Bạo lực gia đình là gì? Nguyên nhân và hướng phòng chống
Bạo lực gia đình vẫn đang hiện diện trong cuộc sống và ngày càng trở nên phức tạp hơn với nhiều hình thức khác nhau. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân mà còn gây ra hậu quả đối với con trẻ và chính bản thân kẻ bạo hành. Để phòng, chống bạo lực hiệu quả, cần sự nỗ lực của cá nhân và các tổ chức, ban ngành.

Bạo lực gia đình là gì? Thực trạng hiện nay
Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Không chỉ riêng Việt Nam mà những quốc gia lân cận hay xa hơn là các nước Châu Âu, Châu Mỹ hay Châu Phi đều phải đối mặt với vấn nạn này. Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, bạo lực gia đình ngày càng “biến tướng” với những hành vi bạo lực vô cùng tinh vi. Thậm chí đến cả nạn nhân cũng không thể nhận thức được bản thân đang bị bạo hành.
Bạo lực gia đình đề cập đến tất cả các hành vi cố ý gây tổn thương thể chất, tinh thần và kinh tế đối với những thành viên trong gia đình (Theo điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007). Tuy nhiên, hầu hết mọi người chỉ nghĩ rằng bạo lực là hành vi gây tổn thương thể xác. Chính hiểu biết hạn chế đã khiến cho kẻ bạo hành có thể tiếp diễn hành vi bạo lực trong thời gian rất dài.
Gia đình được xem là tế bào của xã hội. Gia đình có hạnh phúc, ấm êm thì xã hội mới có thể phát triển thịnh vượng và tốt đẹp. Bạo lực gia đình chính là mầm mống đe dọa đến sự phát triển chung của xã hội nên cần phải ngăn chặn kịp thời và dứt điểm. Mặc dù nhà nước đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình nhưng tỷ lệ bạo hành vẫn không ngừng gia tăng.
Theo khảo sát trên 5000 phụ nữ của Tổng cục thống kê được tiến hành vào năm 2010 cho thấy:
- 54% nữ giới phải hứng chịu bạo hành tinh thần
- 32% phụ nữ bị bạo hành thể xác bởi bạn đời
- 10% phụ nữ từng bị bạo hành tình dục
- 5% phụ nữ bị bạo hành thể xác trong thời gian mang thai
- Khảo sát được thực hiện trên 5000 phụ nữ đã kết hôn
Ngoài ra, theo số liệu báo cáo của các địa phương, nước ta có khoảng 127.000 vụ bạo hành gia đình từ năm 2012 – 2016. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể nhiều hơn do không ít người chịu đựng bạo hành vì sợ điều tiếng và muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong 127.000 vụ bạo hành gia đình, đối tượng bạo hành chiếm 83.6% là nam giới.
Bạo hành gia đình không chỉ diễn ra ở mối quan hệ vợ – chồng mà còn xảy ra ở bố mẹ với con cái. Thậm chí nhiều trường hợp con cái bạo hành bố mẹ. Diễn biến phức tạp của vấn nạn này cho thấy công tác phòng chống bạo lực gia đình vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Biểu hiện của các dạng bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình không đơn thuần là hành vi gây tổn thương thể chất mà bao gồm cả những hành vi là tổn hại đến tinh thần và kinh tế. Hiện nay, bạo lực gia đình được chia thành 4 nhóm với biểu hiện hoàn toàn khác nhau.

1. Bạo lực thể chất
Bạo lực về thể chất là dạng bạo hành thường gặp nhất. Dạng bạo lực này đặc trưng bởi hành vi cố ý làm tổn thương đến thể chất hoặc xâm hại tính mạng của những thành viên trong gia đình. Bạo lực thể chất có thể xảy ra ở mối quan hệ vợ chồng, bố mẹ – con cái hoặc con cháu với ông bà.
Theo điều tra của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có khoảng 7.3% nữ giới từng bị chồng bạo hành thể chất. Con số này trên thực tế có thể cao hơn do tâm lý “xấu chàng hổ ai” của nhiều phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng có thể là nạn nhân của bạo hành thể chất. Mặc dù không có con số chính xác nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện không ít vụ việc trẻ bị bạo hành nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu nhận biết bạo lực thể xác trong gia đình:
- Cố ý thực hiện các hành vi gây tổn thương thể chất cho nạn nhân như đánh đập, tát, kéo giật, quăng ném, bóp cổ, tát,…
- Ngoài sử dụng tay chân, kẻ bạo hành còn dùng roi, cây gỗ hoặc thậm chí là dao, kéo để làm tổn thương thể chất của người khác.
- Một số kẻ bạo hành không trực tiếp đánh đập nạn nhân mà nhốt trong phòng kín, không cho ăn uống, nghỉ ngơi, không cho mặc quần áo để phải chịu đựng cái rét thấu da cắt thịt.
- Bắt ép nạn nhân phải lao động nặng nhọc, không phù hợp với độ tuổi dẫn đến tổn thương về tinh thần và thể chất.
- Hành vi đầu độc, cố ý khiến cho nạn nhân mắc bệnh cũng được xem là bạo lực gia đình.
Bạo lực về thể chất dễ nhận biết hơn so với những dạng bạo hành khác. Bởi trên cơ thể của nạn nhân sẽ xuất hiện các vết thương tích như vết bầm, vết máu,… Hơn nữa, với những hành vi bạo lực, nạn nhân có thể cảm nhận được nỗi đau một cách rất rõ ràng.
2. Bạo lực tinh thần
Bạo lực tinh thần trái ngược với bạo lực về thể chất. Đối với dạng bạo hành này, kẻ bạo hành hầu như không có các hành vi gây tổn thương thể chất cho nạn nhân mà thay vào đó sử dụng lời nói. Những lời nói nặng nề, mạt sát và đay nghiến sẽ khiến cho nạn nhân bị tổn thương. Tổn thương tâm lý không được thể hiện rõ như những vết thương ngoài da thịt. Chỉ có nạn nhân mới có thể thấu hiểu được nỗi đau, sự ngột ngạt và mệt mỏi bản thân đang phải đối mặt.
Bạo hành tinh thần thường xảy ra ở mối quan hệ vợ chồng và cha mẹ – con cái. Thực tế, không ít bậc phụ huynh luôn trách móc và mạt sát con cái với hy vọng trẻ sẽ chăm ngoan, không nhiễm thói hư tật xấu từ bạn bè. Tuy nhiên, trong bối cảnh quyền con người ngày càng được quan tâm như hiện nay, cách giáo dục này đã không còn phù hợp. Trẻ có thể bị trầm cảm, khủng hoảng tâm lý do bố mẹ liên tục chửi mắng và tạo áp lực.
Bên cạnh đó, bạo lực tinh thần cũng có thể xuất phát từ chính con cái. Nhiều người khi thấy cha mẹ già yếu đã không ngần ngại quát nạt và khinh thường. Thực trạng này cho thấy bạo lực gia đình đã len lỏi vào tất cả các mối quan hệ và đồng thời cũng cảnh báo tình trạng xuống cấp đạo đức trầm trọng.

Các biểu hiện đặc trưng của bạo lực tinh thần:
- Thường xuyên dùng những từ ngữ nặng nề để lăng mạ, mạt sát và chì chiết nạn nhân
- Ngăn cấm con cái hoặc bạn đời bằng những hành vi cực đoan như đe dọa, tự hủy hoại để gây áp lực tâm lý.
- Hành vi cố ý hủy hoại danh dự, nhân phẩm của những thành viên trong gia đình cũng được xem là bạo lực gia đình
- Nhiều người bắt ép bạn đời phải lột bỏ quần áo và không được mặc quần áo cho đến khi nhận ra sai lầm.
- Nhốt nạn nhân và cô lập không cho nạn nhân tiếp xúc với bất cứ ai
- Phớt lờ cảm xúc, vô tâm, đối xử lạnh nhạt nhằm cố ý gây áp lực và tổn thương tâm lý cho nạn nhân
- Theo dõi hành vi của bạn đời và ngăn cấm tất cả các mối quan hệ xã hội (dù đó là các mối quan hệ chính đáng)
- Ép buộc con cái kết hôn theo mong muốn, tảo hôn
Bạo hành tinh thần được chia thành nhiều dạng, trong đó phổ biến nhất là bạo hành bằng lời nói và bạo hành lạnh. Mặc dù các hành vi bạo hành này không gây ra tổn thương về mặt thể chất nhưng nạn nhân phải gánh chịu những hậu quả nặng nề không kém. Vì không để lại vết thương trên cơ thể nên nhiều nạn nhân không hề biết rằng bản thân đang bị bạo hành.
3. Bạo hành tình dục
Bạo hành tình dục rất ít khi được nhắc đến trong mối quan hệ gia đình. Bởi theo quan niệm của nhiều người, khi đã là vợ chồng chính thức, những hành vi ép buộc đối phương phải quan hệ là bình thường. Chính sự hiểu biết hạn hẹp này đã khiến cho vấn nạn bạo hành gia đình nói chung và bạo hành tình dục nói riêng vẫn không ngừng tiếp diễn.
Bạo lực tình dục là những hành vi, lời nói có tính chất đe dọa và ép buộc đối phương quan hệ tình dục. Ngay cả khi chưa xảy ra hoạt động tình dục, những hành vi này vẫn được xếp vào nhóm bạo lực gia đình. Bạo lực tình dục thường xảy ra ở vợ và chồng. Đa phần người chồng đều không thoải mái khi vợ từ chối gần gũi nên đã có hành vi ép buộc. Tuy nhiên, hành vi này là vi phạm pháp luật và sẽ phải nhận hình phạt tương ứng.

Các biểu hiện của bạo lực tình dục trong gia đình:
- Cưỡng bức
- Đe dọa, ép buộc hoặc khống chế nạn nhân quan hệ tình dục
- Sử dụng các dụng cụ gây tổn thương cơ quan sinh dục và gây đau đớn cho nạn nhân
- Cưỡng ép kết hôn hoặc ly hôn
- Hành vi bắt ép nạn nhân phải chứng kiến cảnh quan hệ tình dục cũng được xem là bạo hành
- Sử dụng những từ ngữ nặng nề, thô thiển khi quan hệ tình dục dẫn đến gây tổn thương tâm lý cho đối phương
Bạo hành tình dục là dạng bạo hành khó nhận biết. Bởi rất nhiều người cho rằng, những hành động này là bình thường và không vi phạm pháp luật. Với một đất nước bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quan niệm phong kiến như nước ta, việc có những suy nghĩ sai lệch là điều khó tránh khỏi. Do đó, để chấm dứt vấn nạn bạo hành gia đình, việc tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức là vô cùng cần thiết.
4. Bạo lực về tài chính
Bạo lực về tài chính/ bạo lực kinh tế là một trong những dạng bạo hành gia đình thường gặp. Dạng bạo hành này đặc trưng bởi hành vi kiểm soát, ép buộc và chiếm đoạt thu nhập mặc dù đối phương không đồng ý. Ngoài ra, bạo lực về tài chính còn bao gồm các hành vi tiêu xài phung phí, hủy hoại tài sản chung hoặc tài sản riêng của những thành viên khác.

Các hành vi nhận biết bạo lực về tài chính:
- Kiểm soát tài chính khiến đối phương phải phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân
- Tịch thu thu nhập, tài sản khi chưa có sự cho phép của các thành viên khác
- Cấm cản, không cho nạn nhân sử dụng tài sản chung
- Ngăn cấm nạn nhân không được sử dụng nguồn thu nhập của gia đình trong khi nạn nhân có đóng góp
- Bắt ép nạn nhân phải đóng góp thu nhập vượt quá khả năng
- Ép buộc nạn nhân phải làm việc quá sức để có thể đóng góp vào nguồn thu nhập chung của gia đình
- Cố ý hủy hoại tài sản riêng của những thành viên khác
- Sử dụng tài sản chung đề cầm cố, đầu tư và tiêu xài phung phí mà không thông báo hay hỏi ý kiến những thành viên khác trong gia đình
Bạo lực gia đình được thể hiện qua nhiều hành vi khác nhau. Nếu như trước đây, bạo lực chỉ được thể hiện qua lời nói và hành vi cố ý gây thương tích thì giờ đây, bạo lực được thể hiện một cách đa dạng hơn. Hiện nay, không ít người sử dụng bạo hành lạnh – tình trạng cố ý giữ sự im lặng để cô lập nạn nhân khiến nạn nhân bị bức bối và áp lực về mặt tinh thần. Diễn biến phức tạp của bạo hành gia đình khiến cho công tác phòng, chống gặp rất nhiều khó khăn và cản trở.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Theo điều tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, những gia đình xảy ra bạo lực thường thuộc tầng lớp thấp, kinh tế khó khăn, một trong hai vợ chồng bị nghiện rượu, nghiện chất hoặc bị rối loạn tâm thần.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến bạo lực gia đình:
1. Bất bình đẳng giới
Tư tưởng trọng nam khinh nữ tồn tại rất lâu từ thời kỳ phong kiến. Cho đến nay, tư tưởng này đã được xóa bỏ và thay vào đó là tư tưởng bình đẳng giới tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên trên thực tế, những quan niệm mang đậm màu sắc phong kiến vẫn đang tồn tại trong một số gia đình. Không khó để nhận thấy nhiều người vẫn còn giữ quan niệm chồng chúa – vợ tôi, trọng nam khinh nữ, gia trưởng,…
Trong nhiều gia đình, nam giới vẫn có tiếng nói và nhiều quyền lợi hơn so với nữ giới. Phụ nữ thường phải nhẫn nhịn để gia đình ấm êm, trong khi đó nam giới gần như không bị bó buộc bởi bất cứ định kiến gì. Đây cũng là lý do đối tượng bạo hành chủ yếu là nam giới và tỷ lệ nam giới ngoại tình cũng cao hơn so với nữ giới.

Dù muốn hay không, bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người và đây chính là gốc rễ của bạo lực gia đình. Tư tưởng này cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực tinh thần đối với con cái. Không ít người chì chiết, trách móc vợ và đứa trẻ chỉ vì sinh ra không đúng giới tính mà gia đình mong muốn.
Bất bình đẳng giới không chỉ là nguyên nhân gây bạo lực gia đình mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy và hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, để chấm dứt vấn nạn này, cần phải từng bước xóa bỏ những tư tưởng phong kiến và phổ cập cho người dân những tư tưởng tiến bộ, văn minh hơn.
2. Suy nghĩ (nhận thức) sai lệch
Một trong những lý do khiến cho bạo lực gia đình không ngừng gia tăng là do suy nghĩ sai lệch. Kẻ bạo hành luôn tự cho mình có nhiều quyền lợi hơn so với những thành viên khác nên ngang nhiên có các hành vi gây tổn thương thể chất, tinh thần của nạn nhân. Nạn nhân bạo hành (thường là phụ nữ) lại có suy nghĩ chịu đựng để gia đình ấm êm và hạnh phúc. Tuy nhiên, sự nhẫn nhịn lại chính là điều kiện thuận lợi để kẻ bạo hành lấn lướt và tiếp tục các hành vi bạo lực.
Suy nghĩ sai lệch về việc giáo dục con cái cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Không ít cha mẹ Việt cho rằng, phải đánh mắng thì con cái mới ngoan ngoãn và nghe lời. Tuy nhiên, con trẻ chưa đủ sâu sắc để thấu hiểu suy nghĩ của cha mẹ.
Khi bị đánh đập và chì chiết, điều duy nhất mà các con cảm nhận được là sự tủi thân, đau khổ và cô độc. Nếu không dành cho con những lời nói, hành động quan tâm, con trẻ khó mà cảm nhận được tình cảm từ gia đình.
Ngoài ra, suy nghĩ “Đèn nhà ai nấy rạng” của cộng đồng cũng chính là điều kiện thuận lợi khiến bạo hành gia đình tiếp tục gia tăng. Trong suy nghĩ của đại đa số, bạo lực là vấn đề riêng của mỗi gia đình, vì vậy không nên can thiệp. Tuy nhiên, sự thờ ơ và thiếu quan tâm đã khiến cho nạn nhân phải gánh chịu nỗi đau về thể chất, tinh thần dai dẳng.
3. Do các vấn đề về kinh tế
Bạo lực gia đình có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến những gia đình khó khăn về kinh tế. Liên tục đối mặt với các vấn đề tài chính khiến cả hai dễ nảy sinh mâu thuẫn, căng thẳng. Người tạo ra thu nhập chính thường xuyên có hành vi bạo lực, lời nói chì chiết và mạt sát để gây tổn thương đối phương.
Phụ nữ vì phải sinh nở, chăm sóc con cái và gia đình nên cơ hội phát triển sự nghiệp thường hạn chế hơn so với nam giới. Tuy nhiên, nhiều nam giới thiếu sự thấu hiểu và cho rằng bản thân là người tạo ra thu nhập nên có nhiều quyền lợi hơn.
Sự phân cấp về kinh tế khiến cho mâu thuẫn xuất hiện và trở nên sâu sắc hơn trong cuộc sống hôn nhân. Đây cũng là lý do nhiều nữ giới không từ bỏ công việc sau khi kết hôn. Thậm chí nhiều người quyết định không kết hôn và sinh con vì lo sợ sẽ phải đối mặt với bạo lực gia đình.
4. Do nghiện rượu, nghiện chất
Đa phần những gia đình xảy ra bạo lực đều có chồng/ vợ nghiện rượu bia hoặc chất kích thích. Ma túy và rượu bia ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tâm thần, làm mất đi sự tỉnh táo và minh mẫn. Thậm chí, nhiều người bị hoang tưởng do sử dụng bia rượu và chất kích thích, từ đó xuất hiện các hành vi bạo lực thể chất, tinh thần đối với những thành viên khác trong gia đình.

Nghiện rượu, nghiện chất còn có thể dẫn đến nghiện cờ bạc, bạo lực tình dục, bạo lực về kinh tế,… Nếu không có biện pháp can thiệp, đời sống hôn nhân sớm muộn sẽ đi vào ngõ cụt. Ngoài ra, trẻ sống trong gia đình có bố, mẹ nghiện rượu và thường xuyên xảy ra bạo lực sẽ khó có thể phát triển nhân cách lành mạnh.
5. Do tính cách, học vấn thấp
Bạo hành gia đình xảy ra chủ yếu ở những vùng nông thôn và miền núi do học vấn thấp. Vì không được phổ cập kiến thức về bình đẳng giới nên những người có học vấn thấp thường có các hành vi bạo lực với vợ con. Phụ nữ không được giáo dục về những tư tưởng tiến bộ gần như không có tinh thần đấu tranh, thay vào đó là chọn cách chịu đựng và nhẫn nhịn.
Trong khi đó, những người có học vấn cao ý thức được hành vi bạo lực và biết cách bảo vệ bản thân trước những hành vi sai trái của bạn đời. Ngày nay, những định kiến về việc ly hôn đã được xóa bỏ. Do đó, phần lớn mọi người đều không còn ngần ngại chấm dứt hôn nhân khi bạn đời liên tục có các hành vi bạo hành.
Trên thực tế, vẫn có rất nhiều người học vấn cao nhưng vẫn có hành vi bạo lực. Thậm chí, họ lợi dụng sự hiểu biết của bản thân để thao túng tâm lý đối phương, tìm mọi cách ép buộc và sai khiến đối phương theo ý muốn. Theo các chuyên gia tâm lý, tình trạng này thường bắt nguồn từ tính cách của mỗi người. Người có tính độc tài, gia trưởng, ích kỷ, thiếu sự đồng cảm và sẻ chia thường có các hành vi bạo lực đối với bạn đời, con cái.
6. Hiểu biết về luật pháp còn hạn chế
Một trong những nguyên nhân khiến cho bạo lực gia đình tiếp diễn không ngừng là do hiểu biết về luật pháp còn hạn chế. Các hành vi gây tổn thương thể chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đa phần mọi người đều không hề có hiểu biết về vấn đề này.
Thay vì tìm sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, nhiều người cho rằng bản thân phải nhẫn nhịn nếu muốn gia đình hạnh phúc và êm ấm. Ngày qua ngày, nạn nhân phải gánh chịu những hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần khiến cho sức khỏe và cuộc sống tuột dốc nhanh chóng. Hiện nay, nhà nước và các tổ chức đang nỗ lực trong việc nâng cao hiểu biết của người dân về luật pháp. Từ đó giúp nạn nhân bạo hành đứng lên đòi lại công bằng và khiến cho kẻ bạo hành phải chịu hình phạt thích đáng.
Bạo lực gia đình gây ra những hậu quả gì?
Bạo lực gia đình để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Không chỉ riêng nạn nhân mà cả chính kẻ bạo hành và những thành viên khác trong gia đình cũng phải đối mặt với những hậu quả nặng nề. Sự hiện diện của bạo lực trong mỗi gia đình cũng là rào cản cho sự phát triển văn minh và tiến bộ của xã hội.
Những hậu quả nặng nề của bạo lực gia đình bao gồm:
1. Đối với nạn nhân
Có thể nói, nạn nhân là người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất từ bạo lực gia đình. Hành vi bạo hành dù ở hình thức nào cũng đều để lại tổn thương sâu sắc và dai dẳng. Những hậu quả nạn nhân của bạo hành gia đình phải đối mặt bao gồm:

- Bị chấn thương, đau đớn về mặt thể chất
- Trường hợp nặng có thể bị khuyết tật hoặc thậm chí là tử vong
- Tinh thần suy sụp, áp lực, bức bối và căng thẳng cực độ
- Về lâu dài, nạn nhân trở nên mặc cảm, thiếu tự tin, trầm cảm và có thể dẫn đến hành vi tự sát
- Nữ giới bị chồng bạo hành có thể chai sạn cảm xúc, mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân
2. Hậu quả của bạo lực gia đình đối với con cái
Bạo lực gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển thể chất và tinh thần của con trẻ. Trẻ bị bạo hành sẽ phải đối mặt với tổn thương tâm lý suốt đời. Ngoài ra, con cái chứng kiến cảnh bạo lực, xung đột của bố mẹ cũng khó có thể phát triển một cách lành mạnh.
Hậu quả của bạo lực gia đình đối với trẻ em:
- Chậm phát triển thể chất
- Không thể tập trung hoàn toàn cho việc học, năng lực kém và tương lai mịt mù
- Hình thành tâm lý nhút nhát, tự ti, mặc cảm, lòng tự trọng thấp
- Mất đi sự hồn nhiên, vô tư, không thể vui chơi và học tập một cách lành mạnh
- Trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến cảnh bố/ mẹ bạo hành thường có xu hướng sống khép kín, ít giao tiếp
- Nhiều trẻ hình thành tâm lý chán nản, phá phách và chống đối do gia đình không hạnh phúc
- Trẻ khi lớn lên sẽ không có niềm tin vào tình yêu, hôn nhân và có thể sẽ lặp lại cách giáo dục sai lệch đối với con cái của mình
- Bạo lực gia đình khiến nhiều trẻ bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, rối loạn lo âu và nặng nề nhất là tự tìm đến cái chết để giải thoát bản thân
3. Đối với chính kẻ bạo hành
Nhiều người cho rằng, chỉ có nạn nhân mới gánh chịu hậu quả do bạo lực gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, kẻ bạo hành cũng phải gánh chịu không ít hậu quả.
Hậu quả kẻ bạo lực gia đình phải đối mặt:
- Đánh mất đi các mối quan hệ tốt đẹp như mối quan hệ với bạn đời, con cái, bố mẹ,…
- Phải đối mặt với hình phạt từ cơ quan chức năng
- Cuộc sống mất đi ý nghĩa, tinh thần bức bối, căng thẳng,…
- Dần dần, nhân cách bị thoái hóa và đánh mất những giá trị về đạo đức
4. Đối với gia đình
Bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân mà còn gây ra hậu quả với chính tổ ấm. Sự hiện diện của bạo lực sẽ dẫn đến những hậu quả sau đây:
- Gia đình tan vỡ, ly hôn, ly thân
- Tiêu tốn chi phí điều trị cho nạn nhân
- Thu nhập chung giảm do kẻ bạo hành và nạn nhân không thể tập trung hoàn toàn cho công việc
- Gây ra gánh nặng cho hai bên gia đình
5. Hậu quả của bạo lực gia đình đối với xã hội
Gia đình là một phần tử của xã hội. Gia đình hạnh phúc, văn minh thì xã hội mới có thể phát triển. Hành vi bạo lực của một gia đình sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với xã hội như giảm khả năng lao động, giảm thu nhập bình quân của mỗi cá nhân, tạo ra lực lượng lao động có năng lực kém, tinh thần yếu,… Ngoài ra, sự hiện diện của bạo lực gia đình sẽ kìm hãm xã hội phát triển văn minh và hiện đại.
Cách phòng chống bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình vẫn đang hiện diện trong cuộc sống mặc cho những nỗ lực của nhà nước và các ban ngành. Gốc rễ của vấn nạn này vẫn là nhận thức sai lệch và thiếu đúng đắn. Do đó, để chấm dứt nạn bạo lực gia đình, cần sự nỗ lực của các tổ chức xã hội và chính bản thân mỗi người.
1. Đối với nạn nhân
Nạn nhân bị bạo lực gia đình cần trang bị cho bản thân các kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực. Ngoài ra, cần thay đổi suy nghĩ để có thể tự mình thoát khỏi vũng lầy hôn nhân và có thêm cơ hội để tận hưởng cuộc sống.

Các biện pháp ngăn chặn, xử lý bạo hành gia đình dành cho nạn nhân:
- Chủ động tìm sự giúp đỡ từ hàng xóm và chính quyền khi bị bạn đời bạo hành thường xuyên.
- Nên phòng một chiếc điện thoại để có thể liên lạc với mọi người trong trường hợp bị nhốt và cô lập trong phòng. Ngoài ra, nên lưu lại số điện thoại của công an địa phương để được hỗ trợ kịp thời nếu đối phương có các hành vi đe dọa đến tính mạng.
- Nên chuẩn bị sẵn một khoản tiền để sử dụng khi cần thiết.
- Khi bạn đời nóng giận hoặc say xỉn, cách tốt nhất là im lặng để tránh mâu thuẫn xảy ra. Đối phương có thể nói những lời vô lý và nhục mạ. Tuy nhiên, việc tranh cãi ở thời điểm này không phải là giải pháp phù hợp. Vì vậy, hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách giữ im lặng và lựa chọn lời nói phù hợp.
- Ghi lại tất cả bằng chứng bạo hành của đối phương để sử dụng khi cần thiết.
- Nếu đối phương đã bị xử phạt về hành vi bạo lực, nên chung tay cùng với chính quyền giúp đỡ đối phương thay đổi tâm tính. Bởi trong nhiều trường hợp, đối phương bị ảnh hưởng bởi bạn bè, rượu bia và gặp phải cú sốc tâm lý nên mới xảy ra các hành vi bạo lực. Nếu được hỗ trợ, đối phương có thể thay đổi tính cách và học cách hòa hợp, tôn trọng các thành viên trong gia đình.
- Trong trường hợp không thể cứu vãn, nên chủ động yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên, trước khi đề cập vấn đề này với đối phương, hãy chắc chắn bạn đang giao toàn bộ bằng chứng cho luật sư và sắp xếp nơi ở ổn định cho cả con cái để tránh hành vi bạo hành.
- Cuối cùng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý để chữa lành tổn thương và có một tinh thần ổn định để bắt đầu cuộc sống mới.
2. Đối với các tổ chức xã hội
Các tổ chức xã hội cũng cần nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ khi bạo lực chấm dứt, trẻ em mới có thể phát triển lành mạnh và bản thân mỗi người mới tập trung hoàn toàn cho công việc cũng như cuộc sống.
Giải pháp phòng chống bạo lực gia đình đối với các tổ chức xã hội:
- Nâng cao ý thức của mọi người về phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, nên phổ cập kiến thức về luật bảo vệ gia đình và bình đẳng giới để xóa bỏ hoàn toàn những tư tưởng lạc hậu.
- Làm tốt công tác hóa giải xung đột, mâu thuẫn để tránh dẫn đến bạo lực và rạn nứt.
- Đẩy mạnh phong trào gia đình văn hóa, quan tâm hơn đến hoàn cảnh của mỗi gia đình. Ngoài ra, cần can thiệp ngay khi xuất hiện bạo hành.
- Xử lý triệt để các vấn nạn có thể dẫn đến bạo lực gia đình như nghiện cờ bạc, rượu bia, nghiện chất,…
- Xử phạt nghiêm những người có hành vi bạo lực gia đình để làm gương cho những người khác. Có như vậy, mọi người mới ý thức rõ ràng về việc hành vi bạo lực gia đình là làm trái với luật pháp và không phù hợp với chuẩn mực đạo đức.
- Thiết lập đường dây nóng để nạn nhân bạo hành có thể tìm kiếm sự hỗ trợ nhanh chóng nhất.
Bạo lực gia đình vẫn đang là vấn nạn lớn mà xã hội phải đối mặt. Để xóa bỏ vấn nạn này, cần sự nỗ lực của các ban ngành, tổ chức và từ chính bản thân mỗi người. Thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết về luật pháp và bình đẳng giới sẽ giúp bạn tự biết cách bảo vệ bản thân. Đồng thời nhận biết và kịp thời tố giác các hành vi bạo lực gia đình đang hiện diện.
Tham khảo thêm:
Cho em hỏi bị bạo hành tinh thần , bị mạt sát , dùng những từ ngữ nặng nề , bị kiểm soát từ mẹ của mình . Bây giờ em 31t em muốn thoát khỏi gia đình . Giờ em tới mức trầm cảm muốn tự sát , nay tỉnh xíu . Nay em giải quyết như thế nào , khi nói chuyện thì gd ko lắng nghe . Em ở tp.hcm có thể hỗ trợ được ko ạ?
Chào bạn, cảm ơn những chia sẻ của bạn. Trung tâm sẽ gửi thông tin phản hồi về email cho bạn. Nếu bạn cần gấp, bạn có thể gọi cho chúng tôi theo hotline: 096 589 8008 hoặc để lại tin nhắn tại đây: https://tamlytrilieunhc.com/dat-lich-hen Chúc bạn cuối tuần tốt lành!