Tổng kết Trị liệu nhóm trực tiếp TP Hồ Chí Minh số 16: Làm thế nào để con trở thành người trung thực?

Buổi Trị liệu nhóm trực tiếp tại Hồ Chí Minh số 16 với chủ đề “Làm thế nào để con trở thành người trung thực” được thực hiện bởi Chuyên gia Tâm lý trị liệu, Master Coach Phạm Thị Bình đã giúp khách hàng tham gia biết được cách để nuôi dưỡng con trở thành người trung thực, hiểu về chính mình và hòa hợp hơn trong các mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ trong gia đình.

Buổi Trị liệu nhóm trực tiếp tại Hồ Chí Minh số 16 với chủ đề “Làm thế nào để con trở thành người trung thực”

Con tự động trung thực khi có cha mẹ trung thực

Cha mẹ nào cũng mong con của mình sống là một người trung thực. Nhiều phụ huynh luôn cố gắng giáo dục, răn đe hay kiểm soát hành động, cách cư xử của con để thực hiện mong muốn đó mà không biết rằng, chìa khóa để nuôi dưỡng một đứa trẻ trở thành người trung thực lại nằm ở chính bản thân mình.

Theo chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Phạm Thị Bình: “Cha mẹ là điểm bắt đầu của con cái. Cho dù cha mẹ ở bất kỳ nơi nước nào, vị trí nào nhưng nếu như cha mẹ học tập, cha mẹ sở hữu kiến thức gì thì con cái cũng có thể như vậy”.

Ví dụ như cha mẹ làm nghề buôn bán ở chợ, ở chợ không có gì sai nhưng cần giao tiếp nhiều, tính toán nhiều. Những đứa trẻ có cha mẹ làm ăn ở đó sẽ lanh lẹ trong chuyện tính toán, thấy cái gì cũng có thể mua được, thấy cái gì cũng có thể bán được.

Còn nếu như cha mẹ là thầy cô giáo thì sẽ có điểm khác biệt hơn, có ảnh hưởng từ môi trường và trí tuệ của cha mẹ. Cha mẹ đọc sách gì, con cái thường cũng ít nhiều có xu hướng đọc loại sách vở như thế và có sự phát triển theo phong thái của cha mẹ làm nghề giáo.

Con cái chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ của mình.

Lý do được hiểu đơn giản vì trẻ con sinh ra giống như tờ giấy trắng. Cha mẹ là những người thân yêu nhất, gần gũi nhất với con và từ nhỏ cũng có những định hướng nuôi dạy con. Con người lại chịu ảnh hưởng khoảng 80% từ môi trường sinh sống và trưởng thành nên chắc chắn sẽ có sự phát triển theo hình mẫu từ cha mẹ mình.

Bên cạnh đó, mình không yêu cầu được bất cứ ai làm điều gì mà chỉ có khả năng quản trị được chính bản thân. “Mưu cầu người khác thay đổi là con đường đau khổ. Mưu cầu bản thân thay đổi là con đường đi tìm hạnh phúc”. Cho nên bí quyết để con có thể trở thành một người trung thực chính là việc cha mẹ sống là người trung thực. Con tự động trung thực khi có cha mẹ trung thực.

Làm thế nào để con trở thành người trung thực

Bởi vì con tự động trung thực khi có cha mẹ trung thực nên để con trở thành người trung thực, cha mẹ cần sống và nên sống là người như thế trước. Và để sống là người trung thực, cha mẹ cần có sự chuẩn bị về những kiến thức, kỹ năng, thấu hiểu chính mình và thấu hiểu các mối quan hệ.

Hiểu các cấp độ của mối quan hệ trong cuộc sống

Trong cuộc sống, chúng ta giao tiếp rất nhiều nhưng chúng ta khó biết được mối quan hệ đó như thế nào. Đôi khi trong gia đình, chúng ta nghĩ rằng là người thân với nhau thì đã thân thiết rồi, đã tin tưởng rồi. Nhưng có thực sự là người thân ruột thịt trong gia đình đã hoàn toàn tin tưởng nhau hay không?

Master Coach Phạm Thị Bình chia sẻ rằng mỗi một mối quan hệ trong cuộc sống này sẽ có 5 cấp độ, theo thứ tự là: Quen biết – quen thuộc – quý mến – tin tưởng – thân thiết. Trong đó:

  • Quen biết: Là biết một hoặc một ít thông tin về nhau
  • Quen thuộc: Biết được nhiều thông tin hơn về nhau
  • Quý mến: Có cảm xúc với nhau
  • Tin tưởng: Có thể chia sẻ cho nhau thông tin nào đó mà bản thân cảm thấy an toàn, yên tâm khi chia sẻ.
  • Thân thiết: Là cấp độ đạt đến mức tin tưởng nhau toàn diện.
Mỗi mối quan hệ trong cuộc sống đều có những cấp độ khác nhau từ quen biết đến thân thiết.

Cha mẹ cần hiểu được các cấp độ của một quan hệ như vậy để biết cách giao tiếp và tạo dựng sự tin tưởng với con. Bởi lẽ, có rất nhiều trường hợp, cha mẹ và con cái không có sự tin tưởng lẫn nhau nên dẫn đến mâu thuẫn, con không chia sẻ được nên có những vấn đề về tâm lý như trầm cảm.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần quan sát và nhìn nhận lại mối quan hệ với con. Nếu con với mình chưa được thân thiết, thì mối quan hệ này đang ở đâu? Mình phải làm gì để đưa mối quan hệ với con lên cấp độ thân thiết hơn để con sẵn sàng chia sẻ mọi vấn đề, mọi vướng mắc mà con đang đối mặt?

Để đưa mối quan hệ từ quen biết tới quen thuộc, chúng ta cần tìm hiểu thêm thông tin, liên lạc thường xuyên, quan tâm đến nhau nhiều hơn, chủ động giao lưu với nhau. Còn từ quý mến lên cấp tin tưởng thì chúng ta phải chủ động tin tưởng đối phương trước, chủ động tạo mối quan hệ và cho họ cơ hội tin tưởng mình.

Bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng để một ai đó trung thực với mình là cho người ta cơ hội để người ta biết mình, hiểu mình và chủ động hơn. Cho đến cuối cùng, để có thể lên được cấp tin tưởng rồi thân thiết với nhau, chúng ta cần chủ động hết mọi mặt.

Ba mẹ làm thân giáo cho con trở nên trung thực

Để khách hàng có thể hiểu rõ hơn về khái niệm “thân giáo” và cách ba mẹ làm thân giáo cho con trở thành người trung thực, chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Bình đã phân biệt “thầy giáo” và “thân giáo”.

Cụ thể, thầy giáo là một người chủ động làm gương, làm những cái gì mà người thầy họ cảm thấy là nó đúng và họ thay đổi, đồng thời có mang tính ép buộc để muốn người khác thay đổi theo cái đúng mà họ nghĩ theo cái đúng là họ đã làm gương. Mặc dù đôi khi, điều đó không phù hợp với đối tượng mà người thầy giáo mong muốn có sự thay đổi.

Thầy giáo là một người hình mẫu, họ làm cái điều gì đó làm gương cho người khác, để cho người khác noi theo, giống như là cho học sinh của mình noi theo. Mục đích là hướng dẫn học sinh rồi học sinh sẽ làm theo những điều đó và nó có tính chất là ép buộc.

Còn “thân giáo” là bản thân người ta sẽ làm gương. Họ không làm gương để ép người khác thay đổi mà tự thay đổi chính mình và điều đó là điều mà họ muốn làm. Khi họ muốn làm thì người khác nhìn vào, người ta chủ động thay đổi. Vì vậy, bản chất của “thân giáo” là bản thân họ làm gương và họ thay đổi.

Ba mẹ làm thân giáo cho con trở thành người trung thực
Ba mẹ nên làm “thân giáo”, làm gương trên tinh thần không mong cầu, không ép buộc con.

Theo chuyên gia Phạm Thị Bình: “Thầy giáo thì đương nhiên là họ làm gương, nhưng cái làm gương của họ là cái mà họ đang mong cầu, có sự mong cầu người khác phải làm theo bởi vì họ đang hướng dẫn người khác một thông tin, một tri thức hay hành động nào đó,… học theo họ”.

Chẳng hạn như những người học nghề là làm theo hành động của những người thầy cô hướng dẫn. Thầy cô hướng dẫn mong muốn họ có một sự bắt buộc để có thể thay đổi và chuyển đổi. Điều này dễ dẫn đến khuynh hướng nội tâm, nếu như người ta không làm theo, người “thầy giáo” sẽ có sự thất vọng.

Thân giáo khác với thầy giáo ở chỗ cũng là làm gương nhưng vì tôi thích làm điều đó và tôi tự nguyện làm. Khi tôi tự nguyện làm, ai đó muốn giống như tôi thì họ sẽ tự động bắt chước và tự động làm theo, sự thay đổi mang tính chủ động và tự nguyện. Người nhận được thông tin, nhận được tri thức, nhận được hành động,… sẽ tự nguyện làm theo mà không có sự ép buộc.

Đối với người làm thân giáo, người khác muốn theo cũng được mà không muốn theo cũng không sao. Họ không bị nội tâm của mình chi phối nhiều, không có buồn rầu, không có lo lắng hay thất vọng vì người khác không làm theo mình và thay đổi như mình mong muốn.

Ví dụ ở nhà, mẹ nấu ăn ngon và muốn con cũng biết nấu như vậy. Nhưng nếu mẹ nói với con “nay mẹ nấu món này, con phải biết rồi mai mốt nấu cho chồng con ăn”, và khi con làm không đúng ý, mẹ nói “tại sao mẹ bảo con nấu như thế này mà con không biết làm theo, nói hoài không nghe”. Đó là thầy giáo.

Thân giáo là mẹ nấu các món ăn nhưng ở tâm thế và lời nói với các con là “Mẹ thích nấu món này cho mọi người ăn, mẹ muốn tất cả mọi người đều ăn món này” và mẹ nấu rất ngon. Con sẽ tự động chạy theo hỏi công thức, hay khi ra hàng ăn, thấy món này mà không cảm nhận được hương vị ngon như mẹ làm. Con sẽ nhớ lại, muốn học nấu cho ngon giống như mẹ nấu.

Từ tất cả ví dụ và phân tích như vậy, Master Coach Phạm Thị Bình đưa ra kết luận: “Muốn con trở thành người trung thực thì cha mẹ thay đổi bản thân trước”. 

Những mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái thường là sự khác biệt về mong cầu, suy nghĩ… Cha mẹ luôn nghĩ con phải như mình hay theo cách mình nghĩ. Khi áp đặt lên con, cha mẹ có xu hướng mình là cha, là mẹ con, đẻ ra con nên nghĩ rằng món này con ăn được. Nhưng thực tế, mỗi đứa trẻ đều có sở thích hay khẩu vị riêng nên không phải món nào con cũng ăn được như cha mẹ.

Cho nên, cha mẹ hãy làm thân giáo thay vì thầy giáo và ép buộc con thay đổi. Mình thay đổi chính mình, thay đổi góc nhìn, góc độ của chính bản thân mình và mình làm gương. Khi cha mẹ làm thân giáo, nội tâm sẽ an vui, bản thân dễ dàng tiếp nhận những điều của con mình, dễ dàng chấp nhận những thông tin con phản hồi.

Khi làm thân giáo, nội tâm cha mẹ sẽ an vui và các con cũng dễ dàng tiếp nhận hơn.

Và khi con cảm thấy thông tin dễ dàng tiếp thu và có thể tiếp thu một cách thoải mái, con sẽ dễ chia sẻ với cha mẹ, với mọi người. Từ đó, con sẽ không rơi vào những trường hợp như trầm cảm, nghĩa là khó chia sẻ với người khác, cất giấu mọi thứ để chịu đựng một mình.

Bên cạnh đó, khi nhắc đến gia đình, từ ngữ đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến là “yêu thương”…. Vậy mà với rất nhiều trường hợp, “những người làm cho mình đau đa phần không phải người lạ, mà chính là những người thân yêu”. Chỉ có ng thân mới làm cho mình bị tổn thương vấn đề “yêu thương” này vì không đạt đến mong cầu như mình muốn.

Chuyên gia Phạm Thị Bình phân tích “Khi có yêu thương và yêu thương đúng cách, tức là yêu thương theo cách mà đối phương mong muốn, chúng ta sẽ cảm nhận được sự yêu thương đúng nghĩa và vui vẻ, hạnh phúc”.

Cùng với yêu thương, giữa những người thân trong gia đình có cần cả sự bao dung. Theo định nghĩa của UNESCO: “Bao dung là tôn trọng, thấu hiểu sự khác biệt của người khác đối với mình trong phong tục tập quán, quan niệm sống, niềm tin và tôn giáo, chủng tộc và cách thức hành động, chấp nhận cho người khác làm những chuyện mà bản thân mình không tán thành trong một sự giới hạn nhất định để hướng họ tự giác đến sự tốt đẹp”.

Hay nói ngắn gọn, sống bao dung là lối sống yêu thương, chia sẻ, tha thứ thay vì ghét bỏ, thù hận người khác. Ngay trong gia đình của mình, cha mẹ có thể bao dung và làm thân giáo cho con, con chắc chắn sẽ cảm nhận được tình yêu thương, trở thành người trung thực và mối quan hệ giữa cha mẹ với con sẽ trở nên hòa hợp hơn.

Chương trình trị liệu nhóm trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh số 16 đã giúp khách hàng hiểu hơn về cách để con trở thành người trung thực, để yêu thương đúng cách và hoà hợp hơn trong các mối quan hệ. Hy vọng qua những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Bình, các bậc phụ huynh sẽ có được hướng đi phù hợp và đúng đắn nhất để đồng hành cùng con, đồng thời luôn bình an, hạnh phúc.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *