[Công dân khuyến học] Tết xưa – Tết nay dưới góc nhìn của tâm lý trị liệu

Tết Nguyên Đán là nét đẹp văn hóa truyền thống từ xa xưa của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng cuộc sống hiện đại đã khiến Tết nay dần không giữ được như Tết xưa. Nhiều người sợ Tết, ghét Tết, coi Tết trở thành gánh nặng lo toan, sự phiền phức trong giao đãi.

Những nét đẹp truyền thống của Tết liệu có biến mất theo thời gian? Và làm thế nào để giá trị cốt lõi thiêng liêng của Tết được lưu truyền và tiếp nối mãi về sau? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến về chủ đề Tết xưa – Tết nay dưới góc nhìn của tâm lý trị liệu và cùng suy ngẫm nhé.

Tết xưa - Tết nay dưới góc nhìn của tâm lý trị liệu

Những điểm khác biệt giữa Tết xưa và Tết nay

Vạn vật luôn thay đổi là quy luật của tự nhiên và Tết cũng không nằm ngoài vòng quy luật ấy. Tết nay – Tết xưa đã khác nhau nhiều từ quan niệm về Tết đến cách thức đón Tết, từ những lễ nghi truyền thống đến những phong tục tập quán, cách ứng xử giao đãi, thăm hỏi sum họp và những trò chơi dân gian.

Tham gia Chuyên mục Công dân Podcast (Tạp chí Công dân & Khuyến học), số “Tết xưa – Tết nay”, Chuyên gia Tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến chia sẻ:

“Nhắc đến Tết xưa – Tết nay thì trước tiên, mốc thời gian cụ thể rằng như thế nào là xưa là một chuyện để đáng nói. Đối với Hải Yến thì trong quá trình mà Hải Yến lớn lên đã có những mốc thời gian, những quá trình với sự thay đổi của Tết.

Khi Hải Yến còn nhỏ, thời mà mình học cấp một thì Tết nó khác. Đến khi mình học cấp ba, Tết nó khác, đến lúc học đại học Tết cũng khác thêm rồi cho đến bây giờ, đến thời điểm ngày nay, Tết đã khác đi rất nhiều.”

Từ nhiều năm trước kia, các gia đình đến Tết sẽ đốt pháo giấy vào đêm ba mươi, sáng mùng một sáng mùng hai. Ít nhất trong 3 ngày đó, pháo sẽ nổ đùng đùng. Pháo giấy được treo lên một ngọn cây hoặc treo lên một vị trí nào đó cao cao phía trước cửa nhà rồi đốt. Chúng ta sẽ thấy rất nhiều “xác pháo” màu hồng hoặc màu đỏ nằm dưới sân nhà.

Tiếng pháo giấy là ký ức Tết luôn sống mãi trong hoài niệm của rất nhiều thế hệ.

Một thời gian sau đó, việc đốt pháo giấy xuất hiện những sự cố thiếu an toàn nên bị cấm rồi thay thế bằng pháo hoa. Theo chuyên gia Hải Yến, thời gian đầu pháo hoa xuất hiện ở thời bây giờ cũng được gọi là ngày xưa. Tất cả mọi người sẽ cùng hào hứng chờ đến thời khắc giao thừa để đi xem pháo hoa.

Và ngày đó cũng chưa có chuyện tường thuật trực tiếp trên truyền hình. Mọi người sẽ thu xếp, cố gắng, nhất là những bạn học sinh lớp mười hai, cấp ba hoặc những đôi nam thanh nữ tú, những người chưa bị vướng mắc vào gia đình hoặc việc thờ cúng đêm ba mươi sẽ đổ ra đường.

Người ở cả những huyện xung quanh cũng sẽ cùng đi lên thành phố lớn để xem pháo hoa. Địa điểm được lựa chọn bắn pháo hoa thường là nơi đại diện, đặc trưng của một tỉnh, thành phố nào đó. Nó có tính linh thiêng và có tính phù hợp với không gian để mọi người có thể quây quần lại.

Bên cạnh đó, Tết xưa cũng có một điều nữa rất hay liên quan đến việc sắm Tết. Vào những năm 95, 96, 97 bấy giờ so với bây giờ thì Tết sẽ nhiều bánh kẹo – những thứ mà không mua được dễ dàng như bây giờ và quần áo mới cũng như vậy. Mọi người, đặc biệt là trẻ con đều rất chờ mong đến Tết để có bánh có kẹo, có quần áo mới.

Trẻ con ngày xưa rất mong đến Tết vì được cha mẹ sắm sửa cho quần áo mới.

“Thế nhưng bây giờ, chúng ta thấy cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, bánh kẹo hay quần áo mới không nhất định phải chờ đến Tết nữa mà bất cứ khi nào cũng có thể mua sắm dễ dàng. Một số truyền thống cũng bắt đầu dịch chuyển thay đổi. Rồi thứ quan trọng nhất là tư duy và tâm lý của mọi người khi cận kề ngày Tết cũng thay đổi rất nhiều so với thời kỳ cách đây khoảng 25 – 30 năm. Điều này đã khiến cho cái hành vi của con người thay đổi theo.

Hải Yến đồng ý với ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều nhà nghiên cứu, đúng là có quá nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán đón Tết và cả tâm thế đón Tết của người Việt đã không giống trước nữa. Chính những khác biệt này đã làm xuất hiện một nỗi lo lớn trong suy nghĩ của không ít người là nỗi lo Tết bị mai một.” – Chuyên gia Hải Yến bày tỏ.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Tại sao có rất nhiều người hoài niệm về Tết xưa?

“Liệu ý nghĩa thực sự của Tết truyền thống có bị mai một hay không?” là một điều ám ảnh đối với các cô chú anh chị thuộc lứa tuổi trung niên. Rất nhiều người cảm thấy tiếc nuối cho những giá trị văn hóa thiêng liêng, tốt đẹp đã dần đổi thay và hoài niệm về Tết xưa. Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến:

“Họ cảm thấy lo ngại về sự mai một những giá trị truyền thống của Tết, cảm thấy không thoải mái vì họ đã nhìn thấy rằng các bạn trẻ không có cùng quan điểm với chính mình. Dưới góc độ chuyên môn, Hải Yến xác nhận đó là cái hiện tượng có thật và là hiện tượng chính đáng bởi vì theo khoa học tâm lý nghiên cứu, con người chúng ta sẽ cảm thấy an toàn với những gì chúng ta quen. Còn những gì mà chúng ta thấy lạ, chúng ta không quen thì chúng ta sẽ cảm thấy thiếu an toàn.

Không nói đến chuyện nó tốt hay xấu bởi vì tốt hay xấu là theo góc nhìn của mỗi người. Với quan điểm của các cô chú anh chị thuộc lứa tuổi trung niên thì họ có quan điểm về Tết truyền thống là phải có bữa cơm sum vầy, phải thắp hương đúng lễ nghĩa rồi việc gia đình thăm hỏi, việc làng xóm láng giềng, ông bà tổ tiên hay kể cả những câu chữ trong việc nói chuyện với nhau vào ngày Tết, cách chào hỏi người lớn.

Đặc biệt là việc lì xì, cách phản ứng của các con ngày nay, cách phản ứng của giới trẻ đã khác xưa kia với một số ứng xử không hay. Những việc này làm cho một bộ phận lớn thế hệ trung niên nhìn thấy rằng những nét truyền thống trong trái tim họ, trong tiềm thức của họ, cách mà ngày xưa họ hoan hỉ mong chờ cái ngày Tết bây giờ không còn nữa và họ cảm thấy tiếc nuối những ngày xưa ấy.”

Nhiều thế hệ bày tỏ sự tiếc nuối và buồn lòng bởi Tết xưa - Tết nay
Trẻ con ngày nay không phải cứ được lì xì là vui vẻ mà có những ứng xứ không hay.

Đó là tâm lý của họ, họ cảm thấy tiếc nuối những ngày như vậy nên họ muốn hướng con cháu – những người mà họ có thể tác động, ảnh hưởng đi theo hướng đó. Tuy nhiên, sự định hướng hoặc giao tiếp không có đủ sự khéo léo có thể tạo ra sự xung đột giữa những thế hệ và điều này cũng làm cho Tết thiếu vui đi.

Cách giáo dục người trẻ trong gia đình về những giá trị truyền thống của Tết

Nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ nỗi lo ngại rằng sau này, các bạn trẻ sẽ không biết rõ giá trị văn hóa truyền thống, không trở thành các truyền nhân văn hóa. Những giá trị văn hóa tốt đẹp ngàn đời vì vậy sẽ không được trao truyền lại cho thế hệ mai sau và làm xuất hiện sự đứt gãy giữa truyền thống với hiện đại. Trong khi văn hóa chính là thứ duy nhất còn lại sau khi mọi thứ đã mất đi.

Việc định hướng hay trao chuyền lại những giá trị văn hóa của Tết truyền thống cho người trẻ là thực sự cần thiết. Thế nhưng, khi cách định hướng, giao tiếp để trao chuyền không đủ khéo léo, không phù hợp thì xung đột và mâu thuẫn thế hệ sẽ xảy ra, kéo theo nhiều hệ lụy khác của cả những mối quan hệ.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Nhìn từ góc độ tâm lý trị liệu, chuyên gia Hải Yến chia sẻ:

“Trong gia đình hoặc bất kỳ ở nơi đâu, chúng ta chưa có được sự thấu hiểu nhau trong giao tiếp thì sẽ dẫn tới việc khó hòa hợp trong mối quan hệ. Khi ấy, chúng ta cần ngồi lại và đối thoại với nhau. Đồng thời, chúng ta cũng cần biết cách đặt mình vào vị trí của người khác, ví dụ như mình là con, mình là cháu, là các bạn trẻ ấy.

Ngược lại, nếu như mình là con cháu, mình cũng thử đặt bản thân vào vị trí của ông mình, bà mình, bố mẹ mình xem cuộc sống của họ đang diễn ra như thế nào. Nếu như trong tình huống này mình là họ thì mình sẽ ứng xử ra sao?

Đối với thế hệ ông bà, bố mẹ là những người đã có trải nghiệm nhiều hơn các bạn trẻ, hãy lắng mình một chút, thực sự thử đặt mình vào vị trí của các con, các cháu. Điều gì đã hình thành nên con người các con như vậy? Điều gì hình thành nên tư duy, xây dựng cho con những quan điểm như vậy?

Rõ ràng các con là sản phẩm của quá trình nuôi dưỡng và giáo dục. Chính gia đình cũng là một môi trường góp phần rất lớn vào việc hình thành nên nền tảng tư duy, suy nghĩ nhận thức, thậm chí là nhân phẩm của các con. Vậy nên, nếu mình muốn các con có quan điểm về Tết truyền thống giống mình thì ngay từ khi con còn bé, mình đã phải đồng hành cùng con”.  

Bên cạnh đó, mình là người lớn nên mình hãy làm mẫu. Ví dụ mẹ muốn vào dịp Tết, con cũng tham gia vào dọn dẹp nhà cửa, sẽ nấu những nồi nước thơm để xông nhà, để rửa mặt tắm gội… thì mẹ cũng cần làm. Trước khi làm, mẹ hãy giải thích ý nghĩa của hành động đó cho con, cùng con chuẩn bị và cùng làm, chứ không phải làm chuẩn bị xong xuôi rồi bảo con thực hiện theo tâm lý “phải làm”.

Nói cho con trẻ về ý nghĩa của bánh chưng, để con cùng làm để con hiểu hơn những giá trị truyền thống.

“Hãy làm thế nào để từ khi con còn rất nhỏ, khi con còn là một tờ giấy trắng, mình kéo con cùng mình làm những việc như thế. Còn nếu như mẹ hay bà quá tất bật với cuộc sống, làm cái gì cũng thật nhanh và tranh thủ làm lúc con chưa ở nhà thì khi con về, có sản phẩm rồi mới bảo con “bánh chưng đây con ăn đi”, “nước này con đi rửa mặt đi” hay cái này cái kia, các con sẽ cảm thấy không thoải mái vì không hiểu được ý nghĩa. Và chính bởi các con không hiểu được giá trị thực sự là như thế nào nên sẽ không trân quý”. – Chuyên gia Hải Yến phân tích.

Giáo dục cho con trẻ những giá trị truyền thống của Tết Nguyên Đán hay bất cứ điều gì khác trong cuộc sống cũng cần cả một quá trình rất dài. Trong quá trình đó, cha mẹ chính là những người đồng hành quan trọng từ khi các con còn rất rất nhỏ, khi mà con chỉ là một tờ giấy trắng tinh.

Trong trường hợp cha mẹ đã bỏ lỡ quá trình này để đến khi con lớn, thậm chí cháu bắt đầu lớn rồi mới thấy con trẻ khác mình quá nhiều thì hãy đặt mình vào vị trí của con cháu. Mình phải hiểu được con cháu trước và mình là người lớn thì mình cần phải làm trước, cần phải làm gương rồi sau đó dẫn dắt, đồng hành cùng con, khiến con tâm phục khẩu phục. Khi đôi bên đặt mình vào vị trí của nhau để quan sát, cảm nhận, sự dung hòa sẽ xuất hiện và sự hòa hợp mối quan hệ cũng tốt hơn.

Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến: “Hãy chỉ yêu cầu con làm được những việc mà con đã được dạy rồi, đừng yêu cầu con tự dưng phải biết cái này cái kia dù là từ những việc nhỏ nhất như việc quét nhà, lau nhà cho đến những việc lớn hơn trong cuộc sống thường ngày. Tình yêu thương con trẻ vô điều kiện là yêu thương không kỳ vọng, tôn trọng, đồng hành trước rồi mới đến dẫn dắt, dạy dỗ.”

Từ đó, việc chúng ta duy trì Tết Nguyên Đán hoàn toàn truyền thống hay có sự hiện đại hoặc Tết kết hợp giữa truyền thống với hiện đại sẽ không phải là vấn đề lớn nữa. Bởi lẽ khi tất cả mọi người cùng vui, có sự thấu hiểu những giá trị thì những nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ được trân trọng, lan tỏa và tiếp nối từ trong từng gia đình cho tới cả đất nước. Và như vậy, Tết xưa – Tết nay cũng không còn chứa đựng những đắn đo, những lo ngại hay tiếc nuối, hoài niệm. Tết vẫn luôn là Tết của dân tộc Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *