Tìm hiểu phương pháp chữa tự kỷ bằng tế bào gốc

Những năm gần đây, tại Việt Nam, các chuyên gia đã bắt đầu áp dụng phương pháp chữa tự kỷ bằng tế bào gốc. Thông thường, sẽ dùng tế bào đơn nhân được tách từ tủy xương của xương chậu bệnh nhân để truyền vào khoang tủy sống.

phương pháp chữa tự kỷ bằng tế bào gốc
Tìm hiểu phương pháp chữa tự kỷ bằng tế bào gốc

Hội chứng tự kỷ

Tự kỷ (autism) hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ ̣(viết tắt là ASD – autism spectrum disorder), đây là một thuật ngữ được sử dụng nhằm chỉ một nhóm những rối loạn phát triển thần kinh. Những đối tượng bị tự kỷ sẽ có hai dấu hiệu đặc trưng như sau:

  • Suy giảm hoặc hoàn toàn không có khả năng tương tác và giao tiếp với những người xung quanh. Họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bày tỏ, chia sẻ cảm xúc, sở thích, không có ngôn ngữ, không thể trao đổi qua lại, không có khả năng hoặc bị suy giảm ngôn ngữ cơ thể, không giao tiếp bằng ánh mắt,…
  • Có những hành vi, cử chỉ bất thường, hay lặp đi lặp lại những lời nói, âm thanh vô nghĩa, có sở thích hạn hẹp, thường chỉ quan tâm đến một hoặc một vài trò chơi, đồ vật, hoạt động nào đó.

Chứng tự kỷ thường sẽ khởi phát từ lúc nhỏ, chủ yếu là khoảng 3 năm đầu đời và kéo dài cho đến hết cuộc đời. Những trẻ bị tự kỷ sẽ thiếu hụt về khả năng học tập, kỹ năng sống, sự thích ứng và hòa nhập với xã hội vì thế trẻ thường không thể sống độc lập và luôn cần sự giúp đỡ của người khác. Hiện nay, tỷ lệ mắc phải căn bệnh này ở trẻ em càng bị gia tăng. Vào năm 2016, theo thống kê đến từ Mỹ thì tỷ lệ trẻ ở mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ khi 8 tuổi là khoảng 1/54 trẻ.

Sau nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được cụ thể nguyên nhân gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, một số khía cạnh đã được làm sáng tỏ, điển hình là gen và yếu tố môi trường. Theo thống kê nhận thấy có khoảng 20% các trẻ mắc chứng tự kỷ có xuất hiện các đột biến gen. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tự kỷ và đột biến gen hiện vẫn chưa được khẳng định rõ ràng.

Tìm hiểu phương pháp chữa tự kỷ bằng tế bào gốc

Khoảng sau năm 1991, trung tâm Emcell ở Kiev đã được thành lập với nhóm chuyên gia đầu tiên bao gồm Giáo Sư A.I. Smikodub và đồng sự thuộc Đại Học Y Khoa Ukraine nhằm mục đích áp dụng tế bào mầm từ thai nhi để điều trị cho một số căn bệnh như tiểu đường, tim mạch, viêm thấp khớp, HIV, chấn thương cột sống, rối loạn tâm thần, các bệnh về thoái hóa và kể cả bại não, tự kỷ,…

Theo các báo cáo chưa được kiểm chứng từ Emcell, họ đã tiếp nhận và trị liệu cho hơn 7.000 bệnh nhân bằng phương pháp ghép tế bào gốc và họ vẫn chưa ghi nhận bất kì trường hợp nào bị biến chứng nguy kịch hay nhiễm trùng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hoài nghi về kết quả “tích cực” này, bởi giới y học bên ngoài Ukraine cho rằng các kết quả báo cáo đều thiếu tính khách quan đến từ trung tâm nghiên cứu, phần lớn đều dựa vào những cảm nhận của bệnh nhân nên mức đáng tin cậy không cao.

Sau đó trên thế giới cũng đã có nhiều nghiên cứu về phương pháp này, mãi cho đến năm 2016 đề tài nghiên cứu do Vinmec hợp tác cùng Đại học Keele (Anh) và Đại học Stanford (Mỹ) đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. Sau thành tựu nghiên cứu ghép tế bào gốc để điều trị bại não, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec đã đột phá bởi công trình khoa học chữa tự kỷ bằng phương pháp tế bào gốc. Công trình này do GS -TS Nguyễn Thanh Liêm chủ trì và hiện đã được cấp phép chứng nhận của Hội đồng Đạo đức (Bộ Y tế). Ngoài ra, liệu pháp này cũng được đánh giá an toàn và là một bước mở đầu cho sự cải thiện tích cực đối với những tình trạng bị tự kỷ.

GS-TS Liêm cũng cho biết, hiện nay cơ chế gây ra chứng tự kỷ vẫn chưa được xác định rõ nhưng đã có một số khía cạnh được tìm ra. Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy, ở những trẻ bị tự kỷ, các kết nối thần kinh đến các vùng não không được bình thường. Các chuyên gia cũng tìm thấy chất “lạ” được tạo ra bởi tình trạng hoạt động quá mức của các tế bào miễn dịch gây độc đối với thần kinh. Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec cũng cho biết: “Đây là tiền đề quan trọng cho thấy liệu pháp tế bào gốc có thể giải quyết được vấn đề này”.

Khác với những nghiên cứu trước đây về phương pháp chữa tự kỷ bằng tế bào gốc, nghiên cứu của Vinmec có tính toàn diện hơn. Tình trạng bệnh nhân trước và sau quá trình điều trị cũng được đánh giá bởi các cán bộ giáo dục đặc biệt, những người này không phải là thành viên của nhóm nghiên cứu nên đảm bảo được tính khách quan của kết quả. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn thu thập đánh giá từ phụ huynh và giáo viên trực tiếp của trẻ để có được đánh giá đa chiều hơn. Ngoài ra, nghiên cứu này còn được tiến hành theo dõi trong suốt 18 tháng, thời gian dài nhất so với các nghiên cứu lúc trước, điều này cũng chứng minh được hiệu quả bệnh vững của phương pháp điều trị.

Kết quả nghiên cứu nhận thấy, sau quá trình ghép tế bào gốc tự thân từ tủy xương liều cao kết hợp với liệu pháp can thiệp giáo dục đã có khoảng 90% các trẻ bị tự kỷ có tiến bộ vượt bậc về nhận thức, kỹ năng sống, khả năng giao tiếp,…Trước khi ghép tế bào gốc thì chỉ có khoảng 47% trẻ có ngôn ngữ, tuy nhiên sau khi ghép tỷ lệ này đã tăng lên đến hơn 93%. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ bị rối loạn tăng động cũng được giảm 50%, số lượng các trẻ có thể tiếp tục đến trường mà không cần đến sự hỗ trợ đặc biệt cũng được gia tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, hiện nay hầu hết các trường hợp tìm đến phương pháp tế bào gốc đều đã chuyển biến nặng và gặp thất bại trong việc chữa bệnh bằng các phương pháp khác. Do đó, quá trình điều trị cũng chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn. Điều này cũng đang là trăn trở của các chuyên gia, vì thế các bậc phụ huynh nên sớm đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để nhận được tư vấn cụ thể, từ đó có thể lựa chọn được phương pháp cải thiện phù hợp.

Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về một số thông tin của phương pháp chữa tự kỷ bằng tế bào gốc. Hi vọng các bậc phụ huynh có thể sớm phát hiện được tình trạng bệnh của con để giúp trẻ được thăm khám và áp dụng sớm các phương pháp can thiệp phù hợp.

Bình luận (1)

  1. Vũ Hảo says: Trả lời

    Phương pháp chữa tự kỉ bằng tế bào gốc đã và đang áp dụng ở Việt Nam chưa ạ? Và ở bệnh viện nào đã thực hiện rồi ạ

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *