Trầm cảm thể thao – Nguy cơ đối với vận động viên đỉnh cao

Trầm cảm thể thao thường có tỉ lệ cao gặp ở những vận động viên đang trong thời kỳ đỉnh cao do những nguyên nhân như chấn thương kéo dài, mất ngủ, áp lực từ dư luận hay do không có thời gian để nghỉ ngơi. Trạng thái tiêu cực, tuyệt vọng này kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sức khỏe, tinh thần và có thể nhanh chóng tuột khỏi danh vọng.

Trầm cảm thể thao là gì?

Thể thao vốn được đánh giá là một trong những bộ môn cực kỳ tốt cho cả thể chất và tinh thần, thậm chí trong việc điều trị các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay lo âu các chuyên gia cũng luôn chỉ định phải tập luyện thể dục hằng ngày. Nghiên cứu chỉ ra việc vận động hằng ngày vừa giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng mà còn tiết ra hormone dopamine và serotonin để tinh thần luôn tích cực.

Chính những lợi ích này mà nhiều người cho rằng những người tập thể dục thường xuyên như các vận động viên thể thao chắc hẳn sẽ luôn là người vui vẻ, năng lượng không thể bị trầm cảm. Thế nhưng thực tế không phải như vậy, trầm cảm là “kẻ sát thủ vô hình” không từ chối bất cứ ai, ngay cả với những người tưởng chừng có tinh thần và thể chất mạnh mẽ như các vận động viên.

Trầm cảm thể thao
Trầm cảm đã khiến tay vợt nữ đứng thứ 2 thế giới Naomi Osaka tụt phong độ nghiêm trọng

Trầm cảm thể thao đang là một trong những khái niệm rất được quan tâm gần đây. Hiểu một cách đơn giản, đây là là chứng trầm cảm xảy ra trên các vận động viên, người chơi thể thao. Tỷ lệ này gặp rất nhiều ở những vận động viên đang trong thời kỳ đỉnh cao danh vọng, ở thời điểm hoàng kim của sự nghiệp.

Trầm cảm xuất hiện khiến các vận động viên từ một người năng động trở nên u uất suốt cả ngày, không còn sự tự tin vào bản thân, không còn luyện tập mà mà chỉ luôn nhốt mình trong phòng. Sự nghiệp của những vận động viên có thể tụt dốc không phanh, thậm chí nhiều người còn sử dụng các chất kích thích không được phép để ổn định lại tinh thần khi thi đấu.

Thống kê của tạp chí chuyên về bóng đá Four Four Two 1 vào năm 2013 cho thấy có đến hơn 60% cầu thủ cho biết mình đã bị trầm cảm bởi những lời chê bai, mắng nhiếc của cổ động viên. Trước đó vào 2010, sự kiện  thủ môn tài năng Robert Enke của Hannover lái xe tự tử ngay thềm vòng chung kết World Cup 2010 sau 1 thời gian dài sống trong u uất cũng gây rúng động làng bóng đá suốt thời gian dài.

Một số cái tên nổi bật khác trong lĩnh vực thể thao cũng đã từng bị trầm cảm như

  • Tay vợt nữ đứng thứ 2 thế giới Naomi Osaka người Nhật Bản đã thừa nhận mình đang phải đấu tranh với căn bệnh trầm cảm 2018, điều này đã ảnh hưởng đến phong độ thi đấu và khiến cô thua cuộc trước đối thủ cách mình đến 40 thứ hạng
  • Simone Biles – vận động viên thể dục thể thao người Nga cũng từng gây bất ngờ khi tuyên bố rút lui khỏi  Olympic 20 bởi vì căng thẳng quá độ, tâm lý ổn định dù trước đó phong độ cực kỳ ổn định và là côn át chủ bài của đội tuyển Olympic Nga.
  • Vận động viên bơi lội huyền thoại Michael Phelps người Mỹ từng có một cú trượt dài trong sự nghiệp khi mà sau Olympic London 2012 anh đã bị trầm cảm nặng, sa vào rượu chè, lái xe quá tốc độ và có rất nhiều hành vi bất thường khác
  • Alexa Pappas – vận động viên chạy bộ huyền thoại người Hy Lạp cũng được chẩn đoán mắc trầm cảm thể thao mức độ nặng  và lựa chọn cách không ngừng “chạy” đến mức chấn thương nghiêm trọng, điều này đã làm cô từng có suy nghĩ đến việc tự sát
  • Nhà Vô địch Karate thế giới Nguyễn Thị Ngoan của Việt Nam cũng từng suýt phải giã từ sự nghiệp vì trầm cảm vào năm 2013
  • Huyền thoại bơi lội Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên cũng từng phải trải qua 3 tháng để điều trị trầm cảm trong những thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp

Những cái tên này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số những vận động viên bị trầm cảm thể thao. Rõ ràng khi đã là một vận động viên thì những căng thẳng, áp lực sẽ không thể tránh khỏi nhưng để tiến đến trầm cảm chắc chắn các trạng thái này đã diễn ra trong thời gian dài, ít nhất là 6 tháng nhưng không được giải tỏa nên mới sinh ra những trạng thái tiêu cực quá mức này.

Biểu hiện trầm cảm thể thao

Thực tế rõ ràng việc chơi thể thao để khỏe mạnh hoàn toàn khác biệt với việc thi đấu thể thao. Trong thi đấu, người chơi thể thao không chỉ bởi đam mê của chính mình mà còn “trình diễn” đam mê thay cho những người khác, được hàng nghìn, hàng triệu ánh mắt dõi theo, là niềm hy vọng của cả quốc gia, vì thế sẽ rất khó tránh khỏi những căng thẳng, áp lực, đặc biệt trong mỗi giải đấu.

Trầm cảm thể thao
Vận động viên dụng cụ Simone Biles đã bật khóc và rút lui ngay trong cuộc thi bởi tinh thần quá khủng hoảng

Các biểu hiện trầm cảm thể thao đôi khi có thể khó phán đoán hơn so với những người bình thường bị trầm cảm bởi vốn dĩ tinh thần của những người này mạnh mẽ hơn, việc họ căng thẳng thậm chí còn được cho là điều hiển nhiên. Cụ thể, một số biểu hiện đặc trưng thường gặp ở những vận động viên bị trầm cảm như

  • Mất ngủ, khó rủ, rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng
  • Thường xuyên lơ đãng, mất tập trung cả khi luyện tập và thi đấu dẫn tới những sai lầm không đáng có
  • Tinh thần u uất, mệt mỏi, lúc nào cũng trong trạng thái cạn kiệt năng lượng
  • Dễ cáu gắt, kích động, hành động một cách bộc phát, đặc biệt khi bản thân mắc sai lầm hay bị người khác chỉ trích vì những điều này
  • Có xu hướng tách biệt với mọi người, muốn luyện tập một mình, muốn ở một mình, không muốn nói chuyện với người khác, thiếu tính đồng đội, không thể kết nối với đồng đồng đội tốt như trước đây
  • Trầm cảm thể thao còn khiến các vận động viên đều có xu hướng tìm đến rượu bia, thậm chí là các chất kích thích không được phép để lấy lại tinh thần trước khi thi đấu
  • Không muốn thi đấu hoặc trở nên luyện tập quá đà, không quan tâm đến các kỹ thuật, sức khỏe nên có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng
  • Chán nản, tuyệt vọng, mất tự tin vào bản thân, cảm thấy mất hy vọng vào tương lai, luôn lo lắng rằng mình sẽ không thể làm được, không tìm được nguồn cảm hứng cho cuộc sống
  • Không thể đưa ra quyết định dù rất đơn giản
  • Có các hành vi tiêu cực để giải tỏa căng thẳng, chẳng hạn như đua xe, sử dụng sức lực quá mức..
  • Có những suy nghĩ đến việc tự sát và có thể thực hiện các hành vi này một cách đột ngột, đây là một trong những biểu hiện trầm cảm thể thao nặng

Hay như vận động viên bơi lội Michael Phelps đã chia sẻ, trong những giai đoạn trầm cảm, anh dường như không còn biết mình là ai, không biết mình đang làm gì, thậm chí cảm tưởng như bản thân là một cái máy đang bơi chứ không phải là con người. Các chuyên gia cho biết đây chính là biểu hiện của trầm cảm nặng bởi họ mất nhận thức về hiện thực, về chính bản thân mình.

Hay vận động viên Simone Biles cũng chia sẻ rằng, trầm cảm khiến cô cảm thấy không còn thích thú với bất cứ điều gì, thậm chí cảm giác như trong đầu luôn xuất hiện những ” con quỷ” đáng sợ; trí não và cơ thể dường như không còn là một thể thống nhất. Đây chính là lý do khiến cô cảm thấy rằng mình cần phải dừng lại, không thể tiếp tục thi đấu mặc dù bị rất nhiều người cho là ích kỷ.

Trầm cảm thể thao xuất phát từ nguyên nhân nào?

Có vô vàn áp lực đặt lên vai các vận động viên, đặc biệt là những người là bộ mặt của cả quốc gia đại diện đi thi đấu trên các đấu trường quốc tế. Là một vận động viên chắc chắn áp lực của họ không chỉ có một mà hay chỉ xuất hiện trong một thời điểm mà diễn ra trong thời gian dài, diễn ra từng ngày. Càng có thành tích tốt, càng nổi bật, càng là các môn thể thao được yêu thích thì những căng thẳng stress của các vận động viên này càng cao.

Theo các chuyên gia, một người khi luôn ở trong trạng thái vỏ não bị ức chế về tâm lý, tình cảm sẽ khiến cho các hành vi của họ dần trở nên thụ động hơn, tiêu cực hơn lâu ngày sẽ dẫn đến giai đoạn trầm cảm. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các vận động viên thể thao dễ rơi vào trầm cảm?

Áp lực về thành tích

Thành tích luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của các vận động viên và là kỳ vọng của cả đất nước. Không ai trở thành vận động viên chỉ để cho vui, để thỏa mãn ước mơ mà cũng mong rằng mình có thể đạt được một thành tích nào đó để chứng tỏ năng lực của bản thân, để được công nhận, để được cống hiến nhiều hơn.

Trầm cảm thể thao
Việc đặt nặng về thành tích khiến các vận động viên luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, đặc biệt trong mỗi trận thua

Áp lực về thành tích này không chỉ do bản thân họ đặt cho mình mà là của toàn xã hội, là của các vận động viên, của cả quốc gia đặt lên. Thành tích thể thao cũng là vấn đề thể hiện vị thế của các quốc gia trên bảng xếp hạng. Chẳng hạn như môn thể thao vua bóng đá, mỗi lần thi đấu với các quốc gia luôn nhận được sự quan tâm của cả nước và bất cứ ai cũng mong đội tuyển nước nhà đạt được thành tích tốt nhất.

Chính áp lực này đã khiến các vận động viên, nhất là những người đã có thành tích tốt trước đó cực kỳ căng thẳng và dễ rơi vào trầm cảm thể thao. Việc làm thế nào để duy trì được phong độ, sự khắt khe từ huấn luyện viên, áp lực về những thành tích phải đạt được từ cấp trên đề ra khiến những người này luôn lo lắng, căng thẳng cực độ.

Ngoài ra, áp lực thành tích của vận động viên cũng giống như áp lực đồng trang lứa của chúng ta. Khi thấy những đồng đội cùng thời với minh đều có những thành tích thể thao vượt trội, được mọi người công nhận nhưng mình vẫn lẹt đẹt ở vị trí ban đầu, không được ai chú ý đến cũng sẽ luôn cảm thấy tự ti, coi thường bản thân, tuyệt vọng nên dẫn đến trầm cảm.

Áp lực từ dư luận

Điều này cũng được thể hiện cực kỳ rõ ở bóng đá, khi mà các cầu thủ luôn phải hứng chịu áp lực lớn từ dư luận. Khi họ đạt được kết quả tốt, khắp nơi đều sẽ là những lời khen ngợi, tâng bốc, tự hào nhưng chỉ cần họ sai lầm 1 lần khiến kết quả đi xuống chắc chắn sẽ phải hứng chịu rất nhiều “gạch đá” từ dư luận, khắp các mặt báo toàn là những lời mắng nhiếc, bị người hâm mộ quay lưng trong tích tắc.

Đặc biệt trong thời kỳ hiện đại, khi mạng xã hội và internet phát triển cực kỳ mạnh mẽ, các vận động viên phải chịu “búa rìu” trên khắp mặt trận mạng xã hội từ những “anh hùng bàn phím”. Nhiều người dù không có chuyên môn nhưng vẫn luôn phân tích, moi móc các thông tin thiếu chính xác để “ném đá” các vận động viên sau mỗi lần thi đấu thua cuộc.

Những người đang ở đỉnh cao của danh vọng, đang được tất cả mọi người tung hô, đang sống trong những lời lẽ mật ngọt nhưng chỉ một sai phạm của họ lại khiến tất cả mọi người quay lưng và không ngừng chỉ trích sẽ khiến họ không khỏi sốc và hụt hẫng.  Bởi đã quá quen với những lời khen ngợi nên khi mọi việc không diễn ra thuận lợi khiến họ mất cân bằng về cảm xúc, sống trong tuyệt vọng nên mới dẫn tới trầm cảm.

Thực sự áp lực dư luận là một trong những yếu tố chính khiến rất nhiều vận động viên rơi vào trầm cảm thể thao. Đặc biệt càng những vận động viên nổi tiếng sẽ càng được quan tâm nhiều hơn, nhất cử nhất động của họ luôn được truyền thông, người hâm mộ chú ý khiến cuộc sống của họ cực kỳ thiếu tự do, luôn căng thẳng vì sợ bị theo dõi.

Cường độ tập luyện cao

Một trong những yếu tố sẽ giúp các vận động viên duy trì được phong độ chính là cần phải luyện tập thường xuyên, tuân thủ các chế độ gắt gao cả về ăn uống, luyện tập, ngủ nghỉ. Càng sát ngày thi đấu cường độ luyện tập càng tăng lên, bên cạnh việc tập luyện cùng đồng đội, huấn luyện viên nhiều người còn dành thời gian tập luyện riêng.

Trầm cảm thể thao
Càng sát ngày thi, các vận động viên càng không có thời gian để nghỉ ngơi

Cường độ luyện tập cao đồng thời khiến các vận động viên thậm chí không có thời gian ngủ, ăn uống không ngon, tinh thần luôn trong trạng thái căng thẳng tột độ. Với các vận động viên đang trong thời kỳ đỉnh cao càng phải cố gắng luyện tập hơn để không bị xuống phong độ, không làm mất kỳ vọng của người hâm mộ nên càng dễ rơi vào trầm cảm thể thao hơn.

Trầm cảm thể thao do những chấn thương

Đã là các vận động viên thể thao chắc chắn không thể tránh khỏi chấn thương trong lúc luyện tập hay thi đấu. Nhất là với những vận động viên của các bộ môn có tính đối kháng như bóng đá, bóng chuyền hay các bộ môn cần chú trọng về tốc độ như chạy điền kinh thì nguy cơ chấn thương lại càng rất cao kèm theo nguy cơ trầm cảm thể thao cũng tăng lên.

Trầm cảm thể thao
Chấn thương đã khiến nhiều vận động viên tụt mất tấm huy chương quá báu trong tầm tay

Chấn thương của vận động viên không chỉ đơn giản là vấn đề thể chất mà còn liên quan đến tình thần. Không chỉ đơn giản là những cơn đau đớn, khó khăn trong sinh hoạt mà còn bởi những hy vọng, mơ ước của họ bị gián đoạn, thậm chí nhiều người phải bỏ lỡ cơ hội chạm vào tấm huy chương danh giá chỉ bởi một chấn thương nhỏ.

Trong thể thao, chấn thương thậm chí có thể tước đi đam mê của một người nếu không thể phục hồi lại như cũ. Rất nhiều vận động viên dù đang trong thời kỳ đỉnh cao đã phải dã từ sự nghiệp chỉ bởi chấn thương. Sự tuyệt vọng, ấm ức, tiếc nuối vì chỉ cách ước mơ 1 bước chân đã khiến những vận động viên thể thao rơi vào trầm cảm và có rất nhiều hành vi tiêu cực khác.

Một số nguyên nhân khác

Trầm cảm thể thao bắt nguồn từ vô vàn các yếu tố khác mà chỉ có người trong cuộc mới thực sự hiểu được. Áp lực, kỳ vọng cũng chỉ là một phần bởi hầu hết các vận động viên đều phải quen với những điều này. Sự thiếu thốn trong sinh hoạt, tài chính, thiếu sự thấu hiểu và sẻ chia trong đời sống hằng ngày sẽ càng làm tăng thêm nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý ở vận động viên.

Cụ thể, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm thể thao như

  • Đời sống sinh hoạt thiếu thốn: nhiều vận động viên dù thi đấu cho quốc gia nhưng lại không được quan tâm đúng mực, có chất lượng đời sống kém, nhiều người phải chen chúc trong căn phòng nhỏ, thiếu sự hỗ trợ về cả mặt vật chất và tinh thần.
  • Tài chính khó khăn: một thực tế là hiện nay trừ các môn thể thao như bóng đá hay bóng chuyền thì việc hỗ trợ về tài chính cho các vận động viên vẫn còn rất hạn hẹp. Nhiều vận động viên ngoài giờ luyện tập thậm chí còn phải làm thêm ngoài giờ để để nuôi sống bản thân và gia đình. Điều này cũng khiến tinh thần của nhiều người trở nên mệt mỏi, chán chường, luôn nghĩ đến bỏ cuộc cho dù tình yêu của họ với thể thao là rất lớn.
  • Bất đồng với đồng đội hay huấn luyện viên: không hiểu ý đồng đội, tranh luận với huấn luyện viên cũng hoàn toàn là các yếu tố khiến cho các cầu thủ dễ rơi vào trầm cảm thể thao. Bởi các vận động viên thường cùng chung sống với nhau trong một môi trường riêng, ăn ngủ, tập luyện cùng nhau hằng ngày nên nếu có mâu thuẫn nhưng không sớm được giải quyết cũng hoàn toàn có thể dẫn tới những căng thẳng trong tâm trí và những cảm xúc tiêu cực.
  • Những ám ảnh tâm lý: không chỉ liên quan đến thể thao, rất nhiều vận động viên cũng bị trầm cảm do những ám ảnh tâm lý từ trước đó nhưng không được giải tỏa, chẳng hạn như những tai nạn, mất đi người thân hay thậm chí là lạm dụng tình dục.
  • Không được thi đấu: với các vận động viên, thể thao có thể là toàn bộ cuộc sống, toàn bộ tình yêu của họ nên khi mà họ cố gắng chăm chỉ luyện tập nhưng lại không được thi đấu cũng khiến nhiều người cảm thấy uất ức, chán nản, tự ti, tuyệt vọng hơn.

Trầm cảm thể thao và những hệ lụy khó lường

Trầm cảm luôn được xếp vào nhóm những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm bởi diễn biến của nó cực kỳ khó lường, tác động mạnh mẽ đến cả vấn đề thể chất lẫn tinh thần. Người mắc trầm cảm đồng thời còn tăng cao nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch, huyết áp, dạ dày, tiểu đường cùng hàng loạt vấn đề sức khỏe trầm trọng.

Trầm cảm thể thao
Trầm cảm thể thao đã khiến thủ môn đắt giá
Robert Enke đi đến con đường tiêu cực là tự sát

Hơn hết, trầm cảm có thể khiến những vận động viên mất hết niềm tin về chính bản thân mình, luôn có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực và đánh mất chính mình. Những hệ lụy không thể ngờ tới mà trầm cảm thể thao có thể gây ra như

  • Thường xuyên mất tập trung, phạm phải sai lầm khiến phong độ tụt dốc
  • Cơ thể suy nhược, thiếu sức sống, không đủ sức khỏe để tham gia thi đấu
  • Sử dụng các chất kích thích dẫn đến bị tước quyền thi đấu trong thời gian dài
  • Có các hành vi kích động bộc phát không thể kiềm chế, thậm chí tấn công đồng đội hay đối thủ, điều này cũng có nguy cơ cao bị truất quyền thi đấu
  • Tự gây nguy hiểm cho bản thân để giải tỏa cảm xúc bằng các giải pháp tiêu cực như luyện tập quá độ đến mức chấn thương, đua xe khi không tỉnh táo, sử dụng bạo lực..
  • Có suy nghĩ hoặc thực hiện các hành vi tự sát khi tinh thần cảm thấy quá bức bối đến mức không thể kiểm soát

Chẳng hạn như vận động viên điền kinh Alexa Pappas để giải tỏa những bức bối trong lòng đã lựa chọn việc chạy liên tục, chạy không ngưng nghỉ hơn 200km một tuần trong khi chỉ ngủ một vài tiếng mỗi ngày, điều này đã khiến cô chấn thương đùi nghiêm trọng. Hay cầu thủ Breno Borges thậm chí đã tự tay đốt ngôi biệt thự xa hoa của mình bởi trầm cảm vì không thể giải tỏa nỗi căng thẳng.

Sự ra đi của những vận động viên hàng đầu vì trầm cảm thể thao như  thủ môn Robert Enke của Hannover, tiền vệ Sebastian Deisler , vận động viên bóng chuyền Kim In Hyuk đã đánh lên một hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Vẫn có rất nhiều vận động viên đã và đang phải đấu tranh với căn bệnh này và rất cần được hỗ trợ nhanh chóng.

Trầm cảm thể thao làm thế nào để vượt qua?

Rất nhiều vận động viên sau khi rơi vào trầm cảm đã lựa chọn giã từ sự nghiệp mặc dù họ đang ở thời kỳ đỉnh cao để có thể nghỉ ngơi và khôi phục sức khỏe tinh thần. Chẳng hạn như vận động viên bơi lội Michael Phelps sau khi giải nghệ đã lựa chọn con đường làm một nhà diễn thuyết về sức khỏe tinh thần tại các  trường phổ thông Mỹ hay Alexa Pappas chuyển sang con đường viết sách.. Điều này chứng tỏ trầm cảm thể thao nếu sớm được điều trị hoàn toàn sẽ vượt qua được.

Vượt qua trầm cảm là điều không hề dễ dàng, tuy nhiên các vận động viên hoàn toàn có thể vận dụng thế mạnh của mình trong thể thao bởi vốn dĩ họ cũng thường có tinh thần, thể chất vốn khỏe mạnh hơn những người khác. Vậy các vận động viên cần phải làm gì?

Điều trị bằng thuốc

Để cải thiện tình trạng mất ngủ, căng thẳng quá mức hoặc hạn chế các hành vi quá khích có thể tự làm hại bản thân hay những người xung quanh. Tuy nhiên việc dùng các nhóm thuốc chống trầm cảm cho những vận động viên lại gặp phải hạn chế chính là nếu dùng không đúng loại, đúng liều có thể vi phạm các quy định về chống doping Thế giới (WADA) và không được phép thi đấu.

Trầm cảm thể thao
Thuốc trầm cảm có thể được chỉ định cho các vận động viên nhưng được kiểm soát rất gắt gao

Theo các chuyên gia, càng là vận động viên chuyên nghiệp thì việc dùng thuốc càng phải cẩn trọng hơn, cần có tính hệ thống để tránh các sự cố không mong muốn. Thậm chí một số loại thuốc còn làm ảnh hưởng đến chức năng vận động của các cầu thủ, chẳng hạn như  thuốc ức chế thụ thể dopamin, thuốc thuốc SSRI có thể gây ra hội chứng nằm không yên, run thứ cấp..

Do đó để điều trị trầm cảm thể thao cho các vận động viên bắt buộc cần có sự chỉ định bởi các bác sĩ có chuyên môn trong thể thao để để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất. Cũng chính bởi lý do này mà hầu hết trong các đội tuyển chuyên nghiệp đều có bác sĩ thể thao để xem xét và lựa chọn các nhóm thuốc phù hợp nhất.

Chăm sóc tâm lý

Như đã nói, việc dùng thuốc cho các bệnh nhân trầm cảm là vận động viên thể thao có thể gặp rất nhiều hạn chế, có thể ảnh hưởng đến một số vấn đề sức khỏe nên thường trị liệu tâm lý sẽ được khuyến khích nhiều hơn. Thực tế cũng có rất nhiều vận động viên thực sự đã vượt qua trầm cảm nhờ các biện pháp chăm sóc tâm lý mà không cần phải dùng đến thuốc hỗ trợ.

Các chuyên gia tâm lý có thể góp phần giúp rất nhiều vận động viên vượt qua khủng hoảng tinh thần về những trận thua, vì áp lực dư luận đang chĩa mũi dùi chỉ trích cùng hàng loạt các vấn đề khác. Nhà trị liệu sẽ giúp các vận động viên hiểu rằng việc thua cuộc không phải là lỗi của bản thân họ, không phải do họ kém cỏi và hướng bệnh nhân đến những nhìn nhận đúng đắn hơn.

Việc gỡ bỏ những gánh nặng tâm lý để các vận động viên có tinh thần thoải mái nhất khi thi đấu hay trong quá trình phục hồi về mặt cảm xúc cũng được hướng đến cho rất nhiều bệnh nhân trầm cảm thể thao. Tinh thần, ý chí mạnh mẽ của các vận động viên nhanh chóng được phục hồi giúp họ nhanh chóng trở lại đường đua danh vọng.

Thực tế thì hiện nay sức khỏe tinh thần của các vận động viên cũng đang rất được quan tâm, bằng chứng là các vận động viên quốc gia bắt đầu được gặp gỡ các chuyên gia tâm lý trước thềm các cuộc thi lớn. Nếu các vận động viên gặp các vấn đề về thể chất nào nghiêm trọng hay có các dấu hiệu bất thường trong tâm lý cũng sẽ nhanh chóng có các chuyên gia hỗ trợ kịp thời.

Các biện pháp tự hỗ trợ

Thuốc hay trị liệu tâm lý cũng chỉ là biện pháp hỗ trợ phần nào, không thể giúp người bệnh có thể loại bỏ hết những áp lực, những nỗi lo lắng của bản thân. Chính bản thân người bị trầm cảm phải tự tìm cách giúp đỡ chính mình vượt qua nỗi lo lắng này, chỉ khi đó người bệnh mới thực sự hiểu mình cần gì, mình muốn gì, từ đó không để trải nghiệm này quay lại lần nào nữa.

Trầm cảm thể thao
Vận động viên Michael Phelps sau một thời gian nghỉ ngơi bên cạnh gia đình đã lấy lại được tinh thần, ý chí, sự tích cực như ngày nào

Các chuyên gia khuyến khích các vận động viên nên dành thời gian nghỉ ngơi, tập luyện có khoa học, sinh sống cùng người thân và gia đình. Bên cạnh đó sự hỗ trợ và động viên tinh thần từ đồng đội, huấn luyện viên hay người hâm mộ cũng đóng vai trò quan trọng để vận động viên trầm cảm thể thao nhanh chóng hồi phục tâm trí và trở lại thi đấu nhanh chóng nhất.

Một số biện pháp có thể mang lại lợi ích cho các vận động viên bị trầm cảm trong quá trình phục hồi như

  • Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, luyện tập khoa học, tránh vận động quá độ
  • Hạn chế tiếp xúc với các thông tin tiêu cực, mang tính chất chỉ trích hay tấn công bản thân hay đồng đội. Vận động viên cũng chính là người của công chúng nên hãy học cách không cần quan tâm đến những vấn đề không đáng này
  • Yoga, thiền có thể giúp rèn luyện thân thể, đồng thời nâng cao chất lượng giấc ngủ, xoa dịu tâm trí cho người trầm cảm hiệu quả
  • Trầm cảm thể thao hoàn toàn có thể vượt qua nếu những người này có thể giải tỏa được nỗi căng thẳng của bản thân thông qua việc trò chuyện với bạn bè, người thân, huấn luyện viên hoặc những người đáng tin cậy
  • Tuyệt đối không được sử dụng bia rượu, thuốc lá hay bất cứ chất kích thích nào khác
  • Ngủ đủ 7- 8 tiếng mỗi ngày, không nên thức khuya để tinh thần luôn tỉnh táo và thoải mái
  • Tích cực điều trị với bác sĩ nếu có chấn thương để nhanh chóng tiến tới giai đoạn phục hồi
  • Xem xét điều chỉnh lại mục tiêu thi đấu để phù hợp với năng lực của bản thân, kể cả là bắt đầu lại từ đầu cũng không có gì là muộn. Chỉ cần bạn có quyết tâm, có cố gắng, luôn phấn đấu mỗi ngày thì không gì là không thể
  • Lắng nghe và tiếp thu những lời góp ý khách quan, đúng đắn, mang tính tích cực thay vì quá tập trung vào những lời chê bai thiếu văn hóa từ những người kém văn minh
  • Tham khảo các biện pháp giải tỏa tinh thần đơn giản như
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, tăng cường các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, tránh xa các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh hay đồ ăn chế biến nhiều lần

Rất nhiều vận động viên sau trầm cảm thành công vượt qua và trở thành người truyền cảm hứng, người viết sách chia sẻ về chính câu chuyện, hành trình của bản thân. Tất nhiên con đường này không hề dễ dàng như các vấn động viên vốn là những người có quyết tâm, có ý chí mạnh mẽ phi thường nên không có khó khăn nào mà họ không thể vượt qua.

Tỷ lệ trầm cảm thể thao hiện nay vẫn đang có xu hướng tăng lên đòi hỏi các đội tuyển hay các cơ quan ban ngành cần có biện pháp quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần cho các vận động viên. Đặt mục tiêu phù hợp, xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học kết hợp với thời gian giải trí phù hợp chính là những điều cần làm được cho các vận động viên hiện nay để phòng tránh tốt nhất nguy cơ này.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *