[THVL1] Mâu thuẫn tài chính trong hôn nhân – Lời khuyên hữu ích của chuyên gia

Dù là trước kia hay hiện tại, tài chính trong hôn nhân vẫn là vấn đề mà tất cả các cặp vợ chồng quan tâm, thậm chí còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mỗi gia đình. Thế nhưng làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn tài chính trong hôn nhân thế nào cho hòa hợp thì không phải ai cũng biết rõ.

Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến – Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.

Tham gia chương trình Câu chuyện cuộc sống số ngày 5/8/2022 của Đài Truyền hình Vĩnh Long 1 (THVL1), Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến đã có những chia sẻ khách quan và hữu ích về vấn đề này.

1. Mâu thuẫn tài chính trong gia đình bắt nguồn từ đâu?

Trong cuộc sống hiện đại nay, làm bất kỳ việc gì cũng phải dùng đến tiền. Tiền giúp chúng ta trang trải cuộc sống và cũng là một trong những phương tiện để thực hiện những điều chúng ta mong muốn. Tiền là một công cụ, là một chất bôi trơn để làm cho cuộc sống của mỗi người trở nên tuyệt vời hơn. Và tiền cũng là một thứ có khả năng kích thích, thúc đẩy để chúng ta bộc lộ ra cái rõ nét nhất trong bản thể của mỗi người.

Tuy nhiên, tiền bạc trong hôn nhân thì nhạy cảm và tế nhị hơn rất nhiều so với tiền bạc trong các mối quan hệ khác. Bất kể một vấn đề sinh hoạt nào đó trong gia đình đều cần sử dụng đến tiền nên câu chuyện tiền bạc xuất hiện giữa hai vợ chồng với tần suất thường xuyên, phát sinh gần như ở mọi vấn đề, mọi khía cạnh.

Điều khiến các cặp vợ chồng hay đau đầu nhất về vấn đề tài chính trong hôn nhân là việc chi tiêu như thế nào cho hợp lý với những công việc chung và được giữ lại bao nhiêu tiền để phù hợp cho nhu cầu, cho chi tiêu cá nhân của mỗi người. Điều này sẽ dẫn đến phát sinh những mâu thuẫn về tài chính trong gia đình.

Mâu thuẫn tài chính trong hôn nhân xuất phát từ quan điểm chi tiêu của đôi bên không giống nhau.

Vậy nhưng, đó chỉ là bề nổi của vấn đề chứ không phải nguyên nhân hay cội nguồn sâu xa. Theo Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến: “Bởi vì chúng ta có những quan điểm khác nhau giữa vợ với chồng trong việc quản lý tài chính gia đình, việc quản lý tài chính cá nhân, việc quản lý chi tiêu chung của gia đình nên mới xảy ra những mâu thuẫn”.

Mỗi gia đình sẽ có truyền thống hay cách giáo dục về ứng xử với các vấn đề trong cuộc sống khác nhau. Có những người được nuôi dạy rằng phụ nữ phải là người cầm hầu bao và quản lý tài chính trong nhà. Nhưng cũng có người được nuôi dưỡng rằng đàn ông mới là người nắm giữ tài chính gia đình, quản lý tiền bạc và giải quyết những công việc lớn, những công việc quan trọng.

Nếu hai con người được nuôi dưỡng ở hai môi trường khác nhau như vậy kết hôn với nhau thì rất dễ nảy sinh sự bất đồng về quan điểm tiền bạc. Khi chưa có con, mới kết hôn thì vấn đề chung cần giải quyết bằng tiền giữa vợ chồng với nhau sẽ ít hơn. Việc ai cầm lương của người ấy là chuyện bình thường vì chúng ta chưa có quá nhiều mối quan tâm chung.

Thế nhưng, nếu vợ chồng đặt mục tiêu chung là cùng nhau mua một căn nhà, cùng nhau mua một chiếc ô tô hoặc là cùng mua một cái gì đó lớn thì đôi bên sẽ bắt đầu phải góp vốn cùng nhau. Điển hình là khi có con chung. Hai vợ chồng cùng nuôi dưỡng, một người con, hai người con hay thậm chí là nhiều hơn thì mỗi người đều phải có những trách nhiệm nhất định của mình.

Khi đó, nếu như người này cảm thấy việc chi tiêu tài chính của người kia không hợp lý, không đúng với quan điểm tài chính của bản thân mình thì bắt đầu có những ý kiến. Đơn cử như khi con sinh ra, một người đề cao việc cho con dùng hàng ngoại, cảm thấy sữa ngoại mới là tốt nhất cho con nhưng người kia lại thấy không cần thiết mà cho rằng dùng sữa nội là được rồi.

Hai người đều cảm thấy không hài lòng về cách chi tiêu trong việc sắm sửa đồ dùng cho con và cảm thấy khó chịu rồi có thể bắt đầu nảy sinh bất mãn, mâu thuẫn với nhau. Bản chất của vấn đề này hay rất nhiều mâu thuẫn tài chính khác trong hôn nhân suy cho cùng đều là do sự bất đồng quan điểm, không có được sự đồng thuận hay nguyên tắc chung.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

2. Cảnh báo hệ lụy của mâu thuẫn tài chính trong gia đình

Bất kỳ mâu thuẫn nào cũng có thể dẫn đến sự rạn nứt. Khi vết rạn nứt quá lớn thì nó sẽ đứt gãy hoặc vụn vỡ. Mâu thuẫn tài chính trong hôn nhân cũng như vậy. Những mâu thuẫn nhỏ mà không được xử lý kịp thời và phù hợp sẽ trở thành những mâu thuẫn lớn, dấu hiệu rạn nứt hay vết nứt lớn hơn trong mối quan hệ của hai vợ chồng.

Khi những vết nứt này lớn dần lên mà chúng ta cũng không xử lý, không tìm cách chữa lành, hàn gắn thì có thể dẫn tới những đứt gãy trong mối quan hệ vợ chồng. Và chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến kết quả cuối cùng – kết quả tiêu cực nhất của mỗi cuộc hôn nhân chính là việc dừng lại mối quan hệ này, không đi cùng với nhau nữa.

Ở thời điểm hiện tại – thời điểm của kinh tế thị trường, bất kỳ hoạt động nào trong cuộc sống của chúng ta cũng đều phải dùng đến tiền. Ngay cả việc chúng ta đi làm hàng ngày cũng là để kiếm tiền và chi trả, trang trải cho mọi hoạt động, mọi nhu cầu trong đời sống sinh hoạt của bản thân hoặc gia đình.

Đối với vợ chồng, nếu như cả hai không giải quyết được mâu thuẫn, sự khác biệt hay những vấn đề khúc mắc không hòa hợp, không có sự đồng thuận trong tài chính thì bất kỳ một khoản chi tiêu nhỏ nào của đối phương cũng khiến cho mình cảm thấy không phù hợp, không hợp lý.

Ngược lại, khi mình chi tiêu bất kỳ khoản lớn nhỏ nào cũng gây ra tình trạng không đồng thuận với vợ hoặc chồng mình. Đối phương đưa ra ý kiến phản đối hay phê phán nặng nhẹ, cảm thấy khó chịu, mình cũng bị khó chịu. Hoặc khi mình chi tiêu, người ta khó chịu, mình cảm nhận sự khó chịu ấy, mình cũng khó chịu chứ không thoải mái gì.

Hơn thế nữa, chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến cũng chia sẻ về hệ quả nặng nề khác của mâu thuẫn tiền bạc trong hôn nhân rằng: “Nó không chỉ ảnh hưởng tới hai vợ chồng mà còn ảnh hưởng tới con trẻ trong gia đình mình nữa, làm cho các con bị tổn thương hoặc có những quan điểm sai lệch, sai lầm về tài chính, về tiền bạc. Các con sẽ có những thứ giống như niềm tin, tư duy, thậm chí là những đánh giá sai lệch về giá trị tiền bạc, ảnh hưởng tới cả ước mơ, tới lý tưởng và cách sống của các con sau này”.

Đó chính là một trong những điều quan trọng mà cha mẹ thực sự phải để ý, quan tâm và trăn trở để tìm ra những giải pháp cho những vấn đề tài chính của chính mình. Mục đích sau cùng không chỉ hướng về cuộc hôn nhân của cả hai mà còn là tương lai của những đứa trẻ vì mối quan hệ cha mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến con cái.

3. Cách giải quyết mâu thuẫn tài chính trong gia đình hiệu quả

Chuyện chúng ta lớn lên trong những môi trường khác nhau, được giáo dục khác nhau về tài chính dẫn tới những sự chưa đồng thuận hay những mâu thuẫn trong tài chính là chuyện bình thường. Cái chính cần quan tâm ở đây là làm thế nào để giải quyết những mâu thuẫn đó? Làm thế nào để vợ chồng có được tiếng nói chung về tiền bạc?

Một trong những chìa khóa hay bí kíp để quản trị tài chính gia đình chính là việc nói chuyện nghiêm túc với nhau về câu chuyện quản lý tài chính trong gia đình ngay từ khi còn rất sớm. Đó là khi hai người quyết định đi đến hôn nhân, đi đến chuyện cưới xin và về chung sống dưới một mái nhà.

Khi hai người cùng là một thể, cùng phải quản lý chung một quỹ tiền tệ thì cần có tiếng nói chung trong việc quản lý đó. Việc lập tức thuyết phục được nhau thực ra chưa dễ và để tạo thành một thói quen chi tiêu thì phải có thời gian.

Tốt nhất vợ chồng nên bàn bạc chuyện tiền nóng một cách thẳng thắn và với tâm thế xây dựng gia đình thêm hạnh phúc, sung túc.

Thông qua việc nghiên cứu về con người và kinh nghiệm tham vấn, trị liệu tâm lý cho khách hàng gặp rắc rối trong hôn nhân của các chuyên gia tại NHC Việt Nam, chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến tiếp tục chia sẻ: “Có một công thức gọi là 4B: Bạn – bàn – ban – bán mà chúng ta có thể sử dụng trong mối quan hệ vợ chồng và trong vấn đề tài chính. Hãy làm bạn với nhau, hãy ngồi xuống với nhau và đặt mình vào vị thế của người kia để cùng bàn bạc với nhau. Làm bạn để cùng bàn bạc với nhau, còn bàn bạc để ra được một nguyên tắc chung trong quản lý tài chính”.

Theo đó, việc đầu tiên cần làm để giải quyết mâu thuẫn tài chính vợ chồng, để vợ chồng có thể tiến đến giai đoạn có được tiếng nói chung về tiền bạc là hãy ngồi lại bàn bạc với nhau. Tâm thế bàn bạc như là những người bạn, không phải suy nghĩ “tôi là chồng, tôi có quyền” hay “tôi là vợ, tôi có quyền”.

Vợ chồng hãy thử làm bạn với nhau, bàn bạc với nhau để đưa ra được sự thống nhất về những nguyên tắc chung trong việc quản lý và sử dụng chung tiền bạc của hai vợ chồng. Hãy trao đổi xem cái gì là phần riêng, phần riêng sẽ được dùng như thế nào? Cái gì là phần chung và phần chung sẽ được dùng ra sao?

Sau khi bàn bạc với nhau ra và đưa ra được bản quy tắc chung về tài chính gia đình, chúng ta mới bắt đầu “ban”. Ban ở đây là gì? Hiểu đơn giản là sự cho đi trước, “ban” trước cho đối phương. Chẳng hạn như việc vợ nói với chồng rằng: “Trong điều khoản chi tiêu này, em thấy là sẽ có lợi hơn với anh khi viết như thế này”.

Việc “ban” trước cho đối phương là cách bản thân tự lùi 1 bước, tự thả lỏng một số nguyên tắc của mình để thấy dễ thở và nhận lại sự tôn trọng nhiều hơn từ chồng. Bởi lẽ khi nói và thể hiện thái độ như vậy, chồng cũng sẽ đáp lại bằng việc trao đổi, đề xuất lại những điều mà anh ấy thấy nó ổn hơn giúp cho vợ cảm thấy thoải mái hơn, được thấy tôn trọng hơn.

Và đến cái cuối cùng, sau khi đã làm bạn, bàn bạc với nhau và ban cho người ta trước những điều mà đối phương mong muốn thì mình mới “bán”. “Bán” là để mình đạt được mục tiêu của mình, đạt được điều mà mình muốn đề xuất sau cùng.

Cách bán có thể là việc bày tỏ “Em thấy điều này nên đơn giản đi một chút để cho anh thoải mái hơn”. Kế tiếp, hãy dẫn dắt cho đối phương chạm tới được mong muốn của bản thân rằng “Em thấy điều này có thể thay đổi thế này, thế kia bởi vì em cũng cần có thứ này, thứ kia”.

Từ đó, hai vợ chồng đã có một bản nguyên tắc trong quản lý tài chính chung của hai vợ chồng. Bản nguyên tắc này được xây dựng hoàn toàn là sự tự nguyện của hai bên trong sự cởi mở, sự thoải mái, sự hoan hỉ và cùng nhau nhìn về phía trước, nhìn về tương lai một cách tốt đẹp nhất.

Vợ chồng cùng ký kết vào đó như một bản thỏa thuận đầy thiêng liêng và tâm linh trong đó. Để về sau, hai người sẽ cùng làm theo những thỏa thuận tâm linh và thiêng liêng như vậy để hình thành 1 thói quen trong quản lý tài chính hôn nhân.

Hãy lấy nguyên tắc chung để áp dụng cho những việc từ nhỏ đến lớn trong chi tiêu. Nguyên tắc chung này chính là một công cụ, một giải pháp tuyệt vời để vợ chồng có được sự thuận lợi lâu dài, bền vững và thực sự giải quyết được gốc rễ vấn đề quản lý tài chính của hai vợ chồng.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Trong trường hợp vợ chồng đã có mâu thuẫn đâu đó về tài chính hôn nhân, Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến cũng gợi ý rằng: “Hãy chấp nhận mâu thuẫn đó với tâm thế hiểu rằng thói quen tài chính, quan điểm tài chính của anh ấy (cô ấy) được hình thành từ nền giáo dục, phong cách sống và công việc đã tạo nên bên trong anh ấy (cô ấy) một thế giới, một nhân sinh quan, một hệ quan điểm, giá trị và niềm tin khác biệt về tiền bạc với mình”.

Hai hệ quan điểm giá trị có sự khác nhau nên sẽ có xung đột. Nhưng hãy nghĩ xem bây giờ mình muốn gì trong gia đình này? Nếu muốn gia đình phát triển một cách hòa thuận, tốt đẹp thì làm thế nào? Giải pháp là gì để bản thân có thể hòa hợp được với cách chi tiêu của đối phương và hoàn cảnh gia đình?

Dựa trên những câu hỏi đó, hãy cùng đối phương ngồi lại với sự bình tĩnh và tâm thế cùng hướng tới một gia đình tuyệt vời, hoàn hảo ở mọi khía cạnh. Mục đích là để tìm ra cách gỡ những nút thắt trong quan điểm tài chính và cả những quan điểm khác chưa được đồng thuận trong hôn nhân.

Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến cho biết: “Bằng cách như vậy, chúng ta sẽ có được được cuộc hôn nhân hòa hợp và hoàn mỹ, tạo được môi trường để cho con trẻ được phát triển, được trưởng thành tuyệt vời nhất. Và đó cũng là môi trường để chính hai vợ chồng được sống một cuộc sống thành công, hạnh phúc trọn vẹn và được là chính mình, được tận hưởng cuộc sống”.

Giải quyết mâu thuẫn bình thường khiến chúng ta tiêu tốn cả thời gian lẫn công sức. Giải quyết mâu thuẫn tài chính trong hôn nhân còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Tuy nhiên, nếu thực sự hiểu được gốc rễ vấn đề và biết cách hòa hợp quan điểm, mâu thuẫn tiền bạc trong gia đình sẽ không còn quá đáng sợ. Mong rằng những chia sẻ từ Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến sẽ giúp ích cho bạn trong hành trình xây đắp hôn nhân hạnh phúc vẹn toàn.

Có thể bạn quan tâm:

[THVL1] Cân bằng giữa việc học và làm – Chuyên gia tâm lý chia sẻ
[Kênh 14] Giúp con gái đối diện với thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì
[VOV] Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến hỗ trợ sĩ tử bước vào mùa thi

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *