Thuốc Trazodone trị lo âu, trầm cảm: Cách dùng và lưu ý

Thuốc Trazodone có tác dụng trị lo âu, trầm cảm nhờ vào cơ chế giúp gia tăng nồng độ serotonin bên trong bộ não. Người bệnh khi được chỉ định sử dụng loại thuốc này cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tối đa các hậu quả xấu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Thuốc Trazodone
Trazodone là loại thuốc được sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị các chứng bệnh lo âu, trầm cảm.

Thuốc Trazodone là gì?

Trazodone là loại thuốc được sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị các chứng bệnh lo âu, trầm cảm. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận Trazodone là loại thuốc điều trị chứng rối loạn trầm cảm nặng. Mặt khác, trong một số trường hợp nó còn được kê đơn “không nhãn” đối với những bệnh nhân đang điều trị rối loạn lo âu. Thuốc có tác dụng cải thiện tâm trạng, kích thích sự thèm ăn và phục hồi năng lượng. Người bệnh sẽ dần giảm đi các triệu chứng lo lắng, cải thiện chứng mất ngủ do căn bệnh trầm cảm gây ra.

Cơ chế hoạt động của thuốc Trazodone đó chính là sự khôi phục và cân bằng lại nồng độ serotonin trong não bộ. Đây là một trong các chất hóa học đóng vai trò quan trọng đối với não bộ của con người.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Cách sử dụng thuốc Trazodone

Thuốc Trazodone là loại thuốc kê đơn được chỉ định sử dụng bởi các bác sĩ chuyên khoa, do đó người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Sau đây là một số liều dùng thường được áp dụng như:

Đối với người lớn:

  • Đường uống (viên nén): Mỗi ngày uống 1 lần khoảng 150mg. Không sử dụng vượt 400mg/ ngày. Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ có thể thay đổi liều dùng phù hợp.
  • Đường uống (viên nén phóng thích kéo dài): Mỗi ngày uống 1 lần khoảng 150mg. Không sử dụng vượt 375mg/ ngày. Bác sĩ có thể thay đổi liều lượng khi cần thiết.

Đối với trẻ em: Hiện nay, liều dùng đối với trẻ em chưa được nghiên cứu và chỉ định cụ thể. Do đó, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể hơn.

Liều lượng sử dụng thuốc trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, tùy vào tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng điều trị của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân bắt đầu bằng liều thuốc thấp và tăng dần khi nhận thấy kết quả.

Bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý tăng giảm liều dùng hoặc ngưng sử dụng thuốc đột ngột. Thông thường, thuốc sẽ có tác dụng chậm, khoảng từ 2 đến 4 tuần mới nhận thấy được hiệu quả. Vì thế, người bệnh cũng cần kiên trì uống thuốc đúng theo hướng dẫn để cải thiện bệnh tốt hơn.

Tác dụng phụ của thuốc Trazodone

Thuốc Trazodone cũng giống như các loại thuốc chống trầm cảm, lo âu khác, nó có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn đối với người bệnh. Nếu trong quá trình sử dụng thuốc có xuất hiện các triệu chứng sau đây và kéo dài liên tục thì bạn nên báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời:

  • Buồn ngủ
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Nhức đầu
  • Tiêu chảy
  • Chóng mặt
  • Mắt mờ, mệt mỏi
  • Đau cơ
  • Khô miệng
  • Nghẹt mũi
  • Trong miệng có mùi vị khó chịu
  • Táo bón
  • Thay đổi về sở thích hoặc ham muốn tình dục
thuốc Trazodone
Người bệnh nên uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế các tác dụng phụ

Ngoài ra, thuốc cũng có khả năng gây nên một số tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Mơ gặp ác mộng
  • Run
  • Đi tiểu khó hoặc tiểu ra máu
  • Ù tai
  • Khó thở
  • Đau bụng
  • Dấu hiệu nhiễm trùng như đau họng, sốt,…

Một số tác dụng phụ cực kì nghiêm trọng cần đến gặp bác sĩ ngay:

  • Ngất xỉu
  • Đau hàm, ngực, cánh tay trái
  • Co giật
  • Nhịp tim tăng nhanh hoặc đập không đều
  • Sưng mắt, đau mắt, đỏ mắt, thị lực thay đổi, đồng tử giãn (nhìn thấy cầu vồng xuất hiện xung quanh ánh đèn khi đêm về).

Thuốc Trazodone có khả năng làm tăng nồng độ serotonin nhưng rất hiếm trường hợp có thể gây ra hội chứng serotonin – một trong các tình trạng rất nghiêm trọng. Thế nhưng nếu bệnh nhân sử dụng đồng thời các loại thuốc có tác dụng làm gia tăng serotonin thì nguy cơ này sẽ tăng cao. Do đó, người bệnh cần chia sẻ thật kỹ về những loại thuốc mà bản thân đang sử dụng cho bác sĩ điều trị.

Ngoài ra, nếu xuất hiện các triệu chứng như nhìn thấy ảo giác, nhịp tim tăng nhanh, chóng mặt nặng, mất phối hợp, buồn nôn, co giật, tiêu chảy, sốt, kích động thì bệnh nhân cần được trợ giúp y tế để khắc phục nhanh chóng. Ở nam giới, sẽ có khá ít trường hợp người bệnh rơi vào tình trạng cương dương kéo dài trong nhiều giờ liên tiếp. Vì thế, nếu gặp phải tình trạng này bạn cần ngưng sử dụng thuốc và tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia.

Cách phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc Trazodone

Để phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc Trazodone, người bệnh nên áp dụng một số cách sau đây:

  • Để hạn chế nguy cơ gặp phải hiện tượng chóng mặt, người bệnh nên di chuyển nhẹ nhàng và thay đổi tư thế từ từ, đặc biệt là lúc ngồi dậy, nằm xuống.
  • Để phòng ngừa tình trạng khô miệng, bệnh nhân có thể ngậm kẹo cứng không đường hoặc nhai kẹo cao su, đá bào, uống nhiều nước,….
  • Để giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ, người bệnh cần cho bác sĩ biết rõ về tình trạng bệnh sử và tiền sử dị ứng với nefazodone hoặc thuốc Trazodone. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần biết thêm về tiền sử của gia đình nếu có chứng rối loạn lưỡng cực hoặc từng mắc phải bệnh tim, cố gắng tự sát, bệnh thận, bệnh gan, tăng nhãn áp, các vấn đề về huyết áp.
  • Thuốc Trazodone có thể gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến nhịp tim, điển hình là hội chứng kéo dài QT. Nguy cơ này có thể tăng cao nếu người bệnh có kèm thêm những bệnh lý nhất định hoặc sử dụng đồng thời các loại thuốc điều trị khác.
  • Nguy cơ gặp phải hội chứng kéo dài QT cũng có thể tăng lên nếu mức độ magie và kali trong máu bị giảm xuống. Đặc biệt là khi người bệnh có sử dụng kèm một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu hoặc khi tiêu chảy, đổ nhiều mồ hôi, nôn mửa.
  • Loại thuốc trị lo âu, trầm cảm này có thể gây nên hiện tượng chóng mắt, mờ thị lực, buồn ngủ. Hơn thế, việc sử dụng rượu bia có thể làm cho triệu chứng này càng gia tăng mạnh mẽ. Do đó, người bệnh không nên trực tiếp lái xe, điều khiển máy móc hoặc thực hiện những công việc đòi hỏi tính tập trung cao khi sử dụng thuốc, đặc biệt là hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn, chất kích thích.
  • Tác dụng phụ của thuốc có thể dễ xuất hiện hơn so với người trưởng thành, đặc biệt là các triệu chứng như chóng mặt, buồn ngủ, kéo dài QT.
  • Đối với phụ nữ mang thai hoặc đang trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo rõ ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng.
  • Bệnh nhân không nên tự ý ngưng thuốc bởi nó có thể làm gia tăng các triệu chứng của bệnh trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác.
  • Trazodone có thể gây ra một số phản ứng phụ đối với bưởi hoặc nước ép bưởi. Vì thế người bệnh không nên ăn loại trái cây này trong quá trình  điều trị.

Tương tác của thuốc Trazodone

Tương tác thuốc có thể làm gia tăng ảnh hưởng của những tác dụng phụ hoặc thay đổi khả năng hoạt động của thuốc Trazodone. Các chuyên gia cho biết, digoxin (thuốc điều trị bệnh tim) có thể gây tương tác với thuốc Trazodone.

Ngoài ra, nếu sử dụng đồng thời giữa thuốc Trazodone và thuốc ức chế MAO có thể gây ra những tương tác cực kì nghiêm trọng, thậm chí là dẫn đến tử vong. Do đó, không nên sử dụng đồng thời các loại thuốc MAO như selegiline, tranylcypromine, rasagiline, safinamide, phenelzine, procarbazine, isocarboxazid, moclobemide trong thời gian sử dụng Trazodone. Tốt nhất không nên sử dụng các loại thuốc ức chế MAO trước hoặc sau 2 tuần khi điều trị trầm cảm, lo âu bằng thuốc Trazodone.

Một số loại thuốc có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng điều trị của Trazodone và tác động đến việc thải trừ Trazodone ra khỏi cơ thể như thuốc ức chế protease HIV (ritonavir, indinavir), thuốc chống nấm nhóm azol (itraconazole, ketoconazole), các thuốc điều trị co giật (như phenytoin),  kháng sinh thuộc nhóm macrolid (erythromycin),….

Một số loại thuốc chống trầm cảm như nhóm SNRIs (duloxetine/venlafaxine), nhóm SSRIs (fluoxetine/paroxetine) sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải hội chứng serotonin ở người bệnh điều trị bằng Trazodone.

Người bệnh cũng cần chia sẻ cụ thể với bác sĩ về những loại thuốc đang sử dụng như thuốc ngủ (alprazolam, diazepam, zolpidem), thuốc kháng histamin (cetirizine, diphenhydramine), thuốc giãn cơ và các thuốc giảm đau opioid (codein) hoặc những sản phẩm gây buồn ngủ như rượu bia.

Xử lý quá liều thuốc Trazodone

Trong trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc quá liều và xuất hiện các triệu chứng nặng như khó thở, ngất đi thì người thân cần nhanh chóng gọi cấp cứu. Một số triệu chứng khi sử dụng thuốc quá nhiều như tim đập nhanh liên hồi, nhịp thở không đều, co giật, chóng mặt, buồn ngủ không thể kiểm soát, khó thở, nôn mửa nhiều, đối với nam giới sẽ gặp phải chứng cương dương gây nên sự đau đớn kéo dài.

Khi người bệnh quên liều sử dụng thì nên uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã gần đến thời gian uống liều tiếp theo thì nên bỏ qua liều đã quên và không được sử dụng thuốc với liều lượng gấp đôi.

Bệnh nhân nên chú ý bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng thích hợp, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời, không để thuốc trong phòng tắm và nên để xa tầm tay của trẻ nhỏ và thú cưng.

Không nên đổ hoặc xả thuốc xuống bồn cầu, cống trừ khi được sự hướng dẫn của chuyên gia. Cần phải vứt bỏ sản phẩm đúng cách khi nhận thấy sản phẩm hết hạn hoặc không còn sử dụng nữa.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm thông tin về thuốc Trazodone trị lo âu, trầm cảm. Tuy nhiên đây là loại thuốc kê đơn nên bệnh nhân chỉ được sử dụng khi có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cần tuân thủ đúng theo yêu cầu của bác sĩ để giúp bệnh tình được cải thiện tốt hơn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *