Thuốc Trầm Cảm Mirtazapine: Công Dụng, Liều dùng Và Lưu Ý
Thuốc trầm cảm Mirtazapine thường được chỉ định cho các bệnh nhân trầm cảm từ trung bình tới nặng để nhanh chóng khôi phục sự cân bằng các chất tự nhiên trong não bộ. Sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời gian theo sự chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân lấy lại sự ổn định, hoạt bát, cải thiện tâm trạng để hòa nhập lại với cuộc sống thường ngày.
Thông tin giới thiệu về thuốc trầm cảm Mirtazapine
Nguyên nhân gây trầm cảm được cho là có liên quan đến sự sụt giảm các hóa chất tự nhiên trong não bộ như serotonin, norepinephrine. Đây là những chất giúp kích thích sự vui vẻ, ăn ngon, ngủ ngon cho con người. Do đó trong điều trị trầm cảm bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc có thể khôi phục lại nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Trong đó thuốc trầm cảm Mirtazapine là một trong những loại thuốc được chỉ định khá phổ biến.
Thuốc Mirtazapine thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm 4 vòng có thành phần chính là hoạt chất Mirtazapine. Đây là một loại thuốc đối kháng α2 tiền xinap có hoạt tính trung ương, có khả năng phục hồi dẫn truyền thần kinh thông qua hệ thống trung gian noradrenalin và serotonin trung ương, trong đó các thụ thể 5-HT1 đặc hiệu sẽ đi qua trung gian serotonin. Các chất đồng phân đối ảnh của mirtazapine cũng có tham gia vào công dụng chống trầm cảm của thuốc.
Bên cạnh đó thuốc Mirtazapine sẽ chẹn các thụ thể 5HT2 và 5HT3 sau xinap nên có thể giải quyết các vấn đề về lo âu và giấc ngủ cho người dùng. Ngoài ra hoạt tính đối kháng histamin H1 của mirtazapine có thể mang đến công dụng an thần cho người sử dụng.
Thuốc trầm cảm Mirtazapine thường được chỉ định cho các bệnh nhân bị trầm cảm từ mức độ trung bình đến nặng. Sau khi sử dụng thuốc 1- 2 tuần, các chất dẫn truyền dần được phục hồi ổn định, người bệnh dần cảm thấy tâm trạng có sự thay đổi, ngủ ngon hơn, hoạt bát hơn, cảm giác muốn trò chuyện nhiều hơn. Tùy vào tình trạng bệnh nhân sau đó bác sĩ có thể tăng/ giảm liều hay kết hợp một số thuốc khác để cải thiện các triệu chứng trầm cảm tốt hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy thuốc trầm cảm Mirtazapine thường không có quá nhiều phản ứng phụ trầm trọng, có ít nguy cơ về tương tác thuốc nên có thể dùng an toàn cho cả các bệnh nhân cao tuổi. Thuốc cũng được dùng để cải thiện nhanh các triệu chứng rối loạn lo âu. Một số tác dụng khác không được ghi trên bao bì nhưng cũng có thể được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân nếu thấy phù hợp.
Chống chỉ định thuốc trị trầm cảm Mirtazapine
Thuốc trầm cảm Mirtazapine là thuốc bán theo đơn nên bệnh nhân chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn. Người bệnh cần trung thực về tình trạng sức khỏe, tinh thần, tiền sử bệnh lý để bác sĩ có thể xem xét kê đơn phù hợp. Không nên sử dụng Mirtazapine với các đối tượng sau
- Người có mẫn cảm với các thành phần của thuốc
- Trẻ em
- Phụ nữ có thai và người cho con bú cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ
- Người đang sử dụng các thuốc ức chế monoamin oxydase trong vòng 7- 14 ngày
- Người bị suy gan, suy thận nặng
- Người bị Glôcôm góc hẹp cấp và tăng nhãn áp
- Thuốc trầm cảm Mirtazapine thường gây buồn ngủ khá nặng nên không dùng cho người chuẩn bị lái xe, người thực hiện các công việc liên quan đến vận hành máy móc
- Người có huyết áp thấp
- Những người đang điều trị các bệnh lý khác có dùng thuốc cũng cần trao đổi thêm với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc
Liều dùng và cách dùng thuốc Mirtazapine
Tùy theo tình trạng, độ tuổi, giai đoạn bệnh của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ xem xét chỉ định liều dùng khác nhau. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc từ bác sĩ, không tự ý tăng/ giảm liều hay ngừng thuốc đột ngột vì đều ảnh hưởng đến kết quả điều trị cuối cùng.
Thuốc trầm cảm Mirtazapine hiện đang có những dạng và hàm lượng như sau
- Thuốc viên nén dạng 7,5mg, 15mg, 30mg, 45mg. Dùng thuốc theo đường uống, nên dùng với nước lọc, không nên bẻ hay nhai thuốc trừ khi có chỉ định từ bác sĩ. Tuy nhiên Mirtazapine có thể dùng chung với thức ăn để làm giảm cảm giác khó chịu khi uống thuốc nhưng vẫn nên trao đổi thêm với bác sĩ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Thuốc viên phân tán trong miệng dạng 15mg, 30mg, 45mg. Có thể dùng cho người già gặp vấn đề về nuốt hay nhai. Người bệnh chỉ cần đặt viên thuốc trong lưỡi để nó tự tan, không nên nhai hay cắn hay uống nước vì sẽ làm giảm công dụng của thuốc.
Liều dùng phổ biến của thuốc trầm cảm Mirtazapine như sau
- Bắt đầu với liều 15mg/ ngày uống vào trước khi đi ngủ. Tăng liều trong khoảng 2- 3 tuần sau đó để sử dụng duy trì, liều tối đa từ 25- 45 mg/ ngày.
- Uống thuốc 1 ngày/ lần hoặc chia làm 2 lần vào sáng và tối, trong đó liều buổi tối cao hơn buổi sáng do thuốc có công dụng an thần
- Ở bệnh nhân suy gan và suy thận nhẹ uống 1 liều thuốc trầm cảm Mirtazapine 15mg có thể giảm 35% độ thanh thải còn ở bệnh nhân suy thận trung bình sẽ giảm 50% độ thanh thải. Do đó sau khi sử dụng liều đầu tiên cần phải theo dõi và báo cho bác sĩ để điều chỉnh.
- Nên đảm bảo sử dụng mỗi ngày hoặc xem xét sử dụng trong một khung giờ nhất định để đảm bảo kết quả tốt nhất
Sau khi sử dụng liều đầu bệnh nhân nên theo dõi sức khỏe về nhiệt độ, phản ứng trên da, các tác dụng phụ. Nếu có bất cứ các dấu hiệu bất thường nào cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Trong khoảng 2 – 4 tuần sau khi sử dụng, nếu thấy các triệu chứng không ổn hơn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thích hợp.
Các tác dụng phụ của thuốc Mirtazapine
Tương tự như các thuốc chống trầm cảm khác, thuốc Mirtazapine cũng sẽ làm xuất hiện một số phản ứng phụ không mong muốn. Thường bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về những phản ứng phụ có thể xuất hiện để người bệnh có thể chuẩn bị tinh thần. Tuy nhiên khá may mắn thuốc trầm cảm Mirtazapine không có tác dụng phụ là gây nghiện nên có thể dùng trong thời gian dài.
Một số tác dụng phụ phổ biến thường gặp như
- Buồn ngủ, luôn có cảm giác lơ mơ do buồn ngủ, đặc biệt nếu uống vào ban ngày
- Tăng cảm giác thèm ăn và ngon miệng dẫn đến tăng cân; tuy nhiên một số người cũng có tình trạng chán ăn
- Khô miệng, khát nước, tiểu tiện nhiều lần
- Đau đầu, chóng mặt
- Ngủ mơ, gặp ác mộng hay có những giấc mơ kỳ lạ
- Rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới
- Nôn, buồn nôn
- Rối loạn cương dương, xuất tinh sớm ở nam giới
- Giảm ham muốn tình dục
- Tăng huyết áp
- Giảm thị lực
- Đau cơ, đau lưng, đau khớp, đi đứng hay cầm nắm run
- Hội chứng giả cúm
Một số tác dụng phụ nguy hiểm khác cũng có thể xuất hiện và người bệnh cần liên hệ với bác sĩ bao gồm
- Sốt cao, mê sảng, lú lẫn
- Hạ huyết áp tư thế
- Cứng cơ, sốt cao, co giật
- Có đốm trắng trong miệng
- Khó thở, cổ họng sưng phù
- Nhức toàn thân, mất thăng bằng
- Dị cảm, chân không nghỉ, ngất.
- Đồng tử giãn rộng
Tuy nhiên không phải ai cũng xuất hiện các phản ứng phụ, thường phổ biến nhất là tình trạng buồn ngủ và tăng cảm giác thèm ăn. Đây đều không phải những phản ứng quá nguy hiểm nên bạn cũng không cần lo lắng.
Tương tác thuốc
Thuốc trầm cảm Mirtazapine có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp cùng một số loại thuốc khác để tăng hiệu quả trong điều trị trầm cảm. Tuy nhiên điều này cần phụ thuộc vào chỉ định từ bác sĩ chuyên môn. Việc tự ý kết hợp thuốc có thể làm giảm hiệu quả của Mirtazapine đồng thời thay đổi hướng hoạt động của các loại thuốc khác, thậm chí có thể gây hại ngược lại cho sức khỏe nên cần thận trọng hơn.
Một số loại thuốc có thể tương tác với thuốc trầm cảm Mirtazapine bao gồm
- Thuốc ức chế enzym monoamine oxidase (MAOI) nếu dùng cùng lúc với Mirtazapine có thể làm tăng nhịp tim, tăng nhiệt độ bất thường và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Tốt nhất bạn cần ngưng dùng MAOI trong ít nhất 14 ngày nếu muốn dùng Mirtazapine để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Một số loại thuốc MAOI phổ biến như isocarboxazid, linezolid, methylene blue..
- Bản chất Mirtazapine đã gây buồn ngủ, do đó cần thận trọng khi sử dụng với các thuốc an thần hay thuốc có chứa benzodiazepin như các thuốc loạn thần hay thuốc kháng histamin H1 khác
- Sử dụng các thuốc loại thuốc gây kéo dài khoảng QTc cùng lúc với thuốc trầm cảm Mirtazapine có thể gây rối loạn nhịp thất (như xoắn đỉnh) hoặc kéo dài khoảng QT bất thường
- Các nhóm thuốc ức chế enzym chuyển hóa thuốc CYP3A4, CYP2D6 và CYP1A2 có thể làm tăng độc tính của Mirtazapine trong máu nên cũng không thể kết hợp cùng lúc.
- Nếu dùng chung carbamazepin và một số thuốc cảm ứng CYP3A4 với thuốc trầm cảm Mirtazapine có thể làm tăng độ thanh thải của Mirtazapine qua thận nên cần phải tăng liều Mirtazapine
- Dùng đồng thời Warfarin với Mirtazapine cũng làm giảm tác dụng điều trị bệnh nên không nên dùng cùng lúc
- Một số các loại thực phẩm chức năng có chiết xuất từ thảo dược như St.John’s wort và tryptophan cũng có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc trầm cảm Mirtazapine nên cũng không thể dùng chung.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc trầm cảm Mirtazapine
Việc dùng thuốc Mirtazapine đúng cách, đúng liều, đúng lộ trình sẽ giúp giảm nhanh các dấu hiệu trầm cảm để người bệnh sớm quay trở lại cuộc sống bình thường với nhiều niềm vui và hạnh phúc. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn hơn, bạn cần chú ý thêm một số vấn đề sau đây
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, không dùng thuốc này cho bệnh khác hay dùng đơn thuốc này cho các bệnh nhân khác, kể cả khi có các triệu chứng tương tự
- Không được dừng thuốc đột ngột vì sẽ làm giảm hiệu quả và gây ra hội chứng ngưng thuốc, đồng thời làm tăng nguy cơ bệnh tái phát
- Bảo quản thuốc nơi khô ráo thoáng mát, nhiệt độ không quá 30 độ C; không bảo quản trong tủ lạnh
- Nếu quên 1 liều có thể uống ngay khi nhớ ra, tuy nhiên nếu gần thời điểm uống liều tiếp theo thì bạn có thể bỏ qua, không nên dùng 2 liều 1 lúc vì có thể gây ngộ độc
- Nếu dùng quá liều nên theo dõi các phản ứng trên cơ thể, nếu có dấu hiệu nguy hiểm cần thông báo ngay cho bác sĩ
- Nếu dùng thuốc vào ban ngày, không nên lái xe hay vận hành máy móc hay làm các công việc cần có sự tập trung
- Thông báo rõ cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe, cầm theo đơn thuốc sử dụng trong 1 tháng trở lại nếu có đồng thời nếu có phẫu thuật, bao gồm cả khám nha khoa trong tương lai cũng cần trao đổi với bác sĩ
Trên đây là các thông tin về thuốc trầm cảm Mirtazapine, hy vọng đã giúp ích cho bạn. Việc dùng thuốc Mirtazapine để điều trị trầm cảm sẽ mang kết quả tốt hơn nếu kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh kèm theo trị liệu tâm lý. Người bệnh nên trao đổi chi tiết với bác sĩ chủ trị để được hỗ trợ ngay khi cần thiết.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!