Hiệu ứng Dunning-Kruger: Bạn có đánh giá quá cao bản thân?

Bạn cảm thấy mình đầy kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó, có những kiến thức từ căn bản đến nâng cao và sẵn sàng bắt đầu vào việc. Tuy nhiên, khi thật sự bắt tay vào làm, bạn mới ngỡ ngàng và sốc nặng khi nhận ra bản thân chẳng biết gì. Trong trường hợp này, bạn đang chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger – hiệu ứng khiến chúng ta đánh giá năng lực bản thân cao hơn thực tế.

Hiệu ứng Dunning-Kruger là gì?

Hiệu ứng Dunning-Kruger là một hiệu ứng tâm lý thường gặp ở người. Hiệu ứng này xảy ra khi một người đánh giá quá cao năng lực của bản thân so với khả năng thực tế mà họ có. Những người có kiến thức và kỹ năng kém không có khả năng nhìn ra những khuyết điểm của bản thân. Do đó họ trở nên ngộ nhận, và cứ nghĩ rằng mình đã biết hết tất cả, trong khi thực tế họ chẳng biết gì.

hiệu ứng Dunning-Kruger
Hiệu ứng Dunning-Kruger rất dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống và ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và hành vi của chúng ta.

Hiệu ứng này cũng cho ta thấy một sự thật, kẻ ngốc không bao giờ thấy được sự ngu ngốc của họ. Đơn giản bởi vì lượng kiến thức mà họ có không đủ để nhận thức những sai lầm trong suy nghĩ và hành vi. Họ không đủ giỏi trong lĩnh vực của bản thân để biết mình sai ở đâu, đúng ở đâu, và cần bổ sung những gì. Do đó, họ rất tự tin với bản thân và thậm chí còn thể hiện sự tự tin đó với người khác.

Hiệu ứng Dunning-Kruger cũng ảnh hưởng đến những người tài giỏi trong một lĩnh vực nào đó, vì chúng khiến họ đánh giá thấp năng lực của chính mình. Chúng ta luôn có một số định kiến cố hữu về những vấn đề trong cuộc sống, và những định kiến này khiến ta đánh giá thấp thành quả bản thân đạt được. Vì bạn cho rằng bản thân không tài giỏi, nên bạn cảm thấy việc mình làm được thì ai cũng có thể làm được.

Những nhận định này được làm rõ dựa trên một nghiên cứu của hai nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger. Hai người đã giao cho các tình nguyện viên những bài kiểm tra về khiếu hài hước trong kỹ năng giao tiếp, khả năng suy luận logic, và khả năng diễn đạt qua ngôn ngữ. Sau đó, hai nhà tâm lý yêu cầu người tham gia đánh giá chính bản thân họ trong cuộc thí nghiệm, và cả hai đã thu được những kết quả thú vị.

Đa phần những người kém cỏi đánh giá bản thân cao hơn nhiều so với năng lực. Trong khi đó, những người có tài năng thật sự lại đánh giá bản thân thấp hơn so với sự thể hiện của mình. Họ cũng có xu hướng cho rằng khả năng của mình là bình thường, là điều nhiều người hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề hạ thấp bản thân này khá phổ biến trong cộng đồng, và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Cách hoạt động của hiệu ứng Dunning-Kruger

Có một điều cần nhớ trước khi đi vào cách hoạt động của hiệu ứng Dunning-Kruger là, những kẻ ngu ngốc được nhắc đến trong bài không phải là những người có IQ thấp. Họ có IQ hoàn toàn bình thường, chỉ là không đủ kiến thức và kỹ năng để nhận ra những sai lầm mình phạm phải. Nhưng yếu tố này sẽ được cải thiện theo thời gian nếu chịu trao dồi và rèn luyện thêm kiến thức.

hiệu ứng Dunning-Kruger
Biểu đồ chi tiết về quá trình phát triển của hiệu ứng Dunning-Kruger đến sự tự tin và nhận thức của con người.
  • Giai đoạn “Không biết gì” (Know-Nothing): Sự tự tin của một người bằng 0 khi họ không có bất cứ kiến thức gì về lĩnh vực đang bàn đến. Trong trường hợp này, họ sẽ tránh đề cập đến chúng và thể hiện rằng mình không có kiến thức chuyên môn.
  • Giai đoạn “Đỉnh cao thiếu hiểu biết” (Peak of Mount Stupid): Sự tự tin của chúng ta dần tăng lên khi bắt đầu có được một số lượng kiến thức nhất định. Những kiến thức này có thể là những kiến thức cơ bản, hoặc một số tri thức nâng cao. Việc thấu hiểu hoàn toàn từ căn bản của những kiến thức này cần thời gian và sự nghiên cứu chuyên sâu, nhưng chúng ta lại cho rằng bản thân đã nắm được toàn bộ. Đôi khi, những điều ta cho rằng đúng không hoàn toàn đúng, và ta chỉ nhận ra điều này khi tìm hiểu sâu hơn. Đỉnh điểm của giai đoạn đỉnh cao thiếu hiểu biết là khi ta đánh giá cao năng lực của bản thân hơn khả năng thực tế (hiệu ứng Dunning-Kruger).
  • Giai đoạn “Thung lũng thất vọng” (Valley of Despair): Sự tự tin của chúng ta giảm dần khi bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn và sâu hơn về một chủ đề nào đó. Ta phát hiện những gì mình từng cho là đúng chỉ là lớp vỏ bề mặt của vấn đề. Càng học ta lại càng thấy mình chẳng biết gì cả, và tri thức mà ta có nhỏ bé hơn rất nhiều so với kiến thức nhân loại. Lúc này, ta bắt hoài nghi vào năng lực của bản thân, và cảm thấy thất vọng.
  • Giai đoạn “Dốc nghiêng khai sáng” (Slope of Enlightenment): Sự tự tin trong giai đoạn này sẽ tăng dần trở lại nếu ta kiên trì tiếp tục bổ sung kiến thức. Chúng ta sẽ nhận ra mình đang thực sự tiếp thu kiến thức một cách đúng đắn và bài bản nhất, và ta tự tin mình có đủ hiểu biết để bàn luận và đi sâu vào một vấn đề nào đó. Đây là giai đoạn chúng ta không ngừng học hỏi và làm mới tri thức của bản thân.
  • Giai đoạn “Cao nguyên bền vững” (Plateau of Sustainability): Sự tự tin duy trì ở mức ổn định khi ta có đủ lượng kiến thức cần thiết, và liên tục cập nhật những kiến thức mới. Sự tự tin của chúng ta trong giai đoạn này sẽ không thay đổi quá nhiều, do đó nó được gọi là giai đoạn “bền vững”.

Ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger

Con người chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger nhiều hơn ta vẫn nghĩ. Và một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng này là do thiên kiến, hay định kiến mà chúng ta tự gán cho bản thân. Những định kiến cố hữu về việc “có thể” hay “không thể” ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin và động lực của con người. Từ đó điều khiển những quyết định và hành động của mỗi chúng ta.

hiệu ứng Dunning-Kruger
Những định kiến xã hội và cá nhân có ảnh hưởng nhất định đến cách chúng ta nhìn nhận giá trị của bản thân.

Cũng trong nghiên cứu của mình, Dunning và Ehrlinger phát hiện ra rằng, đàn ông và phụ nữ thể hiện khả năng ngang nhau trong bài kiểm tra. Tuy nhiên, đàn ông có xu hướng đánh giá khả năng của mình cao hơn người khác, trong khi phụ nữ lại đánh giá họ thấp hơn nam giới. Lý do cho nhận định này là do định kiến cố hữu về giới tính, những người phụ nữ tin rằng bẩm sinh thì tư duy của đàn ông luôn vượt trội hơn.

Đây là một trong những vấn đề đáng ghi nhận khi nhắc đến hiệu ứng Dunning-Kruger. Hiệu ứng này chịu ảnh hưởng không chỉ từ giới tính, mà còn là tuổi tác, thân phận, địa vị, và nhận thức cá nhân của mỗi người. Đặc biệt, những định kiến xã hội, hoặc những tư tưởng ăn sâu bén rễ trong văn hóa tại một số quốc gia, khiến con người không nhận thức được chính xác khả năng mà mình có.

Ngoài ra, lý do những người có thành tích kém cỏi luôn đánh giá bản thân mình tốt hơn cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một phần, họ không có đủ kiến thức để đánh giá trình độ kỹ năng và năng lực của bản thân. Do đó họ ảo tưởng mình biết rất nhiều, như kiểu ếch ngồi đáy giếng. Mặt khác, ngay từ đầu họ đã sống trong những lời khen ngợi và thổi phồng thái quá từ những người xung quanh.

Đây cũng là lý do khiến nhiều người cảm thấy thầy cô hay cấp trên không công bằng. Họ cảm thấy bài thi hay dự án của mình là tốt, là hoàn hảo nhưng lại không nhận được kết quả tương xứng với kỳ vọng. Những người thông minh sẽ nhận ra vấn đề và nhanh chóng tìm cách giải quyết. Nhưng kẻ ngu ngốc thì lại đánh giá cao khả năng của mình đến mức không nhìn ra những lỗi sai tồn tại.

Tuy nhiên, nếu vượt qua được giai đoạn tự đánh giá trình độ bản thân quá cao, biết cách nhận ra những khiếm khuyết của bản thân, và sự tài giỏi của người khác, những người thiếu hiểu biết và kém cỏi có thể thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn là một chuyên gia về lĩnh vực nào đó, bạn có hoàn toàn tự tin vào những điều mình biết hay không? Hãy xem hiệu ứng Dunning-Kruger ảnh hưởng ra sao.

hiệu ứng Dunning-Kruger
Nếu bạn là một chuyện gia, liệu bạn có tự tin rằng những điều mình nói là chính xác 100% mà không hề có sai sót nào.

Dunning và Kruger cũng đã tiến hành nhiều thí nghiệm và nhận ra rằng, những chuyên gia trong một lĩnh vực luôn có cái nhìn chính xác và khách quan hơn về khả năng của bản thân. Họ có thể xác định chính xác hơn năng lực tự thân nằm ở mức độ nào. Tuy nhiên, những chyên gia này cũng không tránh được việc đánh giá thấp thành quả của mình hơn bình thường khi so sánh với những chuyên gia khác.

Họ cho rằng thành quả của họ hơn mức trung bình, thậm chí là đạt mức rất tốt trong một số mặt. Nhưng chúng sẽ không quá vượt trội so với những người khác. Các chuyên gia nhận thức được kiến thức của mình ở trình độ nào. Nhưng trong suy nghĩ, họ vẫn cho rằng những người khác cũng có lượng kiến thức tương tự, và khả năng đôi bên ngang bằng nhau. Suy nghĩ này khiến họ vô tình đánh giá thấp tài năng và thành quả nghiên cứu của mình.

Suy nghĩ này có thể đến từ tính cách, hoặc nhận thức cố hữu của con người. Trên thực tế, rất ít người tài giỏi thật sự nghĩ bản thân vượt trội hơn nhiều so với những người khác. Do đó, họ có xu hướng cho rằng những chuyên gia sẽ có cùng một mức kiến thức nhất định, và có thể làm ra những thành quả tương tự nhau. Do đó họ sẽ có tâm lý lo lắng kiến thức của mình là sai lầm.

Cách vượt qua hiệu ứng Dunning-Kruge

Hiệu ứng Dunning-Kruger là một hiện tượng tâm lý rất dễ bắt gặp, và tất cả chúng ta ít nhất đều đã một lần trải qua ảnh hưởng của hiệu ứng này trong cuộc sống. Việc đánh giá khả năng của bản thân quá cao hay quá thấp đều ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, và cách ứng xử của bạn trong từng tình huống. Vậy, làm sao để tránh rơi vào hiệu ứng tâm lý này và có cái nhìn chính xác hơn?

  • Không ngừng tiếp thu kiến thức: Cách tốt nhất để tránh rơi vào hiệu ứng Dunning-Kruger là không ngừng bổ sung kiến thức chuyên ngành, cập nhật những kiến thức mới, và học hỏi từ những người xung quanh. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình đã biết hết tất cả, mà luôn có tinh thần cầu tiến, tìm kiếm những tri thức mới. Sự kiêu ngạo và tự tin thái quá là thứ giết chết tinh thần học hỏi của chúng ta. Vì thế dù bạn có phải là một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó hay không, đừng bao giờ ngừng học hỏi, và hãy luôn tâm niệm rằng bản thân vẫn chưa hiểu hết về mọi thứ.
Hiệu ứng Dunning-Kruge
Hãy không ngừng trau dồi bản thân để có thêm kiến thức, có thêm tự tin và đánh giá đúng khả năng của mình.
  • Nhận phản hồi từ người khác: Những nhận xét trái chiều rất khó nghe và khó chấp nhận, nhưng chúng lại là những ý kiến trung thực nhất giúp bạn nhận ra sai sót của bản thân. Bạn có thể yêu cầu những người xung quanh nhận xét trung thực về bài thi, kế hoạch, hay những thông ti mà bạn đưa ra. Bằng cách này, chúng ta có thể nghe được những phê bình mang tính xây dựng, và buộc bản thân nhìn thẳng vào thực tế. Bạn có thể thấy được người khác nhận xét ra sao về bản thân, và hãy tiếp thu những ý kiến mang tính tính xây dựng, loại bỏ những nhận xét ác ý.
  • Đừng nghĩ rằng bản thân đã biết: Có lẽ trong quá trình nghe nhận xét, bạn sẽ cho rằng có những điều bản thân đã biết, đã hiểu và có thể thay đổi. Nhưng thực tế, bạn vẫn chưa hiểu rõ mọi thứ và cần thời gian suy nghĩ nhiều hơn. Đừng bỏ qua những chi tiết dù là nhỏ nhất khi người khác nhận xét về bản thân, vì bạn có thể học hỏi rất nhiều từ chúng.

Tóm lại, hiệu ứng Dunning-Kruger có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá bản thân. Người kém cỏi sẽ cảm thấy bản thân giỏi hơn người khác, trong khi những người có tài lại không nhìn nhận đúng đắn tài năng của họ. Để thoát khỏi ảnh hưởng tâm lý này, chúng ta nên nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan, bớt đi cái tôi và lòng tự trọng cao, lắng nghe đánh giá từ người khác, và tự tin hơn vào bản thân.

Có thể bạn quan tâm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *