5 Đặc Điểm Tâm Lý Thường Gặp Ở Người Cao Tuổi

Thường hoài niệm về quá khứ, dễ tủi thân, dễ cáu gắt nhưng cũng dễ cảm thấy yếu đuối vì cô đơn là những đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi. Nếu không có người bên cạnh để động viên giúp đỡ kịp thời họ sẽ rất dễ gặp các vấn đề tâm lý khác như stress nặng hay trầm cảm. Gia đình nên dành thời gian chia sẻ, tâm sự cùng ông bà trong nhà nhiều hơn để giải tỏa những lo lắng, căng thẳng, buồn tủi trong tâm trí.

Đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi
Tâm lý người già rất dễ rơi vào khủng hoảng do những suy nghĩ tiêu cực của bản thân

5 Đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi cần biết

Nhiều người thường mặc định trong đầu rằng người già chỉ cần ở nhà chăm sóc nhà cửa, bế con bế cháu là cũng đủ vui rồi. Thực tế không phải vậy. Khi bước sang tuổi xế chiều, tâm sinh lý người già thay đổi rất nhiều, thậm chí có thể bước vào giai đoạn khủng hoảng. Cảm giác cô đơn, thấy bản thân mình vô dụng, không khí ngột ngạt khi chỉ ở trong nhà khiến người già rất dễ mắc phải các vấn đề tâm lý.

Cái người già cần không phải là tiền bạc bởi họ đang ở thời điểm được gọi là “gần đất xa trời”, có bao nhiêu tiền của cũng chả thể mang theo được. Cái họ cần chính là sự thấu hiểu, sẻ chia, gần gũi với các thành viên trong gia đình.  Hiểu về những đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi sẽ giúp gia đình, con cháu có hướng chăm sóc ông bà, cha mẹ tốt hơn.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Người già thường hoài niệm về quá khứ

Tuổi tác và sức khỏe đã gây ra rất nhiều hạn chế cho người già. Họ không thể xông xáo làm việc này việc kia, lao động một chút cũng cảm thấy mệt mỏi, thở nặng nhọc, khuôn mặt ngày càng xuất hiện nhiều nếp nhăn. Thời gian dư dả của người già khá nhiều khiến họ thường ngồi lại, hoài niệm về những gì đã quá. Nhớ về sự năng động bận rộn của bản thân khi còn trẻ, nhớ về vẻ đẹp tươi trẻ của mình ngày đó khiến họ cảm thấy buồn phiền khi nhìn thấy mình trong gương ở thời điểm hiện tại.

Bản thân những người trẻ chúng ta cũng thường hoài niệm về quá khứ, về những gì đã trải qua mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Quá khứ là một điều gì đó có thể làm chúng ta mỉm cười khi nhớ về nhưng nếu chỉ chìm đắm trong không gian của quá khứ sẽ khiến bản thân bị gò bó, không thoát ra được. Người già nghĩ về quá khứ khiến họ cảm thấy bản thân mình thất bại ở hiện tại và trở nên buồn chán, dễ tức giận với tất cả mọi thứ.

Một số đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi khi thường xuyên hoài niệm về quá khứ chính là thường đem ảnh cũ ra coi, thường ngồi mơ màng hay khi có con cháu trong nhà sẽ luôn kể những câu chuyện về “ngày xưa”. Có những người đêm đến khó ngủ và chỉ ngồi vắt tay lên trán, nghĩ về bản thân mình khi xưa.

Đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi – cảm thấy cô đơn, đơn độc

Tình trạng này dễ gặp ở những người già tuổi cao, có bệnh trong người nên bị hạn chế trong việc vận động, đi lại. Cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà trong khi tất cả mọi người đều bận rộn ra ngoài làm việc, con cháu thì đi học cả ngày khiến họ cảm thấy vô cùng cô đơn. Đặc biệt nếu người bạn đời không còn trên cuộc đời này thì việc ở lại một mình sẽ càng làm cảm giác cô độc xâm chiếm lấy trái tim của những người lớn tuổi.

Đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi
Người già luôn cảm thấy bản thân cô độc

Mặt khác cho dù có con cháu quan tâm nhưng khoảng cách giữa các thế hệ có thể khiến những người già khó tìm kiếm được sự đồng điệu trong tâm hồn. Họ luôn thấy bản thân cô đơn và lo sợ sẽ bị con cháu lãng quên. Ở những người già bị bệnh tật có thể cảm thấy rằng mọi người hắt hủi mình mặc dù sự thật không phải như thế. Sự tiêu cực đã bao trùm trong tâm trí khiến bản thân họ đánh giá các vấn đề một cách phiến diện hơn.

Thực tế thì việc cảm thấy cô đơn là đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi dễ gặp ở những người sống ở thành phố hơn. Ở vùng quê các gia đình thường sống san sát nhau, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, người già cũng thường qua lại hay chăm sóc vườn tược nên ít thấy cô đơn hơn. Trong khi đó những người già ở thành phố thường bị gò khó trong không gian nhà, chung cư, ít bạn bè đồng tuổi để chia sẻ nên dễ thấy cô độc hơn.

Người lớn tuổi thường dễ thấy tủi thân và bi quan

Một đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi có thể nhận thấy rõ ràng chính là họ cực dễ trở nên tủi thân và nhạy cảm với lời nói, câu từ hơn bình thường. Bản thân họ thường cho rằng mình vô dụng nên cũng nghĩ rằng mình là gánh nặng của con cháu, chính điều này đã khiến họ có những tâm lý tủi thân, bi quan, trở nên nhạy cảm quá mức và luôn để ý đến những lời nói của người khác. Một câu nói vô tình từ con cháu cũng khiến ông bà buồn cả ngày.

Điều ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi cần không phải là con cháu gửi tiền về biếu mà chính là sự quan tâm từ người thân. Họ cần có người trò chuyện, thấu hiểu chứ không cần tiền bởi thực tế họ cũng chẳng có nhu cầu mua sắm hay ăn tiêu gì nhiều. Nhìn cảnh những gia đình khác quây quần trong khi chỉ có một mình trong căn nhà trống, dù đầy đủ bao nhiêu cũng không thể khiến người già cảm thấy vui vẻ.

Ở những người già bị bệnh tật và gặp những vấn đề hạn chế về vận động sẽ cực kỳ trở nên bi quan. Mọi hoạt động thường ngày, kể cả việc sinh hoạt cá nhân đều phải cần có con cháu hỗ trợ khiến họ cảm thấy bất lực, xấu hổ. Không được làm những thứ mình muốn mà chỉ nằm một chỗ, nhìn mọi thứ trong vô vọng, hoài niệm về quá khứ chính là nguyên nhân gây trầm cảm ở người cao tuổi và khiến rất nhiều người kết thúc cuộc đời sớm.

Tâm lý người già còn rất bi quan, chẳng hạn khi thấy mình bỗng nhiên bị ốm họ có thể cho rằng mình sắp chết làm tinh thần trở nên căng thẳng, mệt mỏi. Mặc dù vậy, càng là người già thì càng khiến họ trở nên sợ đối mặt với cánh cửa sinh tử hơn. Các cụ có thể tìm cách lảng tránh hoặc cũng tìm cách thông báo, bàn việc chuẩn bị cho hậu sự của mình với con cháu.

Dễ cáu gắt và tức giận vô cớ vì những điều nhỏ nhặt

Đôi khi có những câu nói của con cháu dù không mang hàm ý nào khác, chỉ muốn chọc cho ông bà vui nhưng do tâm lý nhạy cảm nên người già có thể nghĩ rằng câu nói đó mang hàm ý kinh thường ông bà và đột nhiên tức giận. Bởi tâm lý tự ti và bi quan khiến họ nhìn nhận các vấn đề trở nên tiêu cực hơn, dễ tức giận vì những thứ nhỏ nhặt không đáng, hay hờn dỗi nên có thể gặp vướng mắc với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người trẻ.

Đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi
Người già cũng rất dễ giận dỗi nếu con cháu vô tình nói điều gì đó không đúng

Việc chuyển giao vị trí từ người chăm sóc sang người được chăm sóc khiến người lớn tuổi chưa kịp thích nghi và chấp nhận sự thật này. Họ lo lắng mọi người sẽ khinh thường mình nên dễ cáu gắt hơn, khó tính hơn, thích xét nét hơn để khẳng định được vai vế của mình. Khả năng kiềm chế của các cụ cũng thấp đi, trở nên tiêu cực hơn nên nếu con cháu làm một điều gì đó trái ý sẽ rất dễ xảy ra tranh cãi.

Tất nhiên không phải người già nào cũng mang đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi này. Thường các cụ nếu hay bị mất ngủ, khó ngủ, cơ thể đau nhức, chân tay ê ẩm nên sẽ dễ stress tức giận hơn. Những người già cô cảm thấy cô đơn cũng dễ cáu kỉnh hơn những người thường hay trò chuyện, tâm sự với người khác. Con cháu có thể cho rằng ông bà càng già càng cổ hủ, càng khó tính và ngày càng không muốn tiếp xúc hay trò chuyện cùng ông bà.

Đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi luôn sợ ốm đau, bệnh tật

Người già thường gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe như đau nhức xương khớp, bệnh tim, bệnh huyết áp, trí nhớ suy giảm, mắt mờ đi.. Cơ thể cũng thường xuyên bị đau nhức ê ẩm toàn thân, ăn uống cũng không còn ngon miệng do răng ngày càng yếu đi.

Ở cái tuổi “gần đất xa trời” không phải người nào cũng chấp nhận được việc mình đã già, chấp nhận được rằng ngày càng đến gần cái ngày mà họ không còn trên cõi đời này. Ngược lại họ còn sợ hãi cái chết, luôn ám ảnh về bệnh tật, lo lắng thái quá về các vấn đề về sức khỏe của bản thân.

Vì sao người già lại sợ chết? Có thể bởi sự tiếc nuối. Họ tiếc nuối việc chưa kịp nhìn con cháu lớn, lập gia đình. Họ tiếc nuối vì chưa kịp đến những vùng đất mình yêu thích, chưa kịp ăn những món ngon. Những dự định còn dang dở khiến họ không muốn đi đến cánh cửa cuối cùng của cuộc đời và luôn cố gắng lảng tránh tử thần.

Trong cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh có viết “Đời người tưởng chừng rất dài nhưng lại trôi qua rất nhanh, sinh vượng suy tử, mong manh như sóng nước.” Chỉ khi sống đến tuổi xế chiều, người ta mới nhận ra được điều này. Chính vì đã trải qua được những thăng trầm trong cuộc sống, những đắng cay ngọt bùi càng làm họ thấm thía hơn điều này và trở nên nuối tiếc hơn, sợ cái ngày phải ra đi hơn.

Làm thế nào để gần gũi hơn với người già?

Chính vì những đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi trên đã khiến rất nhiều người rơi vào giai đoạn khủng hoảng và gặp những rối loạn tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu bệnh tật .. Các vấn đề tâm lý ở người già thường rất khó phát hiện vì con cháu hay mặc định đấy chỉ là “bệnh người già” đồng thời kết hợp với sự khó tính của ông bà khiến nhiều người e ngại và không quan tâm đến đời sống tinh thần của người lớn tuổi.

Đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi
Gia đình nên khuyến khích ông bà tham gia các hoạt động bên ngoài, chẳng hạn như tập dưỡng sinh để nâng cao sức khỏe và tâm trí

Tuy nhiên, như đó nói, gia đình chính là “liều thuốc” tốt nhất cho tâm trí của những người lớn tuổi. Sự quan tâm chăm sóc từ con cháu khiến ông bà cảm thấy được an ủi, hạnh phúc, hạn chế được những suy nghĩ tiêu cực không đáng có. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những người có lối sống tích cực thưởng có tuổi thọ lâu hơn , ít bị bệnh tật hơn nên gia đình rất cần chú ý đến điều này.

Một số lưu ý để gia đình có thể chăm sóc và giúp ông bà luôn cảm thấy vui vẻ hơn như

  • Dành thời gian trò chuyện và chia sẻ với ông bà hằng ngày. Nếu đang cùng chung sống dưới một mái nhà thì bận rộn thế nào cũng nên dành thời gian cuối ngày để tâm sự, nói chuyện với ông bà. Nếu ở xa thì bạn có thể duy trì liên lạc với ông và thông qua gọi điện thoại hay gọi video call qua Facebook, zalo rất tiện lợi. Ngoài ra nếu có thời gian cũng nên về thăm và ăn cơm cùng ông bà, bố mẹ, điều này sẽ an ủi tinh thần họ rất nhiều.
  • Động viên ông bà tham gia các hoạt động giao lưu kết bạn. Không chỉ ở thành phố mà cả các quận huyện, thị xã hiện nay cũng đều có các hội nhóm sinh hoạt cho người cao tuổi. Bạn nên khuyến khích vận động ông bà tham gia sinh hoạt để kết bạn, có người trò chuyện cùng các hoạt động khác như ca múa nhạc để tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan
  • Hướng dẫn ông bà sử dụng mạng xã hội hay các thiết bị công nghệ, chẳng hạn như học cách lên youtube để nghe nhạc, xem phim cũng giúp ông bà cảm thấy bớt cô đơn hơn
  • Lắng nghe và chú trọng lời nói hơn khi nói chuyện với người lớn tuổi. Chẳng hạn dù ông bà đã kể đi kể lại một câu chuyện rất nhiều lần nhưng bạn không nên cắt ngang hay từ chối nghe mà hãy lắng nghe một cách thật chú tâm, tương tác lại câu chuyện của ông bà kể chắc chắn sẽ khiến họ cực kỳ vui vẻ
  • Tránh than vãn về các vấn đề sức khỏe hay chăm sóc ông bà trước mặt họ
  • Đăng ký hoặc khuyến khích, động viên ông bà luyện tập thể dục hằng ngày để nâng cao sức khỏe thể chất, tâm lý. Người lớn tuổi có thể tham gia các bộ môn như thiền hay dưỡng sinh có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như nâng cao chất lượng giấc ngủ, giảm đau nhức xương khớp hay ổn định huyết áp
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, có thể kết hợp thêm các dạng thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe cho người già.
  • Nếu phát hiện thấy người già có các vấn đề về tâm lý cũng có thể đưa ông bà đến gặp gỡ các chuyên gia tâm lý để được trò chuyện, tháo gỡ khúc mắc giúp tinh thần vui vẻ lạc quan hơn

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Trên đây là những đặc điểm tâm lý ở người cao tuổi thường gặp, hầu hết người già cũng thường đều trải qua giai đoạn khủng hoảng vì những suy nghĩ này. Gia đình cần dành sự quan tâm nhiều hơn đến ông bà, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự tri âm, biết ơn, trân trọng bởi những gì họ đã hy sinh để bạn có cuộc sống tốt như hiện nay.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *