao tiếp của cha mẹ.

Nghệ thuật giao tiếp ứng xử cơ bản để tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người là lời nói, hành động thể hiện chính xác điều mình mong muốn, thể hiện theo chiều hướng tới điều mình muốn và có nghĩa là tích cực. Sự giao tiếp nên có cảm xúc tích cực và hiện lên hình ảnh đẹp đẽ. Bởi vì, điều gì thường xuyên xuất hiện trong tâm trí của con người bằng hình ảnh và cảm xúc lớn thì dần dần con người sẽ có xu hướng mô phỏng những điều đó.

Ví dụ, khi con cầm một cốc nước nóng, mẹ nhìn thấy thường sẽ nói to: “cẩn thận không bỏng đấy, cẩn thận bị đổ nước vào người đấy”. Mẹ lo sợ con bị bỏng và điều đó là điều mà mẹ không muốn. Nhưng mẹ lại hướng tới điều mình không muốn, hướng tới nỗi sợ của mình. Khi đó, nếu con đã biết thế nào là nước nóng, thế nào là bỏng thì hình ảnh bị đổ nước nóng vào người sẽ hiện lên trong đầu con cùng với nỗi sợ. Còn nếu con chưa biết thì con sẽ tò mò. Bản năng của con người khi tò mò là tìm hiểu xem thế nào. Nhưng khi con tìm hiểu thế nào là nước nóng mà mẹ lại ngăn cấm con tìm hiểu thì con sẽ càng muốn tìm hiểu hơn. Từ đó, con có thể hình thành một mô thức hành vi là những điều gì mẹ ngăn cấm thì con sẽ càng làm nhiều hơn. Sau này khi con lớn lên, bố mẹ cấm những việc lớn thì con lại càng muốn làm.

Nếu chúng ta biết được nguyên nhân ở đâu thì chúng ta cần rèn luyện bản thân để sửa lỗi và bù đắp cho con nhiều hơn. Từ bé chúng ta đã được nuôi dạy, cài đặt cách giao tiếp không đúng là dọa, sử dụng nỗi sợ để ngăn chặn. Để thay đổi điều này không phải là dễ vì nó đã trở thành thói quen của mình rất lâu rồi. Nhưng khi chúng ta quyết tâm rèn luyện mỗi ngày, thói quen sẽ thay đổi. Trong khoa học tâm trí, nếu chúng ta rèn luyện một hành vi mới 108 ngày nó sẽ dễ dàng trở thành một thói quen của con người.

Theo đó, chúng ta cũng nên suy nghĩ theo ngôn từ tích cực để phát ra sóng tích cực. Suy nghĩ, cảm xúc của mình tích cực hơn thì người khác cảm nhận được sẽ dễ chịu hơn.

“Đừng mang năng lượng xấu về nhà, mọi thứ sau cánh cửa phải được trở về sự bình an thì chúng ta sẽ nuôi dưỡng tốt khu vườn tâm trí cho con. Nếu chúng ta không chịu khó làm sao chúng ta có được điều chúng ta muốn. Nếu chúng ta cứ làm theo cách vẫn thường làm thì chúng ta chỉ có được những thứ mà chúng ta đang có thôi. Muốn có thứ tốt đẹp hơn thì chúng ta phải làm những việc mà chúng ta thấy khó và phải chịu khó”, Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến chia sẻ.

Những chia sẻ từ Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến đã giúp chị em phụ nữ thấu hiểu được những ảnh hưởng vô hình mà cách giao tiếp mang lại cho sức khỏe tâm trí con người. Từ đó, có thể ứng dụng trong cuộc sống để chăm sóc cho chính mình và chăm sóc gia đình vượt qua đại dịch.

Xem thêm video Hội nghị nói chuyện cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội về chăm sóc gia đình vượt qua dịch bệnh: 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *