Tọa đàm chăm sóc sức khỏe hậu covid tại phường Phú Đô

Ngày 30/3/2022, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Phòng khám đa khoa Thuốc dân tộc tổ chức buổi tọa đàm nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe hậu Covid.

Chương trình nhận được sự quan tâm của ban lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, ban lãnh đạo phường Phú Đô cùng đông đảo người dân trên địa bàn tham dự. Phần lớn người dân tham dự chương trình là những người đã mắc Covid và rất quan tâm đến các giải pháp chăm sóc sức khỏe hậu Covid.

Đại diện Phòng khám đa khoa Thuốc dân tộc, Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Phương Ngọc – Trưởng khoa Nội đã chia sẻ đến người dân phường Phú Đô những thông tin liên quan đến Covid và chăm sóc sức khỏe hậu Covid dưới góc nhìn của y khoa. Những thông tin chính xác, cụ thể và bổ ích đã góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về dịch bệnh Covid, làm rõ những thông tin nghi ngờ hoặc không đúng đồng thời có phương pháp cụ thể (ăn uống, ngủ nghỉ…) để chăm sóc sức khỏe hậu Covid hiệu quả hơn.

Đại diện Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, chuyên gia tâm lý, Master Coach Dương Thị Thu Hà đã chia sẻ đến người dân những ảnh hưởng của Covid đến sức khỏe tinh thần của con người và các giải pháp để phục hồi sức khỏe tinh thần, hồi phục tâm lý.

Cơ thể và tâm trí (tâm hồn) của con người là một. Bởi vậy, bên cạnh việc chăm sóc thân thân thể, chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe tâm trí. Hậu Covid có thể khiến cho chúng ta gặp các vấn đề tâm trí như rối loạn giấc ngủ, đau đầu, không tập trung, hạn chế sự sáng tạo của mình trong công việc, giảm khả năng làm việc, người mệt mỏi, buồn chán…

Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi khi mắc covid và hậu covid có thể đến từ rất nhiều yếu tố: Cơ thể mệt mỏi khi mắc covid khiến cho tinh thần suy giảm, sự ra đi của người thân trong gia đình, ảnh hưởng của hậu Covid và những thông tin tiêu cực về hậu Covid tràn lan trên mạng xã hội, có bệnh nền, có nỗi sợ rằng mình bị bệnh nặng, có niềm tin giới hạn rằng mình không vượt qua được… Thông qua những tâm lý căng thẳng, lo sợ, suy nghĩ tiêu cực như vậy, covid gây ảnh hưởng đến giấc ngủ (mất ngủ, khó ngủ), khả năng làm việc, học tập và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Căng thẳng kéo dài khiến làm con người có những biểu hiện bất ổn về mặt tâm lý như: Dễ khóc, dễ cáu giận, sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, nghiện game, mạng xã hội… Lâu dần nếu những vấn đề này khoogn được giải quyết, bạn có thể bị rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm.

Để giải tỏa tâm lý hậu Covid, bạn có thể sử dụng các phương pháp đơn giản và gần gũi như: Tập thở, tập thiền, đi bộ, chạy bộ,… cộng thêm ăn uống đủ chất.

Về mặt sức khỏe tâm trí, chúng ta cần loại bỏ những cảm xúc tiêu cực (giận dữ, xấu hổ, buồn chán, thất vọng…), nỗi sợ (sợ mình gặp các biến chứng hậu covid như mất ngủ…), suy nghĩ tiêu cực, niềm tin giới hạn, thói quen xấu (uống quá nhiều rượu bia, thức khuya, nghiện điện thoại, dùng điện thoại xem những tin tiêu cực trước khi đi ngủ) đồng thời biết yêu thương, chăm sóc và trân trọng bản thân mình.

Tùy vào từng vấn đề, từng hoàn cảnh, từng con người, mình tìm ra phương pháp để cân bằng cảm xúc bên trong, giảm suy nghĩ tiêu cực cho chính mình như chia sẻ với người thân vấn đề mà mình đang lo lắng, đi chơi với bạn bè, nghỉ ngơi, xem phim hài, tránh xa những mối quan hệ độc hại, thông tin tiêu cực, sử dụng ngôn từ tích cực, hướng tới, ngôn từ ái ngữ trong giao tiếp hàng ngày, thể hiện tình yêu thương với người thân trong gia đình, không phán xét, không nói xấu, sống vô tư cho tinh thần thoải mái và hướng tới những điều tích cực mà mình mong muốn.

Bạn muốn trồng cây đau khổ hay cây hạnh phúc?

Mặc dù cuộc đời luôn có những điều không như ý đến với chúng ta nhưng chúng ta vẫn có thể sống bình an, hạnh phúc bằng việc nuôi dưỡng cây hạnh phúc bên trong mình bằng việc tận hưởng cuộc sống, sống vui vẻ, mãn nguyện với những gì mình có, chấp nhận những gì mình đang có để hướng tới tương lai, không phán xét, không kỳ vọng, yêu thương bản thân, sẵn sàng đón nhận con người, sự việc đến với cuộc đời mình, sống ở hiện tại 100% đừng nghĩ về những đau khổ trong quá khứ…

Khi được hỏi thế nào là yêu thương bản thân đúng cách, một người dân phường Phú Đô đã chia sẻ như sau: “Tôi sống đến tuổi 75-76 đã quý lắm rồi nhưng mình vẫn phải yêu thương mình, tự chăm lo cho mình bằng cách rèn luyện bản thân mình mỗi ngày, tự mình làm sao bớt cáu gắt, tạo không khí thật vui tươi trong gia đình, lúc nào cũng phấn khởi và nghĩ sống sao cho gia đình, các con được hạnh phúc, vui vẻ thì sức khỏe của mình nó tự tăng lên và bệnh tật giảm đi. Mình yêu thương mình thì con cháu cũng theo mình mà học tập. Mình yêu mình thì mình sẽ yêu mọi người mình. Bản thân mình phải yêu mình trước đã đi rồi hãy yêu yêu vợ con, con cháu, yêu gia đình… Đó là mới là một người yêu thương bản thân mình”.

Những chia sẻ của bác rất chân thật và đúng đắn có lẽ đã phần nào chạm đến vấn đề, chạm đến cảm xúc của những người bạn, những người hàng xóm, những người dân Phú Đô đang tham dự chương trình Tọa đàm. Thái độ sống tích cực, sự bình an của một người cao tuổi trong gia đình sẽ là một nguồn năng lượng tích cực để lây lan và ảnh hưởng tích cực đến những thành viên khác trong gia đình.

Đúng vậy, tâm trạng của bất kỳ một thành viên nào trong gia đình cũng có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng của các thành viên khác. Đặc biệt, người phụ nữ là phong thủy của gia đình, là người giữ lửa yêu thương trong gia đình, là sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình với nhau.

Bởi vậy, tâm trạng của người phụ nữ rất dễ ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình. Nếu họ vui vẻ, bình an thì nó cũng là một liều thuốc bổ miễn phí cho cả gia đình. Khi họ cười, những người đối diện họ cũng sẽ vui vẻ, bình an. Nhưng nếu họ về nhà với cảm xúc đầy tiêu cực (tức giận, ức chế, bực bội, khó chịu, ấm ức…) thì năng lượng tiêu cực sẽ tỏa ra xung quanh khiến những người thân trong gia đình cũng cảm nhận được và có những cảm xúc không thoải mái.

Hay đôi khi người phụ nữ chăm sóc cho cả gia đình nhưng đôi khi lại quên chăm sóc cho bản thân mình hoặc cứ mong cầu người khác cũng chăm sóc cho mình như vậy. Điều này khiến cho họ dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực mà người đầu tiên bị ảnh hưởng chính là họ.

“Hãy thôi trách móc, kỳ vọng vào người khác và hãy chăm sóc cho mình khi còn khỏe. Hãy yêu thương các thành viên trong gia đình một cách vô điều kiện, yêu thương mà không mong cầu, đòi hỏi người khác. Như vậy, bản thân mới vui vẻ, hạnh phúc được…”, chuyên gia Dương Thị Thu Hà chia sẻ.

Hiện tượng tâm trạng buồn bã, chán nản, mệt mỏi, căng thẳng, khó tập trung… sau covid cũng có thể do mất cân bằng, thiếu hụt các hóc môn hạnh phúc: Dopamine, Oxytocin, Serotonin, Endorphin. Nhưng điều vui nhất là cơ thể có thể tự sản sinh ra các hóc môn này khi chúng ta thực hiện một hoạt động nhất định. Đây cũng là một trong những giải pháp tự nhiên để chăm sóc sức khỏe hậu Covid tốt hơn.

Qua những chia sẻ về chăm sóc sức khỏe thân thể, tâm trí từ bác sĩ, chuyên gia, người dân đã phần nào hiểu được tầm quan trọng của tập thể dục hàng ngày, ăn uống ngủ nghỉ khoa học, giữ cho tinh thần luôn lạc quan, yêu đời để chúng ta khỏe mạnh hơn mỗi ngày về cả Tâm – Thân – Trí.

Xem thêm video về chương trình Tọa đàm chăm sóc sức khỏe hậu covid tại phường Phú Đô: 

 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *