Giới trẻ với lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội

Chương trình “Tâm An Sống Khỏe số 3” với chủ đề: “Giới trẻ với lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội”, với sự tham gia của Chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Kiều và chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Hương đã mang đến những kiến thức chuyên sâu và giải pháp dưới góc nhìn khoa học tâm lý về lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội ở giới trẻ hiện nay.

Chương trình “Tâm An Sống Khỏe” do Trung tâm Tâm lý NHC Việt Nam tài trợ và tư vấn chuyên môn với mong muốn mang đến cho quý vị và các bạn những kiến thức hữu ích về sức khỏe tâm trí và những vấn đề tâm lý của con người trong xã hội hiện nay.

Chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Kiều và chuyên gia tâm lý, Master Coach Trần Thị Hương đang công tác tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam
Chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Kiều và chuyên gia tâm lý, Master Coach Trần Thị Hương đang công tác tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam

1. Thực trạng lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội ở giới trẻ hiện nay?

Khoảng 5 năm về trước, Hikikomori (Hội chứng xa lánh cộng đồng) ở người trẻ bỗng dưng được nhắc đến rất nhiều với lời cảnh báo về thực trạng đáng buồn của Nhật Bản – một đất nước luôn được ca ngợi về nền văn minh, tiến bộ, sự phát triển về mọi mặt cũng như chất lượng cuộc sống đáng ngưỡng mộ.

Hikikomori (Hội chứng xa lánh cộng đồng) ở người trẻ được nhắc đến nhiều ở Nhật Bản
Hikikomori (Hội chứng xa lánh cộng đồng) ở người trẻ được nhắc đến nhiều ở Nhật Bản

Một điều đặc biệt là những bệnh nhân mắc Hikikomori thường là những thanh niên thông minh, có năng lực. Và tình trạng nhiều người mắc Hikikomori khiến Nhật Bản mất đi số lượng không nhỏ lực lượng lao động, ảnh hưởng tới nền kinh tế của đất nước này.

Ngày đó, nói đến Hikikomori, gần như tất cả mọi người đều nghĩ ngay đến Nhật Bản và gắn nó với giới trẻ của Nhật. Tuy nhiên hiện nay, do nhiều tác động, điển hình như đại dịch Covid 19, Hikikomori đã trở thành hội chứng được quan tâm mạnh mẽ hơn và xuất hiện ở phạm vi cả thế giới. Tại Việt Nam, đâu đó cũng có một bộ phận các bạn trẻ đang dần có xu hướng sống khép kín, né tránh giao tiếp xã hội.

Sự kết nối của các bạn trẻ với gia đình, bạn bè hay mối quan hệ rộng hơn ngoài xã hội đang dần bị ngăn cách, thậm chí đứt đoạn và dẫn đến nhiều vấn đề đáng lưu tâm khác. Nhiều bậc phụ huynh không giấu được sự âu lo về cuộc sống cũng như tương lai của con mình khi con dần hình thành lối sống khép kín đó.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

2. Đặc điểm của lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội ở giới trẻ

Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Kiều: “Bản thân tôi đã đồng hành cùng rất nhiều bạn trẻ gặp vấn đề về giao tiếp xã hội và tôi nhận thấy rằng, sống khép kín hiểu đơn giản là thu mình lại, trốn trong một vỏ bọc. ”.

Cũng theo chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Kiều, chúng ta có thể liên tưởng những người có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội, chỉ có nhu cầu “tồn tại” giống như những con cua. Những con cua này chỉ sống ở trong hang, khi bên ngoài an toàn và có nhu cầu ra ngoài kiếm ăn thì chúng mới chui ra, chỉ muốn sống một mình và không gặp gỡ với một con vật nào khác.

Ngay khi nhận được tín hiệu nguy hiểm từ bên ngoài, con cua sẽ ngay lập tức chui lại rất sâu vào trong hang. Con cua sẽ trốn sâu vào hang để thoát khỏi những ánh nhìn, sự theo dõi của người khác, chúng ta cũng không thể nào gọi những con cua này chui ra được.

Những người sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội có những đặc điểm chung nhất định
Những người sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội có những đặc điểm chung nhất định

Như vậy có thể thấy rằng, người sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội thường có một số đặc điểm sau:

  • Chỉ thích ở một mình trong phòng, trong nhà, chỉ ra ngoài khi có nhu cầu mua đồ ăn, đồ uống,…
  • Mua rất nhiều đồ ăn tích trữ, chỉ muốn ở trong không gian riêng.
  • Không có nhu cầu giao tiếp với mọi người xung quanh, thậm chí là với gia đình, người thân.
  • Không có nhu cầu vệ sinh cá nhân hay cắt tóc, có trường hợp 2 – 3 tuần đến cả tháng mới tắm rửa một lần.
  • Không có nhu cầu kết nối bạn bè, giao tiếp xã hội hay kết hôn.
  • Không có nhu cầu làm việc, cống hiến hay thực hiện những ước mơ, mục tiêu của mình.
  • Cảm thấy an toàn khi được ở một mình và không có nhu cầu thay đổi hay cải thiện lối sống đó.

Thực tế hiện nay, quyền tự do đang được coi trọng và tự do cá nhân cũng được nâng lên rất nhiều và chúng ta có quyền lựa chọn cách sống mà mình mong muốn. Thế nhưng điều này cũng có mặt trái, nếu như tất cả người trẻ đều chọn lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội thì xã hội có thể phát triển hay không? Liệu chúng ta có thể xây dựng được ước mơ và đạt được mục tiêu do chính mình đề ra? Và đây cũng là nỗi lo của rất nhiều bậc phụ huynh khi con em họ có lối sống này.

3. Lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội có phải là vấn đề tâm lý hay không? 

Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Hương:

Với kiến thức và kinh nghiệm của tôi, tôi nhận định rằng lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội có nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp độ nhẹ, nó có thể chỉ là những thói quen sinh hoạt hoặc tính cách của các bạn trẻ, các bạn ấy thích sống khép kín nhưng vẫn trao đổi, giao tiếp với mọi người xung quanh bình thường, vẫn có ước mơ và hoài bão. Còn ở cấp độ nặng, họ thường ngắt toàn bộ kết nối với mọi người xung quanh và có thể coi là một vấn đề tâm lý, cần được hỗ trợ.

Cũng theo chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương, người có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội khác với những người có tính cách hướng nội. Những người có tính cách hướng nội vẫn có những mối quan hệ nhưng mang tính chọn lọc, thích quan sát, thích nghiên cứu và tập trung làm việc. Người sống hướng nội vẫn đi học, đi làm và tạo ra giá trị cho xã hội, vẫn có những sự giao tiếp nhất định.

Lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội khác với những người có tính cách hướng nội
Lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội khác với những người có tính cách hướng nội

Còn những bạn trẻ sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội thì họ có xu hướng ngắt kết nối với người thân và xã hội, chỉ giam mình trong phòng, trong nhà. Những người có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội có xu hướng tự huỷ hoại bản thân bằng những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Với những bạn trẻ có lối sống này gần như không muốn đi học, đi làm hay tham gia vào các hoạt động khác, không tạo ra giá trị cho bản thân và không có đóng góp cho gia đình, xã hội.

Cũng theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Hương: “Khi các bạn trẻ có xu hướng ngắt kết nối với xã hội từ 6 tháng trở lên thì có thể được coi là một vấn đề tâm lý. Lúc này, họ sẽ cần đến sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, bạn bè và những người xung quanh.

4. Nguyên nhân hình thành nên lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội 

Theo chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Kiều, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau hình thành nên lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cụ thể:

  • Tổn thương, cú sốc tâm lý trong quá khứ: Những người đã từng trải qua tai nạn, khủng hoảng trong công việc, bố mẹ ly hôn, thay đổi môi trường sống, mất người thân trong cuộc đời của mình,… sẽ trở nên đau buồn, khép kín, không thể tự vượt qua được. Họ không có động lực để giao tiếp với mọi người hay duy trì mối quan hệ vì nếu làm thì những mối quan hệ đó sẽ mất đi và bản thân sẽ tiếp tục bị tổn thương.
  • Không vượt qua được áp lực công việc: Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất khiến giới trẻ sống khép kín, sợ giao tiếp. Khi xã hội phát triển thì yêu cầu công việc cũng cao hơn. Khi được giao nhiệm vụ, họ nhận biết rằng mình phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn, khi hoàn thành nhiệm vụ phải đánh đổi thời gian, sở thích cá nhân. Và đây chính là lý do tại sao họ thu mình lại, tự cảm thấy bản thân cô đơn, lạc lõng, quá sức và cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa nữa.
  • Những tổn thương thời thơ ấu: Đây cũng là lý do khiến nhiều bạn trẻ sống khép kín, tự thu mình lại, đặc biệt là những trường hợp bị lạm dụng tình dục hay chịu sự dạy dỗ khắc nghiệt, bạo lực từ gia đình. Bản thân họ đã từng bị tổn thương và nó đã hằn sâu trong tâm trí, họ cảm thấy mối quan hệ không còn chất lượng hay bản thân mình không có giá trị, mất kết nối với mọi người xung quanh. Những tổn thương này khiến họ cảm thấy dù mình có nói chuyện hay gặp gỡ ai thì cũng không mang lại niềm vui cho người khác.
  • Tâm hồn yếu đuối: Tâm hồn yếu đuối là một tâm hồn không có “sức đề kháng” với khó khăn và biến cố trong cuộc sống, không có khả năng để đối mặt với những vấn đề đó, họ phải thu mình trong thế giới của riêng mình. Đây như một sự đảm bảo cho sự an toàn của riêng mình, không muốn ra ngoài, không muốn để người khác “quan sát” nỗi đau và khó khăn của riêng mình và không muốn chia sẻ với cả người thân, bạn bè.
  • Đại dịch Covid – 19: Đây là nguyên nhân khách quan khiến lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội ngày càng “lây lan” rộng hơn. Thời gian giãn cách xã hội quá lâu khiến giới trẻ không được đi ra ngoài để giao tiếp xã hội. Họ không được đi làm, không được gặp gỡ mọi người, buồn chán, sử dụng internet thường xuyên để chơi game, lướt mạng xã hội mỗi ngày,… Và điều này đã xây dựng thói quen chỉ cần có điện thoại, chỉ cần mạng và giao tiếp một chiều, thu mình lại.

5. Hệ lụy của lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội

Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương, giới trẻ có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đầu tiên là cho chính bản thân:

  • Những người có lối sống này thường rơi vào trạng thái mất niềm tin vào chính bản thân mình.
  • Mất đi động lực sống và không tìm thấy bất kỳ điều gì thú vị trong cuộc sống
  • Họ trở thành người không có giá trị, không còn thấy cuộc sống ý nghĩa.
  • Các bạn còn rất trẻ nhưng lại không muốn đi học, đi làm, sống không có mục tiêu và chỉ nghĩ đến chuyện tiêu cực, nghĩ đến cái chết.
  • Thậm chí một số trường hợp nặng hơn còn có những hành vi gây hại cho chính bản thân mình.

Bên cạnh đó, lối sống này cũng gây nhiều ảnh hưởng đến gia đình và người thân. Gia đình không nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của những bạn trẻ sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội. Đặc biệt là cha mẹ, họ cảm thấy đau khổ, bất lực khi con mình có lối sống này.

Lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội
Lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội

Cuối cùng là hệ lụy cho xã hội và đất nước. Việc các bạn trẻ hiện nay không đi học, không đi làm, không tạo ra được những giá trị thì xã hội không phát triển được vì giới trẻ sống không có mục tiêu, không có hoài bão. Điều này cũng tốn rất nhiều giấy mực của các nhà lãnh đạo và giới chuyên môn.

6. Giải pháp để các bạn trẻ tự nhìn nhận vấn đề của mình, vượt qua nỗi sợ của bản thân

Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Hương:

Với những tình trạng mà các bạn trẻ gặp vấn đề tâm lý, sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội,, theo như kinh nghiệm của tôi thấy rằng, trước hết các bạn phải nhận ra được vấn đề của mình, nhận ra là mình đang gặp khó khăn, trở ngại. Và chính các bạn ấy phải là người đầu tiên, mạnh mẽ nhất để giúp mình vượt qua khó khăn bằng cách ra quyết định mong muốn thoát khỏi tình trạng đó đầu tiên.

Đầu tiên, các bạn trẻ cần nhận dạng vấn đề của chính mình và có động lực để thay đổi, từ đó xây dựng những thói quen tích cực dù là rất nhỏ. Ví dụ, thay vì chỉ ở trong phòng lên mạng,… thì tập thể dục nhiều hơn. thay đổi trạng thái cơ thể để thay đổi trạng thái cảm xúc. Ngoài ra, việc chia sẻ với người thân trong gia đình những khó khăn mà mình gặp phải cũng là điều vô cùng cần thiết.

Nếu muốn thay đổi lối sống này, các bạn trẻ cần nhận dạng vấn đề của chính mình
Nếu muốn thay đổi lối sống này, các bạn trẻ cần nhận dạng vấn đề của chính mình

Về phía gia đình, người thân cần bình tĩnh, có nhận thức đúng, cần có thời gian quan sát, yêu thương, quan tâm và yêu thương đúng cách, gia tăng sự kết nối giữa những thành viên trong gia đình với nhau. cho các bạn ấy thấy được sự an toàn để có thể chia sẻ, bộc lộ những tâm tư, tình cảm và khó khăn của mình. Ba mẹ cũng nên học hỏi, nghiên cứu để có thể áp dụng những phương pháp yêu thương con mình đúng cách.

Có những bậc phụ huynh yêu thương con, quan tâm đến con nhưng vô hình trung không đúng cách, tạo ra áp lực, khiến trẻ sống khép kín, ngại giao tiếp xã hội. Lý do là bởi các bạn cảm thấy không an toàn ở môi trường đó, các bạn bị đánh giá, bị phán xét, các bạn không được ghi nhận, không được công nhận.

Vậy thì chúng ta phải làm như thế nào? Hãy yêu thương, quan tâm, ghi nhận, động viên, cổ vũ, cho các bạn cảm thấy an toàn, cho các bạn thấy mình có đủ khả năng để làm được những điều có ích, đầu tiên là cho bản thân, sau đó là cho gia đình và xã hội.

Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Kiều:

Để những bạn có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội có thể tự vượt qua được nỗi sợ của mình là điều không hề dễ dàng. Thực tế, đôi khi các bạn không muốn mình phải ở trong tình trạng này nhưng vì một số yếu tố nào đó, một nguyên nhân nào đó từ chính bản thân các bạn hoặc các yếu tố khách quan mà các bạn có lối sống khép kín, ngại giao tiếp xã hội mà không thể tự mình thoát ra được. Nếu tự thoát ra được bằng hướng dẫn thì vô cùng tuyệt vời.

Và nếu các bạn không kết nối được với cả cha mẹ, anh chị em trong gia đình thì đây là vấn đề đáng được lưu tâm. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi: “Tại sao con không kết nối với cha mẹ, người thân trong gia đình?” để tìm ra nguyên nhân đằng sau để xử lý. Con người sẽ kết nối với những người xung quanh khi họ cảm thấy an toàn. Bởi vậy, chúng ta cũng không nên đặt kỳ vọng quá cao vì nếu không giao tiếp được với người thân thì việc giao tiếp với xã hội cũng là điều bất khả thi.

Gia đình cần áp dụng các giải pháp để “đưa” những người có lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội ra “vùng an toàn”. Nếu đã áp dụng nhiều cách mà không có hiệu quả, chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, cần những người có chuyên môn cao. Các chuyên gia tâm lý trị liệu sẽ tìm ra nguyên nhân gốc rễ và đưa ra giải pháp để giúp các bạn trẻ vượt qua được vấn đề của mình, giúp họ có bản lĩnh vượt qua khó khăn trong tương lai.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

7. Thông điệp gửi đến các bậc phụ huynh và các bạn trẻ 

Chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương đã là mẹ của 2 con đã lớn, bước vào độ tuổi vị thành niên và có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con cái. Theo chuyên gia:

Mình cũng có 2 con đang trong độ tuổi từ 15 – 25, trong quá trình học tập và làm việc cũng đạt được những thành tựu nhất định, bản thân mình rất yên tâm và hài lòng. Cá nhân mình đã làm gì trong hành trình làm mẹ? Đầu tiên, mình luôn xác định giai đoạn trong quãng đời của con để mình có thể sắp xếp thời gian, dành ra sự ưu tiên đúng và hiệu quả nhất. Mình cũng nhận ra và đã chia sẻ với rất nhiều các bậc phụ huynh khác, đó là chúng ta cần làm bạn với con, cần đồng hành cùng con bởi con chúng ta cần điều đó. Chúng ta yêu thương, quan tâm con một cách phù hợp, là người đồng hành cùng con trên chặng đường con trưởng thành và phát triển. Khi làm một người bạn, làm người đồng hành cùng con, chúng ta dễ dàng để hiểu con, dễ dàng quan sát, nhận ra được trở ngại và vấn đề của con, từ đó có mặt lúc con gặp khó khăn, có mặt ở bên cạnh con những thời điểm quan trọng.Những lúc con còn học tiểu học, sẽ có những khó khăn của giai đoạn tiểu học sẽ có những khủng hoảng của giai đoạn cấp 2, rồi lên cấp 3, lên đại học, giai đoạn nào cũng có những khó khăn khác nhau, và cần sự có mặt, cần vai trò của các bậc cha mẹ. Vậy chúng ta hãy xác định một tâm thế luôn luôn yêu thương con đúng cách, làm bạn với con, thể hiện sự tin tưởng con .

Chuyên gia Trần Thị Hương cũng thường xuyên đặt ra cho con những câu hỏi để thúc đẩy, khuyến khích con tự định hình mục tiêu tương lai, định hình con người mà con muốn trở thành. “Con muốn trở thành người như thế nào?”, “Con có ước mơ và mục tiêu như thế nào?”, Mục tiêu cấp 1 của con là gì? Cấp 2 của con là gì? Lên đại học con muốn học trường gì? Ngành gì? Khi nhận được những câu hỏi như vậy, thường con sẽ có xu hướng muốn chia sẻ nhiều hơn, cùng ngồi lại với cha mẹ để tâm sự.

Cha mẹ cũng nên chia sẻ với con nhiều hơn để tăng cường mối liên kết trong gia đình
Cha mẹ cũng nên chia sẻ với con nhiều hơn để tăng cường mối liên kết trong gia đình

Từ đó, cha mẹ xác định mục tiêu cùng con, xác định thế mạnh của con để đưa ra phương án để con cảm thấy thoải mái. Các bậc phụ huynh cũng cần hết sức lưu ý, nên quan tâm, quan sát và không can thiệp quá nhiều vào lựa chọn và quyết định của con. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần ghi nhận, cổ vũ, khích lệ để con tự tin thể hiện bản thân.

Thông điệp mà chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Hương muốn gửi đến các bậc phụ huynh: “Mẹ để cho con tự lo thì mẹ sẽ tự do!”.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Trần Thị Kiều, một người mẹ đang có con ở độ tuổi mầm non, cũng chia sẻ thêm:

Chủ động chia sẻ với con, coi con là một người bạn để con dễ dàng chủ động chia sẻ với cha mẹ. Mình phải là người làm gương trước. Nuôi con, đồng hành với con là một quá trình “gieo trồng” mà cha mẹ cần phải kiên trì và nhẫn nại, xây dựng văn hoá kết nối gia đình.

Tất nhiên, không phải ai sinh ra và lớn lên cũng có một gia đình hoàn hảo có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Trong hoàn cảnh đó, bất kỳ ai cũng có những sự thiệt thòi nhất định, thiếu đi sự dìu dắt, đồng hành của cha mẹ, trong khi xã hội đang ngày càng phát triển, đòi hỏi yêu cầu cao về sự giao tiếp.

Nếu bản thân không biết nên làm thế nào để giao tiếp xã hội cho tốt thì hãy nhớ một điều rằng, chúng ta là duy nhất, là đặc biệt trên cuộc đời này. Vì vậy, sống như thế nào không quan trọng bằng việc sống một cuộc đời hạnh phúc, vui vẻ. Và để có một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ thì chúng ta cần có tư duy là chúng ta cần thay đổi tốt hơn. Chúng ta không cần phải nỗ lực để giao tiếp tốt như một ai đó hay phải ngày đêm băn khoăn, lo lắng về việc phải giỏi như sếp kia mà hãy tập trung vào chính bản thân mình. Đừng quá tự ti về bản thân, hãy thay đổi để có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Chúng ta không cần giỏi như người khác mà hãy cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân ngày hôm qua. Bạn có thể đọc sách, xem những video truyền độc lực tích cực, đi bộ nhiều hơn,… thay vì chỉ tập trung vào internet”, chuyên gia Trần Thị Kiều chia sẻ. 

Hãy luôn cố gắng, trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng để trở thành phiên bản tốt hơn chính mình ngày hôm qua
Hãy luôn cố gắng, trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng để trở thành phiên bản tốt hơn chính mình ngày hôm qua

Menis Yousry – Tiến sĩ tâm lý học, Nhà trị liệu tâm lý chuyên về lĩnh vực gia đình và hệ thống phức hợp trải nghiệm – hành vi, đã từng nói rằng:

Tất cả những đau khổ của chúng ta đều đến từ việc chúng ta không có khả năng để cuộc sống trôi theo dòng chảy tự nhiên của nó”.

“Cuộc sống có lúc buồn, lúc vui, trời có lúc nắng và có những lúc mưa. Có những lúc cảm xúc của chúng ta tệ đi, không muốn gặp gỡ ai. Nhưng theo quy luật của sự tự nhiên, chúng ta vẫn cần những sự giao tiếp ra bên ngoài. Và khi chúng ta thuận theo quy luật tự nhiên của cuộc sống, xã hội, hoà hợp với nhu cầu tự nhiên của con người thì chúng ta sẽ có một cuộc sống bình an, hạnh phúc”, chuyên gia Trần Thị Kiều nhắn nhủ.

Lối sống khép kín, sợ giao tiếp xã hội chỉ là những biểu hiện bề mặt, sâu xa còn nhiều nguyên nhân và những bạn trẻ này rất cần đến sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và xã hội. Hy vọng những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Kiều và chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Trần Thị Hương sẽ giúp ích cho bạn đọc!

Có thể bạn quan tâm: 

👉 [New] Cô gái trẻ chiến thắng trầm cảm nhờ trị liệu tâm lý không dùng thuốc

👉 [Xem nhiều nhất] Hành trình trị liệu tâm lý vượt qua trầm cảm của anh Nguyễn Hùng Sơn

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *